VQG Xuân Thủy tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam và là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận là khu Ramsar
Xây dựng bởi Trung tâm Điều tra, Thông tin và Dữ liệu về Môi trường, Đa dạng sinh học, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học
Đôi nét về Vườn quốc gia Xuân Thủy
VQG Xuân Thủy tiêu biểu cho hệ sinh thái đất ngập nước khu vực cửa sông ven biển miền Bắc Việt Nam và là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận là khu Ramsar (Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi lưu trú của các loài chim nước). So với các vùng đất ngập nước và các VQG khác tại khu vực ven biển đồng bằng Bắc Bộ thì hệ sinh thái rừng ngập mặn tại VQG Xuân Thủy có diện tích lớn và mức độ đa dạng sinh học cao về thành phần loài thực vật tham gia. Số loài cây ngập mặn chính được xác định tại khu vực là 16 loài, trong đó loài cây Sú, cây Trang (Vẹt) chiếm số lượng cá thể và diện tích phân bố lớn nhất.
Bên cạnh đó, VQG Xuân Thủy còn là một trong 06 vùng chim quan trọng của các vùng đất ngập nước trọng yếu ở Đồng bằng Bắc Bộ và nằm trên đường bay chim nước di cư tuyến Úc – Đông Á (EAAFP). Hàng năm từ tháng 10, 11 đến tháng 3,4 năm sau, hàng chục ngàn cá thể chim di cư từ phương Bắc đã chọn VQG Xuân Thủy làm nơi dừng chân kiếm ăn, tích lũy năng lượng, trong đó có nhiều loài chim nguy cấp, quý, hiếm.
Vào tháng 1/1989, vườn quốc gia Xuân Thủy trở thành địa danh đầu tiên tại Đông Nam Á tham gia Công ước quốc tế RAMSAR - công ước bảo tồn các vùng đất ngập nước có vai trò quan trọng đối với hệ sinh thái. Đến tháng 12/2004, nơi đây được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ sông Hồng. Có thể nói, vườn quốc gia chính là niềm tự hào to lớn của người dân Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vườn quốc gia Xuân Thủy ở đâu...
Ghi chú: Hình bên cạnh là bản đồ vị trí 34 vườn quốc gia, trong đó VQG Xuân Thủy được làm nổi bật.
Nháy chuột trái vào điểm tọa độ VQG Xuân Thủy để xem ảnh phân vùng bảo tồn của VQG
Vườn quốc gia Xuân Thủy là một vùng bãi bồi rộng lớn tọa lạc ở phía Nam cửa sông Hồng. Nơi đây sở hữu diện tích lên đến 15.000m2, trải dài qua 5 xã khác nhau gồm Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải. Khu vực này được vun bồi bởi phù sa màu mỡ của sông Hồng và biển, do đó là nơi sinh sống lý tưởng của nhiều loài chim quý hiếm và động vật hoang dã.
Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng đất ngập nước đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được công nhận là khu Ramsar
Chúng ta từng bước khám phá nhé! 😀
Đi đến vườn quốc gia Xuân Thủy như thế nào...
Click vào Icon hình ảnh của các địa danh trên bản đồ để xem khái quát lộ trình đến VQG Xuân Thủy
Từ Hà Nội, du khách tới VQG Xuân Thuỷ chỉ mất khoảng hơn 3 giờ đồng hồ bằng xe khách, xe bus hoặc xe máy. Tốt nhất là nên đi ô tô vì đây là phương tiện rẻ nhất.
Bắt đầu từ Hà Nội, du khách đến bến xe Giáp Bát hoặc bến xe Mỹ Đình, lên xe khách đi Giao Thủy về thị trấn Ngô Đồng hoặc du khách cũng có thể bắt xe đi Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc và Giao Hương để về VQG Xuân Thủy. Nếu các bạn xuống các xã khác ngoài Giao Thiện thì các bạn nên thuê xe ôm.
Từ thành phố Nam Định, du khách bắt xe bus (chuyến 01 đi Quất Lâm) tới thị trấn Ngô Đồng rồi bắt xe ôm tới Vườn (khoảng 15 km).
Sau khi đến vườn quý khách có thể thuê dịch vụ chở bằng xuồng để khám phá cảnh đẹp tại vườn quốc gia Xuân Thủy
Lịch sử hình thành
Trải qua lịch sử gần 200 năm, vùng đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ hiện nay chứng kiến nhiều thay đổi cả theo chiều hướng tích cực cùng với những biến cố tiêu cực khác.
Đất ngập nước ở cửa sông ven biển thuộc Vườn quốc gia Xuân Thuỷ có lịch sử hình thành từ các quá trình bồi tụ phù sa của Sông Hồng và Biển Đông, Vùng đất nằm trong đê Ngự Hàn thuộc các xã vùng đệm của VQG Xuân Thuỷ được khai hoang lập ấp từ khoảng 170 năm về trước (theo lịch sử của xã Giao Hải mốc thời gian khai khẩn ở địa bàn bắt đầu từ năm 1840, do cụ Đinh Khắc Chu quê ở Kiên Lao- Xuân Trường và Cụ Nguyễn Duy Hàm quê ở làng Hành Thiện- Xuân Trường chủ trì để hình thành xã Kiên Hành- là Giao Long & Giao Hải ngày nay)
Sau quá trình khai hoang lập ấp là các công trình quai đê lấn biển theo truyền thống :” Lúa lấn cói, cói lấn vẹt và vẹt lấn biển”
Vùng đất ở giáp chân đê Ngự Hàn ngày nay được gọi là Bãi Trong có lịch sử hình thành trên 150 năm. Ban đầu người dân địa phương đắp đê và trồng sú vẹt để phòng hộ đê. Khi đất đã tương đối ổn định dân địa phương trồng cói ở các khu vực ngọt lợ để lấy nguyên liệu dệt chiếu & lợp nhà, sau khi đất được ngọt hoá sẽ chuyển dần sang trồng lúa chịu mặn nhằm từng bước lấn biển.
Những năm 60 tại Giao An xuất hiện mô hình lấn biển do Ông Trần Văn Thuần- Bí thư đảng uỷ xã - chủ trì đã huy động nhân dân địa phương quai đắp đê hình thành nên 02 khu Điện Biên và Bình Long với diện tích gần 200 ha, làm cơ sở hình thành nên Làng Điện Biên ở ngoài đê Ngự Hàn thuộc xã Giao An ngày nay.
Những năm 70, khi hệ thống rừng ngập mặn bị phá bỏ, vùng bãi bồi thuộc địa phận xã Giao Long & Giao Hải bị biển xâm lấn mạnh mẽ, làm mất đi phần lớn diện tích đất bãi bồi tương ứng với địa phận quản lý hành chính của hai xã này.
Khu vực Cồn Lu và Cồn Ngạn có lịch sử hình thành khoảng trên 100 năm. Hai cồn bãi này được người dân địa phương khai thác nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên với mục đích tự cấp tự túc là chính. Cồn Mờ (Cồn Xanh ngày nay) có lịch sử hình thành khoảng trên 20 năm.
Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ 20 bắt đầu có được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ tự cấp tự túc sang nuôi trồng thuỷ hải sản phục vụ cho mục đích thương mại và xuất khẩu. Năm 1986, UBND huyện Xuân Thuỷ triển khai đắp Đập Vọp ngăn Sông Vọp để lấy đường tiến công ra Cồn Ngạn quai đắp bờ đầm nuôi trồng quảng canh các loài hải sản bản địa như : tôm rảo, cua bể và rong câu chỉ vàng. Phong trào làm đầm tôm cũng được phát triển mạnh mẽ vào đầu những năm 90 khi có chủ trương xuất khẩu thuỷ sản sang các nước Châu Âu và Đông Bắc á. Hàng ngàn ha rừng ngập mặn trên các bãi bồi ở Cồn Ngạn và Cồn Lu đã được chuyển đổi mục đích từ phòng hộ ven biển sang nuôi trồng thuỷ sản. Cùng lúc với việc nuôi tôm, phong trào nuôi Ngao thương phẩm cũng đã lấn chiếm đất vùng bãi bồi còn hoang hoá ở khu vực cuối Cồn Lu & Cồn Ngạn để chuyển sang nuôi quảng canh loài ngao và các loài nhuyển thể khác cũng được phát triển mạnh mẽ. Ban đầu dân địa phương chỉ nuôi Ngao bản địa (ngao dầu), sau đó chuyển sang nuôi Ngao Thanh Hoá (ngao méo) đến ngày nay là Ngao trắng Bến Tre và nuôi thêm một số loài nhuyễn thể khác như: Hà, Gion, Vẹm…
Đập Vọp lúc đầu đã giúp dân địa phương mở mang bờ cõi, tiến dần ra biển để nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thuỷ sản. Tuy nhiên do đập Vọp tạo sự ngăn cách của hai nguồn nước: nước ngọt từ Sông Hồng và nước mặn từ biển Giao Hải nên đã làm mất đi cân bằng sinh thái ở khu vực. Phía đầu Sông Hồng ( đông Đập Vọp) vì quá ngọt nên lau sậy phát triển mạnh chỉ có các loaì tôm cá tạp ở hệ sinh thái ngọt lợ ( có giá trị kinh tế thấp) thích ứng được. Phía tây Đập Vọp bị mặn hoá, loài Hà phát triển mạnh, rừng ngập mặn bị lụi đi nhiều vì Hà bám và cũng do môi trương nước quá mặn chỉ có loài Hà là có thể thích ứng tốt nên hiệu quả nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực không cao.
Năm 1989 vùng bãi bồi ngập nước ở cửa Sông Hồng thuộc huyện Xuân Thuỷ được UNESCO công nhận gia nhập công ước quốc tế Ramsar.
Năm 1992, UBND huyện Xuân Thuỷ thành lập Trung tâm tài nguyên môi trường thuộc huyện để giúp Chính phủ thực hiện cam kết đã ký với cộng đồng quốc tế về bảo tồn vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế tại Xuân Thuỷ.
Năm 1992, Bộ lao động thương binh và xã hội phê duyệt dự án lấn biển Cồn Ngạn, bao gồm:” Phần diện tich đất ngập nước tính từ Đê Vành Lược đến đê Ngự Hàn chia thành 04 ô để có thể quy hoạch xây dựng khu kinh tế mới cho 03 xã mới.”
Năm 1995, Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ Nông Nghiệp &PTNT) phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ; để sau đó UBND tỉnh Nam Hà quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên trực thuộc Chi cục kiểm lâm tỉnh Nam Hà.
Nghề nuôi trồng thuỷ sản ở khu vực trải qua rất nhiều thăng trầm, từ việc ban đầu chỉ tập trung nuôi quảng canh một vài loài bản địa chủ yếu như: tôm, cua, ngao với việc đáp ứng thị trường tại chỗ đến việc mở rộng quy mô nuôi ( tăng diện tích, số loài và cường độ nuôi...) nhằm mục đích xuất khẩu. Dự án của Bộ Lao động TB&XH thay đổi mục tiêu từ việc lấn biển di dân hình thành 03 xã mới để chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản phục vụ mục đích sản xuất hàng hoá. Cũng vì vậy một xã mới tương ứng với địa phận xã Giao An là xã Giao Hưng (1997) đã được Thủ Tướng Chính Phủ huỷ bỏ quyết định vào năm 2003. Truyền thống lấn biển cũng được thay đổi thành: ” vẹt lấn biển, tôm lấn vẹt”.
Rừng ngập mặn cũng có lịch sử hình thành khá phức tạp. Ban đầu chỉ là phong trào trồng Vẹt (Trang) tự phát để phòng hộ đê biển, sau đó địa phương đã nhận được các tài trợ nhỏ của Chính Phủ và các Tổ chức quốc tế. Năm 1995-1998, Rừng ngập mặn được trồng bằng nguồn kinh phí Phủ xanh đất trống đồi trọc ( Chương trình 327), Từ năm 1999 đến nay là Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng ( Chương trình 661). Đặc biệt từ năm 1997-2005 Hội chữ thập Đỏ Đan Mạch tài trợ cho huyện Giao Thuỷ dự án Phục hồi rừng ngập mặn với quy mô trồng RNM lên tới hàng ngàn ha và đã đạt được hiệu quả khá tích cực. Rừng Phi lao được trồng chủ yếu ở má ngoài Cồn Lu và dải cát ở má ngoài của Bãi Trong bằng các nguồn kinh phí như trên, Năm 1999 diện tích rừng phi lao ổn định đã lên tới trên 100 ha. Những năm gần đây do bị ảnh hưởng của bão gío và nước biển dâng nên rừng Phi lao bị suy giảm nhiều, Diện tích rừng bị thu hẹp chỉ còn khoảng 50 ha tập trung ở phía má ngoài Cồn Lu.
Năm 2002, Đập Vọp được thông bằng Cầu Vọp, đồng thời với việc mở hàng loạt các kênh cấp thoát nước chạy dọc Cồn Ngạn, hệ thống nước được điều hoà hợp lý hơn. Năm 2004 là năm được mùa Ngao giống tự nhiên giúp cho cộng đồng địa phương có được nguồn thu nhập khá lớn ( hàng trăm tỷ đồng từ sản phẩm ngao các loại). Tuy nhiên mấy năm trở lại đây do việc canh tác bất hợp lý cộng với các yếu tố khách quan khác như: ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung ở khu vực bị suy giảm mạnh. Nhiều đầm tôm và vây vạng làm ăn kém hiệu quả, thất thu, bỏ đầm trống hoặc làm cầm chừng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nghề nuôi trồng thuỷ sản và an sinh xã hội ở khu vực.
Năm 2003, Chính phủ quyết định chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Xuân Thuỷ thành Vườn quốc gia Xuân Thuỷ.
Năm 2004, UNESCO tiếp tục công nhận Khu dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng, trong đó Vườn quốc gia Xuân Thuỷ trở thành vùng lõi có tầm quan trọng đặc biệt của Khu dự trữ sinh quyển thế giới này.
Các phân vùng bảo tồn
VQG Xuân Thuỷ nằm ở phía Đông - Nam huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, bao gồm phần bãi trong của Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Xanh (Cồn Mờ).
Theo Quyết định số 1440/QĐ-UBND và 1441/QĐ-UBND ngày 28/7/2008 của UBND tỉnh Nam Định, tổng diện tích tự nhiên của VQG Xuân Thủy lên 7.110,08 ha. Diện tích vùng đệm VQG Xuân Thủy là 8.000 ha, bao gồm một phần diện tích Cồn Ngạn, toàn bộ Bãi Trong và diện tích tự nhiên của 05 xã vùng đệm: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.
Theo Quyết định số 4175/2005/QĐ-UBND ngày 30/12/2005 của UBND tỉnh Nam Định về phê duyệt quy hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển VQG Xuân Thủy giai đoạn 2004 - 2020, VQG Xuân Thủy được chia thành 03 phân khu chức năng:
- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 6.166 ha;
- Phân khu phục hồi sinh thái: 916 ha;
- Phân khu hành chính, dịch vụ: 28 ha.
Khu vực VQG Xuân Thủy có địa hình bằng phẳng, có một số cồn cát, các tuyến đê và một vài gò đống nằm rải rác. Độ cao có xu hướng nghiêng dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông. Dạng địa hình hỗn hợp sông – biển chiếm phần lớn diện tích, được hình thành trong quá trình tương tác sông - biển. Vật liệu cấu tạo chủ yếu gồm bột – cát, bột- sét và sét bột…đặc trưng cho tướng bãi triều. Bề mặt địa hình bằng phẳng, nghiêng thấp dần về phía biển và có nhiều đấu tích các lạch triều, lòng dẫn chết sót lại. Hiện nay, dạng địa hình này đang được khai thác chính trong nông nghiệp.
VQG Xuân Thủy nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm gió mùa ở miền Bắc Việt Nam, phân hoá sâu sắc theo mùa trong năm: mùa gió Tây nam, nóng và ẩm, kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và gió mùa Đông bắc, lạnh và khô, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau. Khu vực Giao Thuỷ có nhiệt độ trung bình năm đạt 23 – 24oC; mùa hè có nhiệt độ trung bình 27 – 29oC; tháng nóng nhất là tháng 7, nhiệt độ có thể đạt tới 38 – 39oC; tháng lạnh nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình 16,7oC, đôi khi có thể xuống tới 4 - 5oC. Số giờ nắng trung bình 1.650 - 1.700 giờ/năm
Đa dạng sinh học
Vùng đất ngập nước tại VQG Xuân Thủy có 7 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, bao gồm:
+ Bãi triều lầy có rừng ngập mặn;
+ Bãi triều lầy không có rừng ngập mặn;
+ Dải cát ven bờ ngoài Cồn Lu và cồn cát chắn vùng cửa sông;
+ Đầm nuôi trồng thuỷ sản;
+ Sông nhánh, lạch triều;
+ Vùng nước cửa sông Ba Lạt;
+ Ruộng lúa nước.
Bên cạnh giá trị phòng hộ, bảo vệ đê, dân sinh, kinh tế – xã hội và các hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương thì hệ sinh thái bãi triều lầy có rừng ngập mặn của VQG Xuân Thủy còn là nơi trú ngụ, sinh sản của nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao tại khu vực.
Vùng đất ngập nước VQG Xuân Thủy còn có khả năng kết nối với Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình, tỉnh Thái Bình để tạo nên hành lang đa dạng sinh học rộng lớn tại khu vực ven biển Đồng bằng Bắc Bộ. Điều này góp phần mở rộng vùng hoạt động và trao đổi nguồn gen sinh vật cho các loài chim di trú và các loài thủy sinh nguy cấp, quý, hiếm và có giá trị kinh tế cao tại khu vực.
Như vậy, không gian hệ sinh thái tự nhiên của VQG Xuân Thủy đảm bảo cho sự tồn tại và phát triển của các quần xã sinh vật, đặc biệt là các loài thủy sinh và các loài chim nước nguy cấp, quý, hiếm. Hệ sinh thái rừng ngập mặn của VQG Xuân Thủy cũng đảm bảo các giá trị phòng hộ ven biển và là bể chứa carbon lớn tại khu vực.
Ngoài ra, với sinh cảnh RNM, bãi triều có nhiều loài chim di trú nên VQG Xuân Thủy còn là nơi lý tưởng cho các hoạt động du lịch sinh thái.
Thực vật
Thực vật bậc cao: Kêt quả đánh giá, cập nhật danh lục thực vật rừng ghi nhận tại trong VQG Xuân Thủy có 202 loai thực vật bậc cao có mạch thuộc 145 chi, 65 họ. Trong đó, ngành Dương xỉ có 9 loài, thuộc 7 chi, 6 họ; Lớp Hai lá mầm có 139 loài, thuộc 106 chi, 51 họ; Lớp Một lá mầm có 55 loài thuộc 32 chi, 8 họ thực vật.
Tại khu vực VQG Xuân Thủy có 40 loài thực vật có giá trị dược liệu, điển hình như Cỏ gấu, Dứa dại, Sài hồ , Ô rô,... hầu hết các loài dược liệu ghi nhận được chủ yếu tại bãi nổi ít ngập nước thuộc Cồn Lu.
Thảm thực vật: VQG Xuân Thủy có các quần xã thực vật chủ yếu sau:
- Quần xã rừng trồng Phi lao: Quần xã phi lao tập trung chủ yếu là các cồn cát phía ngoài rừng ngập mặn, giáp với biển ở Cồn Lu và rải rác ở một số nơi khác.
- Quần xã ưu thế Cỏ ngạn, Cỏ lông chông: Quần xã này chủ yếu thấy ở khu vực của sông Ba Lạt, nơi các bãi triều bùn đang hình thành. Các loài thực vật phần lớn thời gian bị ngập nước.
- Quần xã ưu thế Rau muống biển, Cỏ lông chông, Cỏ gà: Kiểu quần xã này chủ yếu gặp ở các bãi cát phía ngoài rừng trồng phi lao ở Cồn Lu hoặc các bãi cát mới, diện tích của kiểu quần xã này thường hẹp.
- Quần xã ưu thế Muối biển: Kiểu quần xã này phân bố trên các bãi bồi dọc theo một số nhánh sông Trà phía Cồn Lu.
- Quần xã các loài thực vật trên các bờ đê, bờ đầm trong vùng lõi và vùng đệm VQG: Đây là sinh cảnh của các kiểu quần xã đa dạng nhất về thành phần loài, là kiểu quần xã có sự thích nghi và tham gia của các loài bản địa và các loài phát tán hoặc di cư từ nội địa ra.
- Quần xã Lác nước, Cỏ ống, Sậy : Kiểu quần xã này trước đó là rừng ngập mặn, chúng hình thành sau các đầm nuôi thủy sản hình thành một vài năm. Sau khi các bờ đầm được đắp, giữ lại nước, một số cây ngập mặn bị chết. Các loài thuộc quần xã này có điều kiện phát triển.
- Quần xã rừng ngập mặn: Quần xã này là nơi cư trú, sinh sản của cả một quần xã sinh vật rừng ngập mặn phong phú, có tầm quan trọng lớn về nguồn lợi biển ven bờ và bảo vệ vùng ven biển.
Thực vật nổi Theo Vũ Trung Tạng và cộng sự (2005), các đợt khảo sát tại cửa Ba Lạt và ven biển Giao Thủy vào năm 2004 đã thống kê được 112 loài thuộc 43 chi, 20 họ của 6 ngành tảo lớn: tảo mắt (Euglenophyta), tảo lục (Chlorophyta), tảo giáp (Pyrrophyta), vi khuẩn lam (Cyanobacteria) và tảo silic (Bacillariophyta), trong đó tảo silic bao giờ cũng là ngành ưu thế cả về số lượng họ, chi và loài.
Kết quả điều tra, khảo sát năm 2022 tại VQG Xuân Thủy đã xác định được 87 loài thực vật nổi thuộc 3 ngành tảo gồm: ngành vi khuẩn lam (Cyanobacteria), ngành tảo silic (Bacillariophyta) và ngành tảo giáp (Pyrrophyta). Trong đó, tảo silic có số loài cao nhất (76 loài, chiếm 83%), tiếp đến là tảo giáp (có 12 loài, chiếm 13%) và cuối cùng là vi khuẩn lam (có 4 loài, chiếm 4%). Như vậy, số lượng loài thực vật nổi được ghi nhận trong đợt này không có sự khác biệt lớn so với các kết quả nghiên cứu trước đây.
Động vật
Động vật nổi Theo Phan Nguyên Hồng và cộng sự (2007), đã xác định được 55 loài thuộc 40 giống: Giáp xác (Copepoda, Cladocera và Amphipoda) 45 loài, chiếm 81,8% tổng số loài; Crystoflagellata 1 loài, Polychaeta 1 loài, Mollusca 5 loài (chiếm 9,1%) và các đại diện khác (2 loài, chiếm 3,64%)
Phân tích các mẫu vật thu được trong đợt khảo sát vào mùa hè năm 2022 tại các thủy vực ở VQG Xuân Thuỷ xác định 87 loài và nhóm loài động vật nổi xếp trong 4 ngành động vật không xương sống, 6 lớp, 10 bộ, 38 họ và 58 giống. Trong số các loài đã ghi nhận được, phân lớp giáp xác chân chèo (Copepoda) có số loài nhiều nhất với 59 loài (chiếm 67,8% tổng số loài), tiếp đến là nhóm giáp xác râu chẻ (Cladocera) (14 loài, chiếm 16,1% tổng số loài); trùng bánh xe (Rotifera) (4 loài; chiếm 4,6%). Như vậy, tổng số loài động vật nổi được ghi nhận tại VQG Xuân Thủy đến thời điểm hiện tại là 110 loài.
Động vật đáy Tổng hợp các công trình nghiên cứu từ trước đây và kết quả khảo sát đã xác định được 385 loài động vật không xương sống ở đáy thuộc 6 ngành (Annelida, Arthropoda, Brachiopoda, Cnidaria, Mollusca, Sipuncula), 11 lớp, 38 bộ, 106 họ, 206 giống. Hầu hết các loài động vật không xương sống đáy cỡ lớn ở khu vực là những loài nhiệt đới phân bố rộng ở ven biển phía Tây Thái Bình Dương.
So sánh thành phần động vật đáy thu được về bậc loài, bậc giống và bậc họ thì ngành Chân khớp (Arthropoda) có số lượng phong phú nhất. Trong thành phần động vật đáy, loài Ngao bến tre (Meretrix lyrata) được di giống từ miền Nam ra từ năm 1998, hiện đang được nuôi rộng rãi ở vùng bãi triều VQG Xuân Thủy.
Các kết quả nghiên cứu đã khẳng định đa dạng của nhóm động vật đáy trong RNM khu vực VQG Xuân Thủy cao hơn hẳn so với các vùng cửa sông khác. Mặc dù vậy, số lượng loài động vật đáy cỡ lớn được thống kê vẫn chưa phản ánh hết mức độ đa dạng của khu hệ động vật đáy ở VQG Xuân Thuỷ.
Hệ cá Trên cơ sở phân tính, tổng hợp các dẫn liệu đã có từ trước tới nay, đã ghi nhận tổng số 155 loài cá thuộc 14 bộ, 53 họ đã thấy ở vùng nước thuộc khu vực VQG Xuân Thủy.
Côn trùng Trên cơ sở phân tính các vật mẫu nghiên cứu thu được từ chuyến điều tra năm 2012, bước đầu đã xác định tổng số 245 loài và dạng loài côn trùng thuộc 13 bộ, 81 họ cho VQG Xuân Thủy.
Bò sát, ếch nhái Kết quả của các đợt điều tra năm 2022 tại khu vực VQG Xuân Thuỷ đã ghi nhận 30 loài bò sát, ếch nhái, trong đó có 10 loài ếch nhái thuộc 5 họ, 1 bộ và 20 loài bò sát thuộc 9 họ, 2 bộ. Các họ có số lượng loài nhiều bao gồm họ rắn nước (Colubridae) có 7 loài (chiếm 23,3% tổng số loài); họ rắn hổ (Elapidae) và họ ếch nhái chính thức (Dicroglossidae) có 4 loài (chiếm 13,3% tổng số loài).
Hệ chim VQG Xuân Thuỷ là nơi dừng chân và trú đông quan trọng của các loài chim nước di cư. Tổng số loài chim được ghi nhận tại VQG Xuân Thủy là 222 loài, chiếm khoảng 26,18% tổng số loài chim của Việt Nam (868 loài), trong đó có 32 loài chim nguy cấp, quý, hiếm cấp quốc gia và cấp toàn cầu. Trong số các loài chim nguy cấp, quý, hiếm thì loài Cò thìa mặt đen (Platalea minor) – Loài chim được xếp ở mức nguy cấp (EN) luôn lựa chọn vùng đất ngập nước tại VQG Xuân Thủy để trú đông, tích lũy năng lượng. Hàng năm, số lượng cá thể Cò thìa mặt đen trú đông tại VQG Xuân Thủy dao động từ 40 – 80 cá thể. Những nỗ lực trong công tác bảo tồn loài Cò thìa mặt đen tại VQGXT nói riêng và của các quốc gia tại khu vực nói chung đã góp phần làm gia tăng số lượng cá thể Cò thìa mặt đen trong toàn khu vực, từ 300 cá thể vào năm 1990 thì đến thời điểm tháng 01/2021 đã tăng lên 5.222 cá thể.
Trong số các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở VQG Xuân Thuỷ, nhóm chim được chú ý bảo tồn nhiều hơn cả, đặc biệt là nhóm chim nước di cư. Có hai dòng di cư chính theo trục Bắc Nam và ngược lại: vào mùa đông, chim di cư tránh rét từ phương Bắc xuống trú đông, vào dịp hè thu các loài di cư tránh nóng từ phương Nam lên như các loài Giang Sen, Bồ Nông…từ miền Nam Việt Nam và Campuchia đã chọn VQG Xuân Thuỷ làm nơi tránh nóng trong vòng đời di cư hàng năm của chúng. Chính vì vậy, VQG Xuân Thuỷ là “Ga chim quốc tế” quan trọng của nhiều loài chim quý, hiếm và đặc biệt là nơi sống của nhiều loài chim nước.
Hệ thú Phan Nguyên Hồng và Hoàng Thị Sản (1993) liệt kê được 17 loài thú ở VQG Xuân Thuỷ. Một số thú ăn thịt cỡ nhỏ tồn tại nhưng không phát triển, ví dụ:
Các loài thuộc họ Chồn (Mustelidae), Rái cá thường (Lutra lutra) và Rái cá vuốt bé (Aonyx cinera), họ Cầy (Viverridae), họ Mèo (Felidae). Một loài thuộc họ Cá voi (Cetaceae) thu được mẫu vào mùa thu năm 1995 nhưng chưa xác định được tên
Tập hợp các dẫn liệu điều tra đã có từ trước tới nay cho thấy số loài sinh vật đã biết ở VQG Xuân Thuỷ và khu vực phụ cận, vùng cửa sông Ba Lạt là 1.670 loài thuộc các nhóm thực vật, sinh vật nổi, rong - cỏ biển, động vật đáy, cá, côn trùng,bò sát, ếch - nhái, chim và thú. Số loài sinh vật đã xác định được trong các đợt khảo sát năm 2022 trong phạm vi VQG Xuân Thuỷ là 1.072 loài.
Các loài nguy cấp, quý, hiếm Các loài sinh vật quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ ở VQG Xuân Thuỷ tập trung ở các nhóm động vật như cá, bò sát, chim. Trong đó, nhóm chim được chú ý bảo tồn nhiều hơn cả, đặc biệt là nhóm chim nước di cư. Trong số 1.670 loài đã biết tại khu vực VQG Xuân Thuỷ, có 01 loài thực vật, 12 loài cá, 9 loài bò sát, 32 loài chim, 1 loài giáp xác có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2022), Nghị định số 64/2019/NĐ-CP ngay 16 thang 7 năm 2019, Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngay 22 thang 9 năm 2021 của Chính phủ, va Quyêt định số 82/2008/QĐ-BNN ngày 17 tháng 7 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Bản đồ chỉ dẫn...
Trên bản đồ là các điểm đến thú vị tại vườn quốc gia Xuân Thủy, mời các bạn tự mình khám phá.
(Click vào hình ảnh trên bản đồ để biết thông tin điểm đến)
Du lịch khám phá
Vườn Quốc gia Xuân Thủy nằm trong khu vực nhiệt đới nóng ẩm và mưa nhiều, nhiệt độ trung bình rơi vào khoảng 23 đến 24 độ C nên khá thuận lợi để khách du lịch tham quan một cách mát mẻ và thông thoáng. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý hạn chế đi đến vườn Quốc gia Xuân Thủy vào những ngày mưa lớn để không gây trở ngại trong chuyến đi.
Đặc biệt, bạn có thể chọn tham quan vườn Quốc gia Xuân Thủy vào khoảng tháng 10 đến tháng 4 năm sau. Vì đây là thời điểm nhiều loài chim di cư về, thuận lợi cho bạn ngắm nhìn và thưởng thức âm điệu nhộn nhịp của chúng.
Dạo thuyền Đến với vườn Quốc gia Xuân Thủy, nơi nổi tiếng với khu rừng ngập mặn cùng hệ sinh thái vô cùng đa dạng thì tham gia dạo chơi bằng thuyền chính là hoạt động lý tưởng. Trong suốt chuyến tham quan, bạn sẽ có cơ hội ngắm nhìn các động thực vật độc đáo cùng phong cảnh tuyệt đẹp.
Giá thành cho một chuyến tham quan bằng tàu sẽ dao động trong khoảng 3.000.000 VNĐ đến 4.000.000 VNĐ đối với tàu và khoảng 1.500.000 VNĐ đối với thuyền. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể yên tâm về mức độ an toàn vì bạn sẽ được mặc áo phao và nhân viên hỗ trợ trong suốt chuyến đi.
tham quan bằng thuyền
Hoạt động bắt ngao Bắt ngao là một trong những nghề nổi tiếng của người dân nơi đây. Chính vì vậy, khi đến với khu du lịch vườn Quốc gia Xuân Thủy, bạn sẽ được tham gia hoạt động bắt ngao vô cùng mới lạ và thú vị.
Trải nghiệm bắt ngao
Cắm trại Một trong những hoạt động rất được yêu thích và lại gần gũi với thiên nhiên chính là cắm trại. Khi đến vườn Quốc gia Xuân Thủy, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm cắm trại bên bầu không khí trong lành của núi rừng, âm thanh chữa lành từ thiên nhiên.