Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong vùng núi Trung Trường Sơn, nơi có địa hình đồi núi trùng điệp, hiểm trở với những dãy núi cao, vách đá dựng đứng. Đặc biệt, Kon Ka Kinh được mệnh danh là “nóc nhà” của vùng Tây Nguyên khi sở hữu đỉnh Kon Ka Kinh cao gần 1.700 mét so với mực nước biển. Chính sự kết hợp của những dãy núi cao, thung lũng sâu, sông suối, và các hệ thống hang động đã tạo nên một cảnh quan thiên nhiên độc đáo, vừa hoang sơ lại vừa hùng vĩ. Do đó, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có sự đa dạng về các kiểu rừng và thảm thực vật.
Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh giàu: Kiểu rừng này có tổng diện tích 7.157,98 ha, chiếm 17,08% % tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố tập trung tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái số IV ở khu vực huyện Mang Yang của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh trung bình: Kiểu rừng này có tổng diện tích 24.328,1 ha, chiếm 58,04 % tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố rộng tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và các phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo: Kiểu rừng này có tổng diện tích 826,68 ha, chiếm 1,97 % tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố tại khu vực xã Krong và dải rác trong các phân khu phục hồi sinh thái và phân khu hành chính của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi: Kiểu rừng này có tổng diện tích 4.661,39 ha, chiếm 11,12 % tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố tập trung tại khu vực phía bắc của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh giáp với tỉnh Kon Tum và dải rác các phân khu bảo vệ.
Rừng tre nứa khác tự nhiên núi đất: Có diện tích nhỏ 201,07 ha, chiếm 0,48 % tổng diện tích và phân bố rải rác ở một số vùng ven của Vườn quốc gia. Rừng được hình thành trên đất làm nương rẫy bị thoái hoá.
Rừng HG lá rộng lá kim mưa mùa nhiệt đới núi trung bình: Kiểu rừng này có tổng diện tích 1.778,46ha, chiếm 4,24% tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố tập trung tại khu vực trung tâm của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm chủ yếu ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
Rừng hỗn giao tre nứa – gỗ tự nhiên núi đất: Kiểu rừng này có tổng diện tích 370,34 ha, chiếm 0,88 % tổng diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, phân bố dải rác tại phía bắc và phía đông của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, nằm ở các phân khu phục hồi sinh thái.
Rừng trồng gỗ: Có diện tích 151,8 ha, chiếm 0,36 % tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng Thông 3 lá, Sao đen, phân bố tập trung tại phân khu dịch vụ hành chính và phân khu phục hồi sinh thái IV của Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.
Về thảm thực vật bậc cao Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là 1.754 loài, thuộc 753 chi và 181 họ, chiếm khoảng 14% hệ thực vật cả nước. Trong đó có 1.629 loài thực vật hạt kín, 16 loài thực vật hạt trần, và 109 loài khuyết thực vật. Ngoài ra còn có 91 loài thực vật bậc thấp thuộc 39 chi và 26 họ, trong đó có 66 loài rêu (Bryopsida) thuộc 27 chi và 15 họ và 25 loài địa tiễn (Haplomitriopsida, Jungermanniopsida) thuộc 12 chi và 11 họ.
Khí hậu tại đây mang đặc trưng của vùng nhiệt đới gió mùa, với mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Điều này giúp cho hệ sinh thái tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trở nên phong phú và đa dạng. Nơi đây là một trong những khu vực có hệ thực vật đặc sắc của vùng Trường Sơn với nhiều loài cây quý hiếm như cây gỗ rừng nguyên sinh, cây thuốc quý và các loài thực vật đặc trưng của rừng nhiệt đới. Ngoài ra, động vật tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh cũng vô cùng phong phú, với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm như vượn, khỉ, hổ, gấu, và nhiều loài chim di cư.
Một trong những điểm nhấn nổi bật của cảnh quan Trung Trường Sơn tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh chính là những dãy núi cao trùng điệp, được bao phủ bởi thảm rừng nguyên sinh rậm rạp. Đỉnh Kon Ka Kinh, là điểm cao nhất trong khu vực và là một trong những đỉnh núi thu hút nhiều người yêu thích khám phá. Từ đây, du khách có thể nhìn thấy toàn cảnh khu rừng nguyên sinh rộng lớn, những thung lũng sâu thẳm và các con suối trong lành uốn lượn qua những khu rừng bạt ngàn. Bên cạnh đó, những con suối, thác nước tại Kon Ka Kinh cũng là yếu tố tạo nên sự độc đáo cho cảnh quan nơi đây. Suối Kon K’tu, thác Kon Ka Kinh, thác K50 là những điểm đến nổi bật, với dòng nước mát lạnh và cảnh sắc tựa tranh vẽ. Đặc biệt, thác Kon Ka Kinh, với dòng nước đổ xuống từ độ cao hơn 100 mét, tạo ra những làn sương mù bồng bềnh, mang đến một không gian huyền bí và thơ mộng.
Khung cảnh hoang sơ, tĩnh lặng của khu rừng nguyên sinh, kết hợp với vẻ đẹp kỳ vĩ của núi non và các hệ sinh thái đặc sắc, khiến cho cảnh quan Trung Trường Sơn tại Vườn quốc gia Kon Ka Kinh trở thành một bức tranh thiên nhiên vô cùng ấn tượng./.
NBCA