Công nghệ giống cây trồng: Bao giờ đạt đẳng cấp và thương hiệu quốc tế?

Công nghệ giống cây trồng: Bao giờ đạt đẳng cấp và thương hiệu quốc tế?

Trong những năm qua, nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân. Thành công này là nhờ vào sự đóng góp của khoa học – công nghệ, đặc biệt là công tác nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi mới… Tuy nhiên, nước ta vẫn đang thiếu nhiều loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao và hiện chưa có loại giống cây trồng nào đạt đẳng cấp và thương hiệu quốc tế…

Nhiều giống mới được lai tạo…

Trong những năm qua, nền nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc dân. Sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thị trường kinh tế thế giới: đứng thứ hai về xuất khẩu gạo; thứ hai về xuất khẩu cà phê, thứ tư về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu điều, hồ tiêu…
Có được thành công này là có sự đóng góp không nhỏ của các nhà khoa học, đặc biệt là trong công tác nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi mới. Theo Bộ KH – CN, trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tạo và tuyển chọn được gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống được phát triển trên diện rộng trong sản xuất. Hiện có trên 80% diện tích lúa được trồng bằng giống cải tiến, trên 90% diện tích ngô trồng bằng giống ngô lai…

Bên cạnh đó, dự đóng góp của các nhà khoa học trong việc lai tạo, tuyển chọn các loại cây công nghiệp khác cũng có tiến bộ vượt bậc. Hiện có 40 – 50% diện tích lạc, 50 – 60% diện tích đậu tương, trên 60% diện tích mía và trên 90% diện tích bông được trồng bằng các giống mới. Đặc biệt, gần 100% diện tích cao su ở nước ta được trồng bằng các loại giống tốt, do đó, năng suất cao su bình quân của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới (1,55 tấn/ha) chỉ thua Thái Lan và ấn Độ (1,75 tấn/ha). Các tiến bộ KH – CN về giống và kỹ thuật thâm canh đã góp phần đưa sản lượng cao su hiện nay tăng hơn 10 lần so với năm 1990…

Đối với cây điều, các nhà khoa học đã chọn tạo được các giống điều lùn có năng suất cao; từ năm 2000 đến nay đã có khoảng 20 giống điều lùn được chọn tạo cho vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Việc chọn giống cây chè cũng đã góp phần quyết định năng suất và chất lượng chè trong những năm qua; hiện đã có một số giống chè tốt được đưa vào sản xuất là: PH1, LDP1, LDP2… chiếm khoảng 30% diện tích; các giống chè mới phù hợp cho chế biến chè ô long cũng đã được phát triển ở một số vùng…

 

… nhưng chưa có đột phá về chất lượng

Kết quả đạt được trong việc lai tạo, tuyển chọn giống cây trồng là không thể phủ nhận, song theo đánh giá thì công tác này chưa thật sự bền vững và chưa có đột phá về năng suất, chất lượng. Chẳng hạn như trong việc lai tạo, tuyển chọn giống lúa: với lúa thuần, chúng ta còn thiếu các giống thích hợp với bất thuận của thời tiết, sâu bệnh. Điều này lý giải tại sao số lượng giống lúa thuần chọn tạo trong nước chiếm đến 92,8%, song diện tích trồng các giống đó chỉ khoảng 65 – 70%. Còn với lúa lai, do điều kiện khí hậu nên sản xuất hạt lai, nhất là lai 3 dòng rất khó khăn, dẫn đến sản xuất trong nước mới chỉ đạt 3.200 – 3.500 tấn, đáp ứng khoảng 20 – 25% nhu cầu, còn lại phải nhập từ Trung Quốc.

Điều đáng nói nữa là cho đến nay nước ta chưa có loại giống cây trồng nào đạt đẳng cấp và thương hiệu quốc tế. Chẳng hạn, khi nói đến Khaodakmali là người ta nghĩ ngay đến gạo Thái Lan; nói Basmati là ý chỉ gạo ấËn Độ, Pakistan; nhưng ta chỉ có một tên gọi “gạo trắng Việt Nam”, nên thường thua thiệt ở thị trường quốc tế. Cũng là mặt hàng xuất khẩu, nhưng gạo Thái Lan luôn có giá cao hơn gạo của Việt Nam từ vài chục đến cả trăm USD/tấn… Hoặc nữa, trong khi 1kg thanh long ruột đỏ có xuất xứ từ Đài Loan có giá khoảng 40 ngàn đồng thì thanh long ruột trắng của Việt Nam cũng chỉ bán được với giá trên dưới 10 ngàn đồng?!…

Nhiều ý kiến cho rằng: sở dĩ như vậy là vì chất lượng nông sản của ta chưa cao và cốt lõi của vấn đề này là công tác lai tạo cũng như quản lý giống chưa đồng bộ và chưa tốt. Theo Vụ KH – CN và Môi trường, Bộ NN và PTNT, giai đoạn 2006 – 2010, Bộ đã phê duyệt nhiều đề tài, dự án nghiên cứu chọn tạo giống lúa với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 19 giống lúa được công nhận cấp quốc gia, chưa có sản phẩm mới nào mang ưu điểm vượt trội về chất lượng được trồng đại trà, phục vụ xuất khẩu.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là một nước nông nghiệp, nhưng theo GS – TS. Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta hầu như chưa có ngành công nghệ hạt giống?!  TS. Lê Hưng Quốc, Phó chủ tịch – Tổng thư kí Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam thì thừa nhận: giống cây trồng Việt Nam chưa đạt được đẳng cấp và trình độ quốc tế, thương hiệu quốc tế. Mặc dù tính đến nay, cả nước đã có 996 giống được công nhận là giống quốc gia nhưng mới chỉ có 52 giống được cấp bằng độc quyền sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, trong số 52 giống mới đã được cấp bằng thì có tới 60% là giống của các đơn vị nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.

Bên cạnh đó, có một thực tế là nhiều loại giống tốt đã được các nhà khoa học tạo ra nhưng chưa đến được với nông dân. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp Hà Nội, phần lớn các kết quả nghiên cứu đều dừng lại ở “dự án P” – tức thử nghiệm để tiến hành sản xuất thử. Còn theo TS. Lê Hưng Quốc, vẫn còn một khoảng cách lớn giữa các nhà khoa học và người sản xuất; nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả của Việt Nam, sau khi được Nhà nước quy hoạch, rồi để cho nông dân tự bơi từ đầu đến cuối khiến không ít nông dân phải lao đao…

Theo http://daibieunhandan.vn