Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (AWGNCB) năm 2024 được tổ chức tại Singapore với sự tham gia của đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, các tổ chức bảo tồn quốc tế, nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH).
Mục tiêu của Hội nghị AWGNCB hàng nhằm nhằm đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học trong khu vực ASEAN; Thảo luận các biện pháp bảo tồn và phát triển bền vững; Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên.
Nội dung chính của Hội nghị nhằm giới thiệu các chính sách và chương trình bảo tồn thiên nhiên mới; Trao đổi kinh nghiệm giữa các quốc gia về quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học; từ đó thảo luận về tác động của biến đổi khí hậu đối với đa dạng sinh học và các giải pháp ứng phó với hi vọng vào các kết quả đạt được sẽ là: ký kết các thỏa thuận hợp tác giữa các quốc gia ASEAN về bảo tồn thiên nhiên; đề xuất các sáng kiến chung nhằm bảo vệ hệ sinh thái khu vực; cam kết tăng cường nguồn lực và chính sách hỗ trợ bảo tồn đa dạng sinh học.
Thực hiện Quyết định 1898/QĐ-BTNMT ngày 10/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đoàn công tác của Việt Nam đã tham dự đầy đủ các cuộc họp trong thời gian từ ngày 16 đến ngày 19/7/2024, đồng thời, tích cực đóng góp ý kiến trong quá trình thảo luận, góp ý cho các văn kiện và nội dung của các Cuộc họp, thể hiện trách nhiệm với việc triển khai các hoạt động BTTN&ĐDSH trong khu vực, tăng cường vai trò, hình ảnh của Việt Nam trong khu vực.
Đối với Chương trình AHP, Đoàn Việt Nam đã thông tin đến Ban Thư ký ASEAN, ACB và Cuộc họp việc Việt Nam đang tích cực xây dựng hồ sơ đề cử đối với 03 AHP tiềm năng là Vườn quốc gia Pù Mát, Vườn quốc gia Xuân Thủy và Khu bảo tồn thiên nhiên- văn hóa Đồng Nai. Đối với Hội nghị AHP8 dự kiến tổ chức tại Việt Nam, Đoàn Việt Nam đã đề nghị Cuộc họp xem xét, mở rộng chủ để của Hội nghị, nhằm nhấn mạnh vai trò của các AHP trong triển khai thực hiện GBF; đồng thời, đề nghị ACB hướng dẫn các AMS trong việc đăng ký các sự kiện bên lề.
Đối với dự thảo Tuyên bố chung ASEAN về đa dạng sinh học (AJS), Đoàn Việt Nam đã đề nghị bổ sung các nội dung ưu tiên đề nghị Quỹ khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBFF) hỗ trợ để thực hiện ABP và NBSAP của quốc gia, phù hợp với các kết luận của COP15. Đối với Sáng kiến Đa dạng sinh học và Khí hậu, Việt Nam đề nghị ACB thúc đẩy quan hệ đối tác và huy động nguồn lực cho các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS), đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm kê các thực tiễn tốt nhất về NBS trong khu vực, đánh giá nhu cầu năng lực áp dụng NBS, các hoạt động xây dựng năng lực để thúc đẩy NBS trong các biện pháp bảo tồn và thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đoàn Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm và sẽ phối hợp với Ban thư ký ASEAN và ACB trong tổ chức triển khai Sự kiện bên lề của ASEAN tại Hội nghị COP16 liên quan đến bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Bên lề Cuộc họp, Đoàn Việt Nam cũng có buổi làm việc với đại diện ACB để thảo luận, làm rõ các yêu cầu của ACB đối với Hội nghị AHP8, thông báo về quy trình xin chủ trương tổ chức Hội nghị, thống nhất cách thực phối hợp triển khai trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị.
Nhìn chung, việc ứng phó với BĐKH và hướng tới phát triển bền vững không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Điều này đòi hỏi sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để tạo ra những thay đổi thực sự bền vững trong tương lai.
Cuộc họp Nhóm công tác ASEAN về Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và Cuộc họp Ủy ban Chương trình Vườn di sản ASEAN là các cuộc họp quan trọng, thường niên để thực hiện Kế hoạch hành động về BTTN&ĐDSH của ASEAN và Chương trình Vườn di sản ASEAN. Cuộc họp với mục đích thông qua nhiều tài liệu, hoạt động nhằm triển khai các mục tiêu của ASEAN về BTTN&ĐDSH; thực hiện cam kết của các quốc gia ASEAN trong hợp tác về môi trường nói chung và tại các cuộc họp cấp cao (AMME, Summit) có liên quan trong khuôn khổ hợp tác về Môi trường nói riêng.
Bên cạnh đó, Cuộc họp còn là cơ hội để tăng cường mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia ASEAN với nhau và với các đối tác quốc tế đồng thời, tạo điều kiện để tận dụng các nguồn hỗ trợ của khu vực nhằm tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và triển khai một số hoạt động về BTTN&ĐDSH theo chương trình của khu vực./.
NBCA