Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo- nguồn: https://www.yenbai.gov.vn/
Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo – Mù Cang Chải nằm trên địa bàn các xã Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình, cách thị trấn Mù Cang Chải về phía Nam khoảng 10km. Khu bảo tồn là một vòng cung được tạo thành bởi một hệ thống núi cao từ 1.700 – 2.500m, bao quanh xã Chế Tạo và vùng đầu nguồn của sông Nậm Chải, đây là khu vực rừng phòng hộ lưu vực hệ thống sông Đà. Hệ thống khe, suối của Mù Cang Chải phân bố khá dày đặc mang lại cho khu bảo tồn thiên nhiên khí hậu mát mẻ, trong lành. Mặc dù nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới gió mùa, nhưng do địa hình chi phối nên khu vực Chế Tạo có chế độ khí hậu á nhiệt đới rõ rệt đã ảnh hưởng mạnh đến hoàn lưu khí quyển, tạo nên sự khác biệt lớn trong phân hóa khí hậu khu vực: khu vực này thường xuất hiện nhiều giông tố, mưa đá, mây mù và sương muối. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phân bố, cũng như tình hình sinh trưởng, phát triển của động, thực vật nơi đây. Tính theo đai độ cao thì các rừng này có thể chia thành ba kiểu khác nhau: Rừng núi thấp, rừng núi cao và rừng lùn núi cao. Trong đó:
Rừng núi thấp độ cao từ 700 – 1800m, có diện tích 210ha rừng nguyên sinh. Kiểu rừng này có tán thay đổi liên tục và đạt tới độ cao 20 – 30m. Thành phần chủ yếu là các cây dẻ, mộc lan, côm. Tầng vượt tán lên tới 40 – 50m với các loài cây lá rộng thuộc họ dẻ, long não và cây lá kim, pơ mu. Tầng dưới 20m là các cá thể non, cùng với các loài cây ưa bóng ôn đới. Các loài phụ sinh phổ biến là dương xỉ, cây họ ráy và phong lan.
Hymenocallis littoralis (Jacq.) Salisb. – Tác giả Phạm Hà Thanh Tùng
Rừng núi cao kéo dài từ độ cao 1.600m – 2.300m. Loại rừng này hầu như chưa bị tác động và chịu ảnh hưởng của khí hậu á nhiệt đới. Cấu trúc của chúng tương tự cấu trúc của tầng tán thấp và chúng chưa vượt tán. Tầng tán có độ cao từ 15 – 25m thành phần các loài cây tương tự các vùng núi thấp gồm các loài trong họ dẻ, long não, mộc lan. Nhưng các quần hợp trên núi cao còn xuất hiện một số cây lá kim mà rừng núi thấp không có.
Rừng lùn núi cao chiếm 4% toàn bộ diện tích thảm rừng và 2% diện tích khu bảo tồn, tuy nhiên thảm thực vật này chỉ phát triển trên độ cao 2.300m. Nơi đây có khí hậu khá khắc nghiệt mang tính đặc thù, do đó sự đa dạng loài và cấu trúc rừng không phức tạp. Rừng chỉ có 2 tầng, tầng thấp (5-10 m), tầng mặt dày gồm các bụi trúc lùn, rêu, dương xỉ. Một số loài thực vật biểu sinh được tìm thấy ở đây như: dương xỉ, địa y.
Nằm trên dải sơn mạch Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, rừng Chế Tạo được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp bậc nhất bởi còn khá nguyên vẹn với nhiều loài cây lá rộng, lá kim và thảm thực vật phong phú cùng 788 loài thực vật bậc cao, động vật phong phú và tính đặc hữu cao, đặc biệt với loài vượn đen tuyền, niệc cổ hung, gà lôi tía, voọc xám… Đặc biệt trên phần đỉnh núi phía đông có một thung lũng rộng gần 1km2, rất bằng phẳng kiểu rừng hỗn giao lá rộng, lá kim á nhiệt đới với một số loài cây ưu thế như: thiết sam, bông sứ, re hương, sồi lào có đường kính 2 – 3m.
Khu bảo tồn có tính đa dạng cao về thực vật, qua kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật Quốc tế (FFI) đã thống kê được 788 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 480 chi, 147 họ và 5 ngành, trong đó có 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào sách Đỏ Việt Nam và thế giới. Trong đó có 2 loài thuộc cấp nguy cấp, 4 loài thuộc cấp bị đe dọa nguy cấp, 7 loài thuộc cấp hiếm, có 190 loài cho gỗ thuộc 54 họ, chủ yếu là nhóm gỗ hồng sắc và tạp mộc.
Cũng tại đây đã điều tra phát hiện có 267 loài cây làm thuốc theo kinh nghiệm của y học cổ truyền dân tộc, những cây thuốc này có thể sử dụng vào các bài thuốc, toa thuốc đông y để chữa trị nhiều chứng bệnh đau xương khớp, bệnh đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh gan, thận, cảm sốt và bệnh ngoài da… Vào mùa hoa, rừng được bao phủ bởi hoa đỗ quyên và lan nở đẹp mê hồn, ngắm nhìn cả ngày không biết chán. Động vật trong khu bảo tồn rất phong phú và cho thấy tính đặc hữu cao, trong đó đặc biệt có loài vượn đen tuyền.
Các đợt khảo sát đã thống kê được 241 loài, 74 họ, 24 bộ động vật xương sống, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể, đặc biệt có 42 loài động vật quí hiếm trong sách Đỏ Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu. Chú ý hơn là loài vượn đen tuyền hiện tại ở Việt Nam chỉ còn khoảng 120 cá thể, thì ở rừng Chế Tạo có 100 cá thể; chim có tới 127 loài như: gà lôi, gõ kiến, cú mèo, đại bàng, riêng khướu có đến 41 loài như: khướu vằn, khướu đầu hung, khướu đuôi cụt, khướu lùn đuôi đỏ…
Quanh những dãy rừng nguyên sinh là nơi quần cư của đa phần đồng bào dân tộc Mông chiếm 90% dân số, chia làm bốn nhóm: Mông Đơ (Mông Trắng); Mông Đu (Mông Đen); Mông Lình (Mông Hoa); Mông Si (Mông Đỏ) với một nền văn hóa dân gian phong phú, đặc sắc phản ánh nhận thức về cuộc sống thực tại gắn với thiên nhiên và nét văn hoá đặc trưng trong các làn điệu dân ca như: tiếng hát tình yêu, cưới xin, ru con, đặc biệt dân ca Mông thông qua tiếng sáo Mông đã làm xao xuyến lòng bao du khách. Sau hành trình khám phá rừng nguyên sinh, du khách về với bản làng người Mông ăn mèn mén, cơm xôi, cơm lam chấm với măng ớt và rau rừng, uống bát rượu ngô ấm áp tình người vùng cao thì thật tuyệt vời.
Đến với khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo – Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của văn hoá, sự ấm áp của tình người. Đường đến rừng Chế Tạo tuy xa và khó đi nhưng lại rất thú vị. Quang cảnh thay đổi liên tục trên đường từ những thửa ruộng bậc thang đẹp tới những thác nước tung bọt trắng xoá và tiếng róc rách của dòng suối, tiếng gió thổi của rừng cây tạo nên bản nhạc không lời lúc du dương, tình tứ lúc hùng tráng đại ngàn. Với những tiềm năng du lịch tự nhiên, đa dạng, phong phú, Khu bảo tồn loài sinh cảnh Chế Tạo – Mù Cang Chải sẽ tạo nên một không gian du lịch sinh thái văn hóa rộng lớn ở phía Tây tỉnh Yên Bái.
Nguồn: Cục BTTN & ĐDSH