Áp dụng công nghệ tái thả chim Hồng Hoàng về với tự nhiên

Việt Nam được Tổ chức bảo tồn chim thế giới (Birdlife) công nhận là một trong năm vùng chim đặc hữu và là một trong 25 quốc gia có hệ chim hoang dã phong phú nhất trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, buôn bán trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, đe dọa đến nhiều loài chim hoang dã và chim di cư. Trong đó, vấn đề buôn bán trái phép chim Hồng Hoàng đã trở thành mối lo ngại lớn đối với công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Nạn buôn bán trái phép gia tăng

Chim Hồng Hoàng tên khoa học là Buceros bicornis, sinh sống ở các khu rừng của Ấn Độ, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc, thuộc nhóm Ib – các loài động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Tại Việt Nam, nhiều vùng vẫn còn chim hồng hoàng tự nhiên, nhưng nạn buôn bán trái phép khiến loài này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

(Chim Hồng Hoàng tại khu tái thả)

Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội, tình hình buôn bán chim Hồng Hoàng ngày càng gia tăng. Trên thị trường, những con chim Hồng Hoàng quý giá được rao bán với giá lên tới 30 triệu đồng mỗi con, một con số không hề nhỏ so với thu nhập trung bình của người dân.

Nạn săn bắt và buôn bán trái phép không chỉ gây tổn hại cho bản thân các loài chim mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ hệ sinh thái. Sự suy giảm số lượng chim có thể dẫn đến sự mất cân bằng trong chuỗi thức ăn, ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và sự sinh trưởng của các loài động vật khác.

Áp dụng công nghệ trong công tác tái thả chim Hồng Hoàng về tự nhiên

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cơ quan có trách nhiệm đã tích cực tuyên truyền, đấu tranh với các hành vi săn bắt, buôn bán trái phép với loài chim Hồng Hoàng này. Trong đó, Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội, thời gian vừa qua đã và đang cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn 15 chim Hồng Hoàng trưởng thành, góp phần tích cực vào hạn chế việc săn bắt, buôn bán, giết thịt động vật hoang dã trái phép và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Trong lĩnh vực chăm sóc và tái thả động vật, năm ngoái, trung tâm đã thử nghiệm thiết bị giám sát sử dụng năng lượng mặt trời để theo dõi chim Hồng Hoàng sau khi được thả về tự nhiên.

( Công tác tái thả chim Hồng Hoàng về tự nhiên)

Theo Chuyên gia Harold Browning– Trung tâm cứu hộ Động vật hoang dã (ĐVHD) cho biết: “Việc áp dụng những thiết bị này hoàn toàn có khả năng giúp chúng tôi giám sát kết quả cứu hộ, theo dõi thời gian sống sót và di chuyển của chim Hồng Hoàng. Việc áp dụng công nghệ là rất cần thiết, vì nếu không chúng tôi không thể vào rừng tìm kiếm và theo dõi từng cá thể.”

“Bên cạnh đó, thông qua các thiết bị định vị, chúng tôi có thể hiểu hơn về hành vi động vật cũng mang lại cho chúng tôi nhiều thông tin hữu ích. Ngoài ra, khoa học về hành vi động vật cũng cung cấp cho chúng tôi nhiều ý tưởng. Ví dụ, khi thiết kế chuồng trại, chúng tôi luôn quan sát hành vi tự nhiên của loài đó để biết chúng cần gì, cần độ cao, độ rộng ra sao, rồi mới tìm cách đáp ứng trong điều kiện cho phép. Những điều nhỏ nhặt như vậy, nhưng cần sự nghiên cứu liên tục để tìm ra giải pháp tối ưu cho các loài động vật hoang dã được cứu hộ hiện nay”, ông Harold Browning chia sẻ thêm.

Việc áp dụng công nghệ để bảo vệ động vật hoang dã chung và chim Hồng Hoàng nói riêng đang trở nên ngày càng cần thiết. Không chỉ gia tăng hiệu quả quản lý các cá thể tái thả về tự nhiên mà còn giúp cho các cơ quan chức năng cũng như các chuyên gia theo dõi hành vi và số lượng động vật hoang dã trong tự nhiên để phát hiện các mối đe dọa kịp thời.

(Chim Hồng Hoàng tại Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội)

Để bảo vệ hiệu quả các loài chim hoang dã, cùng sự vào cuộc quyết liệt, nghiêm khắc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nhận thức: khi đặt một món ăn chế biến từ chim, hoặc mua chim hoang dã được rao bán trên mạng, ở chợ là đang góp phần tận diệt chim hoang dã.

Thông qua sự chung tay của cộng đồng xã hội và những nỗ lực của các cơ quan chức năng, công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư trước những mối đe dọa của nạn săn bắt và buôn bán trái phép ở các địa phương sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn trong thời gian tới./.

NBCA