Báo cáo chi tiết về kết quả Cuộc họp lần thứ 5 Các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (MOP5)

Địa điểm: MOP 5 được tổ chức tại trung tâm Hội nghị thành phố Nagoya, Nhật Bản. – Thời gian: trong các ngày 11-15/10/2010. – Thành phần tham dự: + Tham dự cuộc họp có khoảng 1.600 đại biểu của các nước thành viên và các chính phủ khác, các cơ quan liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức khoa học và công nghiệp.

 

+ Đoàn công tác của Việt Nam gồm có:
·        Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Trưởng phòng, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn.

·        Bà Lê Việt Nga, Trưởng phòng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Thành viên;
·        Ông Vũ Văn Hải, Kiểm tra viên chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Thành viên;
·        Ông Trần Tuấn Quỳnh, Chuyên viên,Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thành viên.– Các hoạt động chính của Đoàn Việt Nam:Đoàn Việt Nam đã tham gia tích cực để đóng góp ý kiến trong tiếng nói của khu vực Châu Á- Thái Bình dương và nêu các nhu cầu cụ thể về xây dựng năng lực, các hành động ưu tiên cần thực hiện để tăng cường hiệu quả triển khai Nghị định thư ở khu vực này.Bên lề cuộc họp, Đoàn Việt Nam cũng đã xúc tiến trao đổi kinh nghiệm với các nước về quản lý an toàn sinh học; làm việc với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Quỹ Môi trường Toàn cầu về các dự án trong giai đoạn GEF 5 và đạt được sự ủng hộ cao của các bên, đặc biệt là các dự án: 1/ Tăng cường năng lực đánh giá, quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen; 2/ Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; 3/ Xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và lồng ghép nội dung đa dạng sinh học trong các ngành.

Tại cuộc họp, Đoàn Việt Nam cũng đã có ý kiến về tầm quan trọng của việc xây dựng năng lực thực hiện Nghị định thư; Đóng góp cụ thể cho việc hoàn thiện Kế hoạch chiến lược của Nghị định thư cũng như nhấn mạnh về những hoạt động triển khai thực hiện Nghị định thư ở Việt Nam trong thời gian qua.

 

2. Chương trình của  MOP5

Chương trình MOP5  tập trung đàm phán các vấn đề chính: Nghĩa vụ pháp lý và Bồi thường; Ủy ban tuân thủ; Cơ chế trao đổi thông tin về an toàn sinh học; Xây dựng năng lực; Mạng lưới chuyên gia về an toàn sinh học; các kinh nghiệm liên quan đến yêu cầu tài liệu kèm theo trong việc xử lý, đóng gói, vận chuyển và nhận dạng sinh vật biến đổi gen (HTPI); Tiêu chuẩn HTTI; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia trong vận chuyển quá cảnh LMO; Giám sát và báo cáo; Đánh giá và Rà soát; Kế hoạch chiến lược và chương trình làm việc nhiều năm của Nghị định thư; Hợp tác với các tổ chức , Công ước và Sáng kiến khác; Đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro; Nhận thức và sự tham gia của công chúng; Cơ chế tài chính và nguồn lực.

3. Các kết quả chính của MOP5

Tại cuộc họp, các bên tham gia Nghị định thư đã thảo luận và thông qua 01 Nghị định thư bổ sung và các quyết định khác, cụ thể như sau:

3.1 Nghị định thư bổ sung về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường

COP/MOP5 quyết định thông qua Nghị định thư bổ sung về Nghĩa vụ pháp lý và bồi thường. Có thể nói đây là một bước ngoặt từ khi Nghị định thư Cartagena có hiệu lực. Cuộc họp kêu gọi các bên xem xét và ký nghị định thư bổ sung vào ngày 07 tháng 03 năm 2011 hoặc trong thời gian sớm nhất ngay sau đó và phê chuẩn Nghị định thư bổ sung càng sớm càng tốt.

Với sự ra đời của Nghị định thư bổ sung này, các nước thành viên có thể xem xét đưa vào hành lang pháp lý của mình các quy định về bảo đảm tài chính cho việc xử lý các rủi ro do sinh vật biến đổi gen có nguồn gốc vận chuyển xuyên biên giới gây ra.

Nghị định thư bổ sung được kì vọng sẽ thúc đẩy hiệu quả của các giải pháp bảo vệ môi trường cũng như thực thi Nghị định thư An toàn sinh học.  Nghị định thư bổ sung sẽ củng cố mục đích của Nghị định thư Cartagena là vận chuyển, buôn bán và sử dụng an toàn các LMO có khả năng tác động bất lợi đến đa dạng sinh học bằng các giải pháp bồi thường và ngăn chặn các tác động đó đối với môi trường. Tuy nhiên, hiệu quả của Nghị định thư bổ sung còn phụ thuộc vào khả năng đánh giá của mỗi quốc gia về ảnh hưởng của LMO dựa trên những hướng dẫn hành chính cụ thể và vào chất lượng cũng như hiệu quả của các biện pháp ứng phó.  Phương pháp hành chính của Nghị định thư bổ sung cũng đặt trách nhiệm cung cấp bằng chứng lên phía nguyên đơn, có nghĩa rằng một quốc gia có càng nhiều hiểu biết và nguồn lực thì càng có khả năng tự bảo vệ. Vì vậy, các quốc gia đang phát triển sẽ phải rất nỗ lực để có thể hiện thực hóa hiệu lực tối đa của Nghị định thư bổ sung này.

Liên quan đến các biện pháp xây dựng năng lực bổ sung, cuộc họp kêu gọi các bên tham gia hợp tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực và năng lực tổ chức để thực hiện Nghị định thư bổ sung.

 3.2 Các quyết định khác

             (1) Vấn đề tuân thủ

Cuộc họp thông qua báo cáo của Uỷ ban Tuân thủ của Nghị định thư, trong đó quyết định trường hợp quốc gia có những ý kiến về việc tuân thủ Nghị định thư, Uỷ ban tuân thủ sẽ có các phản hồi và khuyến nghị các quốc gia thông báo cho Uỷ ban những khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ của bên tham gia.

             (2) Cơ chế trao đổi thông tin (BCH)

Cuộc họp thông qua quyết định về vận hành và hoạt động của Cơ chế trao đổi thông tin về an toàn sinh học, yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ các nghĩa vụ cung cấp thông tin lên BCH theo quy định, thông báo các vấn đề khó khăn trong quá trình sử dụng BCH.

Ngoài ra, cuộc họp khuyến nghị các nước thành viên, các chính phủ khác tiếp tục bổ sung các thông tin liên quan về an toàn sinh học lên Trung tâm Tài nguyên Thông tin An toàn sinh học (BRIC). Thông qua BCH tổ chức các diễn đàn điện tử để các bên tham gia và trao đổi thông tin liên quan, khuyến khích các bên tham gia diễn đàn này.

Quyết định cũng yêu cầu các bên tham gia rà soát xem xét các thay đổi của BCH giữa hai phiên họp MOP4 và MOP5 về thể thức, quy trình đăng nhập, các công cụ tìm kiếm, phân tích, tính đại diện theo vùng của dữ liệu. Đồng thời yêu cầu Ban thư ký cân nhắc các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện BCH; Yêu cầu các bên tham gia và khuyến nghị các Chính phủ khác xác định các nhu cầu quốc gia liên quan đến cổng thông tin BCH của quốc gia; Đề nghị UNEP thông qua dự án “Tiếp tục cải thiện năng lực và sự tham gia hiệu quả BCH II” hỗ trợ các nước giải quyết các nhu cầu được xác định.

Ngoài ra, các yêu cầu, khuyến nghị khác được thông qua nhằm tạo môi trường thuận lợi cho vận hành BCH, sự tham gia của các bên vào BCH nhằm trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin.

             (3) Xây dựng năng lực

Xây dựng năng lực được coi là một nội dung quan trọng trong khuôn khổ Nghị định thư. Về vấn đề này, cuộc họp đã quyết định như sau:

Về hiện trạng thực hiện Kế hoạch hành động và các nhu cầu năng lực của quốc gia

–          Nhắc lại tại Quyết định BS-III/3 đã thông qua Kế hoạch hành động về xây dựng năng lực thực hiện Nghị định thư và đánh giá định kỳ 5 năm một lần việc thực hiện Kế hoạch hành động này.

–          Yêu cầu các bên tham gia chưa trình báo cáo về các hoạt động xây dựng năng lực đã thực hiện phù hợp với Kế hoạch hành động, trong vòng sáu tháng phải cung cấp trên BCH báo cáo này.

Về đào tạo và tập huấn an toàn sinh học, khuyến nghị các bên:

–          Hỗ trợ các sáng kiến về đào tạo và tập huấn về an toàn sinh học, kể cả việc huy động hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các sáng kiến.

–          Thiết lập cơ chế điều phối về đào tạo và tập huấn về an toàn sinh học ở cấp quốc gia, tiều vùng và cấp vùng.

–          Cung cấp các thông tin về hiện trạng nền về giái dục đào tạo an toàn sinh học lên BCH.

Về rà soát tổng thể Kế hoạch hành động và các phương pháp tiếp cận đối với xây dựng năng lực

Ban thư ký sẽ tổ chức rà soát và đánh giá độc lập việc thực hiện Kế hoạch hành động. Các quốc gia được yêu cầu cung cấp các thông tin cần thiết, bao gồm cả những thành tựu đạt được, khó khăn , khuyến nghị và kinh nghiệm để tạo điều kiên thuận lợi cho quá trình đánh giá này.

Hợp tác về xác định nhu cầu xây dựng năng lực nghiên cứu và trao đổi thông tin về các cân nhắc kinh tế- xã hội

–          Yêu cầu Ban thư ký thiết lập diễn đàn điện tử bằng tiếng Anh, để tạo thuận lợi cho việc trao đổi quan điểm, thông tin, kinh nghiệm về các cân nhắc kinh tế – xã hội.

–          Đề nghị các bên tham gia, các chính phủ các cung cấp các thông tin về cân nhắc kinh tế- xã hội, bao gồm cả các tài liệu hướng dẫn, các trường hợp điển hình và kinh nghiệm liên quan tới cân nhắc kinh tế- xã hội.

             (4) Mạng lưới chuyên gia

Quyết định của các bên tham gia đề nghị các Chính phủ đề cử chuyên gia vào Danh sách mạng lưới chuyên gia, có lưu ý vấn đề cân bằng giới, tính đại diện cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau trong Mạng lưới; ưu tiên, tạo thuận lợi bố trí chuyên gia vào Mạng lưới chuyên gia đúng lúc, linh hoạt khi họ được giao đảm trách công việc của Nghị định thư.

Quyết định đề nghị các Chính phủ gửi Ban thư ký các thông tin về kinh nghiệm và những khó khăn thách thức khi đề cử và sử dụng chuyên gia từ danh sách mạng lưới chuyên gia an toàn sinh học; nâng cao nhận thức về nghĩa vụ như trong tài liệu hướng dẫn trong Điều khoản tham chiếu đối với các chuyên gia trong mạng lưới; yêu cầu Ban thư ký, khi chuẩn bị đánh giá thực hiện Điều khoản tham chiếu tại phiên họp lần thứ 6 của các bên tham gia sẽ xem xét lại kinh nghiệm và việc sử dụng mạng lưới chuyên gia, xác định các thách thức trực diện và đánh giá nhu cầu sắp tới của các Bên tham gia trên cơ sở thông tin do các Chính phủ khác cung cấp; Đề xuất sửa đổi điều khoản làm việc của các chuyên gia được đề cử trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động thực tiễn để các Bên xem xét trong phiên họp lần thứ 6.

Cuộc họp đề nghị Ban thư ký khuyến nghị Chính phủ Tây-Ban-Nha và Cộng đồng châu Âu đóng góp vào Quỹ uỷ thác tự nguyện cho hoạt động của mạng lưới chuyên gia; kêu gọi các nước phát triển và các nhà tài trợ đóng góp tài chính cho thực hiện Kế hoạch Chiến lược của Nghị định thư (giai đoạn 2011-2020); yêu cầu Ban thư ký đề xuất, sửa đổi tài liệu Hướng dẫn tạm thời đối với giai đoạn thí điểm Quỹ uỷ thác tự nguyện cho hoạt động của mạng lưới chuyên gia, nhằm xem xét trong Phiên họp lần thứ 6.

             (5) Xử lý, vận chuyển, đóng gói và xác định LMO

Quyết định đề nghị các Bên tham gia và các Chính phủ khẩn trương tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm rằng thông tin được yêu cầu theo khoản 2(a) của Điều 18 và khoản 4 của Quyết định BS-III/10 nhằm xác định sinh vật biến đổi gen sử dụng trực tiếp làm lương thực hay thức ăn chăn nuôi, hoặc để chế biến, đi kèm theo tài liệu cung cấp thông tin về sinh vật biến đổi gen, như được qui định tại khoản 1, Quyết định BS-III/10.

Đề nghị các Bên tham gia tiến hành thực hiện các khung pháp lý về an toàn sinh học cho Trung tâm trao đổi thông tin an toàn sinh học, qui định và hướng dẫn thực hiện Nghị định thư và mọi thay đổi về qui định pháp luật liên quan đến việc nhận dang và cung cấp tài liệu về sinh vật biến đổi gen được dự định sử dụng trực tiếp làm lương thực hay thức ăn chăn nuôi, hoặc để chế biến;

Yêu cầu các Bên và các Chính phủ tạo thuận lợi hơn nữa việc thực hiện Quyết định BS-III/10, cụ thể tại khoản 4; đề nghị các Chính phủ, các tổ chức quốc tế tăng cường giúp đỡ hơn nữa các nước đang phát triển xây dựng năng lực xác định nhu cầu theo khoản 2(a) Điều 18 và các quyết định liên quan;

Khuyến khích các Bên tham gia phát triển hệ thống quốc gia hoặc sử dụng hệ thống hiện có nhằm kiểm soát thích đáng nhập khẩu sinh vật biến đổi gen dự định sử dụng trực tiếp như lương thực hay thức ăn chăn nuôi, hoặc để chế biến, sang các mục đích khác như đưa vào môi trường;

Quyết định cân nhắc kỹ kinh nghiệm ít ỏi thu được thực hiện khoản 4 của Quyết định BS-III/10 nhằm hoãn thực hiện quyết định có liên quan tại khoản 7 của Quyết định BS-III/10 cho đến Cuộc họp lần thứ 7, bao gồm xem xét sự cần thiết thiết lập Văn bản riêng, như đã trình bày tại khoản 2 của Quyết định BS-III/10;

Các Bên tham gia, các Chính phủ và các tổ chức quốc tế liên quan nộp cho Ban thư ký, không muộn hơn sáu tháng trước khi bắt đầu Cuộc họp lần thứ 7 của các Bên tham gia Nghị định thư, thông tin thêm về kinh nghiệm thu được khi áp dụng khoản 4 của Quyết định BS-III/10 cũng như quyết định này, bao gồm bất kỳ thông tin nào về các trở ngại găp phải khi thực hiện các quyết định này cũng như nhu cầu xây dựng năng lực riêng biệt để thực hiện các quyết định này và đề nghị Ban thư ký biên soạn thông tin và chuẩn bị báo cáo tổng hợp để các Bên tham gia xem xét tại Cuộc họp lần thứ 7.

Về phần quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen: khoản 3 của Điều 18

Quyết định đề nghị Ban thư ký tiếp tục triển khai các chuẩn mực liên quan đến quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen và báo cáo gửi các Bên tham gia tại phiên họp lần thứ 6 về bất kỳ sự tiến triển nào. Báo cáo phải bao gồm các thông tin về tiến triển của các tiêu chí đã thiết lập về thu thập mẫu và sự nhận ra sinh vật biến đổi gen; thông báo rộng rãi trên Diễn đàn trực tuyến về các tiêu chuẩn đối với vận chuyển bằng tàu biển sinh vật biến đổi gen, bao gồm cả thông tin về những khiếm khuyết tiềm năng về các chuẩn mực quốc tế cho các cơ quan liên quan; tổ chức các hội thảo khu vực dành cho:(a) Lãnh đạo của các cơ quan nghiên cứu thí nghiệm liên quan đến việc phát hiện sinh vật biến đổi gen nhằm trao đổi thông tin và kinh nghiệm khi thực hiện các phương pháp và chuẩn mực có liên quan và (b) cán bộ hải quan muốn có năng lực thu thập mẫu và phát hiện ra sinh vật biến đổi gen,giúp thực hiện khoản 10 của Quyêt định BS-III/10 và khoản 3 của Quyết định BS-IV/9; uỷ nhiệm nghiên cứu để phân tích thông tin về các tiêu chuẩn hiện hành, các phương pháp và taì liệu hướng dẫn liên quan về quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen và thực hiện điều tra nghiên cứu có giá trị để xem xét tại phiên họp lần thứ 6 Hội nghị MOP-COP. Việc điều tra nghiên cứu này phải nêu được (i):các khiếm khuyết có thể chấp nhận được trong các chuẩn mực hiện tại, tài liệu hướng dẫn và các phương pháp,(ii) cách thức tạo thuận lợi hợp tác với các tổ chức liên quan, (iii) tài liệu hướng dẫn áp dụng các chuẩn mực và qui định quốc tế, (iv) sự cần thiết có thể chấp nhận được về soạn thảo kỹ lưỡng các chuẩn mực cho việc quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen;

Quyết định yêu cầu các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn thành lập Nhóm liên lạc điện tử với Ban thư ký của Công ước đa dang sinh học để trao đổi thông tin về các hoạt động liên quan đến việc quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen qua Diễn đàn; Mời Công ước Bảo vệ thực vật quốc tế cùng hợp tác với Ban thư ký của CBD để biên soạn bộ tài liệu giải thích các thuật ngữ của Nghị định thư liên quan đến các cụm từ viết tắt về điều khoản kiểm dịch thực vật đã được Uỷ ban về các biện pháp kiểm dịch thực vật thông qua; yêu cầu các Bên tham gia; Khuyến khích các Chính phủ cùng các tổ chức liên quan chuẩn bị sẵn thông tin của trung tâm trao đổi thông tin an toàn sinh học về (a) Các chuẩn mực liên quan về việc quản lý, vận tải, đóng gói và nhận biết sinh vật biến đổi gen; (b) tài liệu hướng dẫn hiện có về áp dụng các chuẩn mực quốc tế có liên quan và (c): các phương pháp để phát hiện và nhận biết sinh vật biến đổi gen.

             (6) Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia quá cảnh LMO

Quyết định khuyến khích các Bên tham gia tiếp tục quan tâm đến vấn đề đang gây tranh cãi liên quan đến vận tải quá cảnh sinh vật biến đổi gen qua lãnh thổ nước mình khi áp dụng hệ thống pháp luật và hành chính quốc gia; Quyết định sẽ xem xét vấn đề này tại phiên họp lần thứ 8.

             (7) Giám sát và báo cáo

 Hội nghị COP-MOP 5 đã bãi bỏ Quyết định BS-I/9 về việc Yêu cầu các quốc gia thành viên báo cáo chung định kỳ 4 năm một lần kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực và bãi bỏ Quyết định số BS-IV/14; Yêu cầu Ban thư ký soạn thảo mẫu báo cáo dựa trên các kinh nghiệm thu được qua phân tích các báo cáo quốc gia được nộp lần đầu vào năm 2007.

Hội nghị ghi nhận các kiến nghị chính của Uỷ ban về vấn đề tuân thủ sau:

–          Chấp nhận mẫu báo cáo và yêu cầu Ban thư ký ban hành mẫu báo cáo chính thức dạng Microsoft Word thông qua Cổng thông tin về An toàn sinh học (BCH);

–          Yêu cầu các bên tham gia sử dụng mẫu báo cáo bắt buộc này để chuẩn bị cho báo cáo quốc gia lần thứ 2 hoặc là báo cáo lần thứ nhất (nếu chưa nộp) theo Nghị định thư Cartagena;

–          Các báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định thư Cartagena phải được cơ quan đầu mối quốc gia ký xác nhận và được nộp cho Ban thư ký. Báo cáo được trình bày bằng ngôn ngữ quy định của Liên hợp quốc;

–          Khuyến khích các bên tham gia cung cấp đầy đủ thông tin theo các câu hỏi của mẫu báo cáo kể các các câu hỏi nằm ngoài yêu cầu bắt buộc theo Nghị định thư Cartagena nhằm mục đích phục vụ công tác đánh giá và kiểm điểm tính hiệu quả của Nghị định thư cũng như định lượng được các thành tựu của Kế hoạch chiến lược đã được thông qua tại Hội nghị này;

–          Yêu cầu Quỹ môi trường toàn cầu tuỳ theo khả năng cung cấp tài chính cho các bên tham gia chuẩn bị Báo cáo quốc gia lần thứ 2 thực hiện Nghị định thư Cartagena;

–          Khuyến khích các bên tham gia có khó khăn về hoàn thành báo cáo bắt buộc nêu trên tìm sự hỗ trợ từ Ban thư ký và Uỷ ban về tuân thủ để sử dụng các chuyên gia trong nước và các chuyên gia của Nhóm đặc nhiệm về An toàn sinh học.

–          Yêu cầu Ban thư ký xem xét một số vấn đề liên quan đến việc thu nhận báo cáo quốc gia về thực hiện Nghị định thư (soạn thảo các câu hỏi của báo cáo, xác định ngày nhận báo cáo lần 2, việc tổ chức các diễn đàn online khu vực, liên hệ các đầu mối quốc gia,…).

             (8) Đánh giá và kiểm điểm

Cuộc họp đã quyết định:

–          Phạm vi đánh giá lần thứ hai và kiểm điểm tính hiệu lực của Nghị định thư chủ yếu tập trung vào đánh giá thực trạng việc thực thi các phần quan trọng của Nghị định thư;

–          Việc đánh giá phải được dựa trên các thông tin về việc thực thi Nghị định thư thu thập từ các báo cáo quốc gia lần thứ 2, từ BCH và thông tin từ Uỷ ban về Tuân thủ trong mối liên quan với chức năng của uỷ ban này nhằm kiểm điểm các vấn đề tuân thủ, cơ chế liên kết xây dựng năng lực và các quá trình, tổ chức liên quan.

–          Yêu cầu Ban thư ký thu thập và biên dịch tài liệu thông tin về việc thực thi Nghị định thư Cartagena, phân tích thông tin nhằm phục vụ đánh giá và kiểm điểm tính hiệu lực của Nghị định thư.

–          Thành lập các nhóm ad-hoc về chuyên gia kỹ thuật, tuỳ theo khả năng tài chính để nhằm kiểm điểm việc phân tích thông tin; kiến nghị các nội dung phiên họp các bên lần thứ 6; Lần đánh giá và kiểm điểm thứ 3 phải gắn liền với đánh giá giữa kỳ của của việc thực thi Kế hoạch Chiến lược tại phiên họp thứ 8 giữa các bên thông qua các thông tin thu được từ báo cáo lần thứ 3 của các quốc gia.

–          Thúc đẩy các bên tham gia Nghị định thư và mời các Chính phủ khác, các tổ chức quốc tế liên quan tham gia đóng góp các số liệu bằng việc hoàn thiện và nộp báo cáo quốc gia hoặc trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin thực thi Nghị định thư.

             (9) Kế hoạch chiến lược của Nghị định thư

Cuộc họp đã thông qua quyết định về kế hoạch chiến lược của Nghị định thư với các nội dung chính như sau:

–          Đã thông qua Kế hoạch chiến lược của Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học giai đoạn 2011-2020 và chương trình làm việc dài hạn của các bên tham gia Nghị định thư;

–          Yêu cầu các bên tham gia và mời các chính phủ khác, các tổ chức quốc tế liên quan để xem xét và so sánh sự tương thích của Kế hoạch chiến lược này với các Kế hoạch hành động quốc gia, các chương trình liên quan đến việc thực thi Nghị định thư, bao gồm Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học, tập trung vào các vấn đề:

+ Bố trí đủ nguồn nhân lực và tài lực cần thiết để tiến hành thực hiện Kế hoạch chiến lược;

+ Nhắc nhở các bên tham gia nộp báo cáo quốc gia về việc thực thi Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học theo mẫu báo cáo lần thứ hai để phục vụ đánh giá và kiểm điểm tính hiệu lực của Nghị định thư Cartagena, đồng thời thiết lập cơ sở cho đánh giá sự tiến bộ của việc thực thi Nghị định thư Cartagena và Kế hoạch Chiến lược;

–          Quyết định về việc đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch chiến lược sẽ được thực hiện sau 5 năm gắn liền với kỳ đánh giá và kiểm điểm lần 3 tại Phiên họp thứ 8 của các bên tham gia Nghị định thư. Ban thư ký có trách nhiệm soạn thảo các tiêu chí đánh giá tại phiên họp lần thứ 7 của các bên tham gia Nghị định thư.

Kế hoạch chiến lược đã được Hội nghị thông qua với mục đích “Đẩy mạnh hành động và tăng cường năng lực toàn cầu, khu vực và quốc gia nhằm đảm bảo an toàn trong vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các sinh vật biến đổi gen có khả năng gây hại đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, dẫn đến rủi ro cho sức khoẻ con người, tập trung đặc biệt vào vận chuyển xuyên biên giới”.

Bản Kế hoạch này được soạn thảo chi tiết về các mục tiêu, các tác động mong đợi, đối tượng thực hiện, kết quả dự kiến và các tiêu chí đánh giá.

  Năm mục tiêu chính cần đạt của Kế hoạch chiến lược quốc gia chủ yếu như sau:

–          Hỗ trợ thành lập và phát triển các hệ thống bảo đảm an toàn sinh học cho việc thực thi Nghị định thư;

–          Phát triển và tăng cường năng lực của các bên tham gia để thực thi Nghị định thư;

–           Tăng cường sự tuân thủ của các bên tham gia và nâng cao tính hiệu lực của Nghị định thư;

–          Tăng cường chia sẻ thông tin về an toàn sinh học giữa các bên tham gia;

–          Tăng cường liên kết, hợp tác quốc tế để mở rộng việc thực thi Nghị định thư.

             (10) Hợp tác với các tổ chức, công ước và sáng kiến khác

 Cuộc họp nhấn mạnh việc thực thi hiệu quả Nghị định thư bao gồm cả lĩnh vực nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng có thể được đẩy mạnh nhờ việc hợp tác và điều phối giữa các tổ chức, các Công ước và các sáng kiến; Công nhận tầm quan trọng và sự gắn kết giữa các văn kiện trong ngữ cảnh rộng hơn của môi trường quốc tế và trong mối liên quan đến Công ước về đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.

Cuộc họp đã thông qua quyết định về vấn đề này bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

–          Yêu cầu Ban thư ký tăng cường hợp tác với các tổ chức khác, đặc biệt là Tổ chức thương mại thế giới WTO;

–          Yêu cầu Ban thư ký nâng cao vai trò quan sát viên tại Uỷ ban an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và Uỷ ban Rào cản kỹ thuật đối với thương mại của Tổ chức thương mại thế giới;

–          Yêu cầu Ban thư ký tuỳ theo tình hình tài chính để: Tiếp tục triển khai hợp tác theo các biên bản ghi nhớ với Tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn và Hiệp hội các tổ chức kiểm định hạt quốc tế; Tiếp tục khởi xướng hoặc tham gia các cuộc họp liên quan với các tổ chức quốc tế; Hợp tác với các Tổ chức khác, Công ước và Sáng kiến để chia sẻ thông tin, tạo cầu nối liên kết nhằm ngăn chặn việc trùng lặp trong tìm kiếm thông tin, đảm bảo tính chính xác của thông tin; Duy trì hợp tác với các tổ chức liên quan về xây dựng quy tắc và tiêu chuẩn đóng gói và vận chuyển .

             (11) Đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro

–           Quyết định của cuộc họp bao gồm 3 hợp phần hướng dẫn về các nội dung cụ thể trong đánh giá rủi ro, xây dựng năng lực và các LMO có thể hoặc không có khả năng tác động bất lợi tới việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

–          Cuộc họp hoan nghênh “Hướng dẫn về Đánh giá rủi ro của các Sinh vật biến đổi gen” được xây dựng nhằm mục đích hướng dẫn việc thực thi các điều khoản về đánh giá rủi ro (lưu ý rằng bản đầu tiên vẫn cần xem xét về mặt khoa học), nhằm xác định giới hạn của của diễn đàn trực tuyến không giới hạn hiện có và Nhóm chuyên gia kỹ thuật đặc nhiệm (AHTEG) về đánh giá và quản lý rủi ro, nhằm thúc giục các bên tham gia đề xuất chuyên gia cho diễn đàn nói trên, nhằm yêu cầu thư ký điều hành triệu tập nhóm thảo luận bất thường và hội thảo trực tuyến trước COP/MOP 6 trong diễn đàn cũng như tổ chức hai buổi hội thảo AHTEG, và nhằm biên soạn các nhận xét và khuyến nghị từ các thành viên tham gia diễn đàn;

–          Yêu cầu Ban thư ký triệu tập sớm nhất các khóa tập huấn trong khu vực và tiểu khu vực về các kinh nghiệm thực tế trong chuẩn bị và đánh giá các báo các đánh giá rủi ro, việc hoàn thiện các sổ tay hướng dẫn với sự hợp tác của các cơ quan Liên hợp quốc và các chuyên gia khác phù hợp với các yêu cầu của các khóa tập huấn;

–          Về các LMO có khả năng gây ra những tác động bất lợi, COP/MOP thúc giục các bên tham gia và các chính phủ tuân theo các quyết định của BCH và theo các đánh giá rủi ro khi xác định được các tác động bất lợi tiềm năng, theo các thông tin hỗ trợ việc xác định các LMO có khả năng tác động đến bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học có tính đến sức khỏe con người;

–          Đối với các LMO ít có khả năng tác động bất lợi, COP/MOP yêu cầu các bên tham gia, chính phủ và các tổ chức khác tuân theo thông tin của Ban thư ký về đánh giá rủi ro tùy vào từng trường hợp cụ thể về môi trường tiếp nhận LMO mà có thể giúp cho việc đánh giá LMO ít có khả năng tác động bất lợi;

–          Yêu cầu thư ký điều hành tổng hợp thông tin đã nhận và chuẩn bị báo cáo tổng hợp để các bên tham gia xem xét trước khi COP/MOP 6 diễn ra.

             (12) Nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng

Cuộc họp thông qua chương trình làm việc về nhận thức, giáo dục và sự tham gia của cộng đồng và quyết định sẽ đánh giá việc thực hiện chương trình này tại COP/MOP8. Bốn yếu tố cấu thành bao gồm: xây dựng năng lực; giáo dục và nhận thức cộng đồng; tiếp cận thông tin của công chúng; và sự tham gia cuả công chúng.

COP/MOP tiếp tục yêu cầu GEF cân nhắc tiếp tục tài trợ cho chương trình, và khuyến nghị các nước phát triển và các chính phủ, tổ chức khác cung cấp các nguồn hỗ trợ bổ sung; khuyến nghị các nước thành viên thành lập hoặc sử dụng các ủy ban tư vấn hiện có về nhận thức, giáo dục và sự tham gia của công chúng liên quan đến LMO; Yêu cầu Ban thư ký thành lập diễn đàn điện tử và xác phương tiện phù hợp khác.

             (13) Cơ chế tài chính và nguồn lực

Quyết định vể tài chinh và nguồn lực kêu gọi các bên tham gia ưu tiên lĩnh vực an toàn sinh họ khi đệ trình các dự án GEF và khuyến nghị GEF cân nhắc xác định hạn mức của các nước cho an toàn sinh học trog khuôn khổ khung phân bổ tài chính mới của GEF và trong tình huống lần tái thiết thứ của GEF. Bên cạnh đó yêu cầu Ban thư ký tìm kiếm các nguồn tài chính bổ sung khác và báo cáo lại tại phiên họp COP/MOP6.

4.              Những nội dung cần ưu tiên thực hiện để triển khai các quyết định của MOP5 

4.1 Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường cần thực hiện các công việc sau:

(1)    Tăng cường công tác nâng cao nhận thức về an toàn sinh học, đặc biệt thông báo những khuyến nghị, yêu cầu của MOP5 tới các Bộ, ngành có liên quan.

(2)    Nghiên cứu các yêu cầu của các quyết định thông qua tại MOP5 để nội luật hoá phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, đặc biệt trong việc hướng dẫn thực hiện Nghị định số 69/2010/NĐ-TTg về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen; Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao nghiên cứu khả năng phê chuẩn Nghị định thư sung về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường.

(3)    Tăng cường thực hiện Cơ chế trao đổi thông tin về An toàn sinh học (BCH) và cung cấp các thông tin cho Ban thư ký theo yêu cầu;

(4)    Thực hiện xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ 2 đối với Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học

(5)    Thúc đẩy phát triển các dự án hợp tác quốc tế về an toàn sinh học và đa dạng sinh học. Đặc biệt, trong GEF 5 phân bổ tài chính thực hiện 03 dự án đã được GEF và UNEP ủng hộ, bao gồm: 1/ Tăng cường năng lực đánh giá, quản lý rủi ro của sinh vật biến đổi gen; 2/ Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; 3/ Xây dựng Kế hoạch hành động đa dạng sinh học và lồng ghép nội dung đa dạng sinh học trong các ngành.

(6)    Nghiên cứu, đề xuất đưa các nội dung an toàn sinh học vào Kế hoạch hành động đa dạng sinh học trong giai đoạn tiếp theo, phù hợp với bối cảnh đất nước và yêu cầu của Nghị định thư.

4.2   Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài chính/ Tổng cục Hải quan, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các bộ ngành khác cần xem xét, thực hiện:

(1)    Trong phạm vi lĩnh vực quản lý của mình, khẩn trương xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện các nội dung theo quy định tại Nghị định số 69/2010/NĐ-TTg về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen; sản phẩm và mẫu vật di truyền của sinh vật biến đổi gen;

(2)    Tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực quản lý an toàn sinh học trong phạm vi bộ, ngành;
Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác giám sát, kiểm tra và trao đổi thông tin đối với hoạt động quản lý an toàn sinh học.