Bảo tồn đa dạng sinh học biển Việt Nam, đòn bẩy cho phát triển bền vững

Việt Nam được Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đánh giá là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển và là một trong 20 vùng biển có nguồn lợi hải sản phong phú trên thế giới với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.

Việt Nam giàu có về đa dạng sinh học biển

Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ, với chiều dài đường bờ biển 3.260km, có 114 cửa sông, 12 đầm phá, 50 vũng/vịnh, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, nhiều hệ sinh thái, sinh cảnh ven biển và ven bờ quan trong như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các vùng đất ngập nước. Trong tổng loài sinh vật được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó có trên 100 loài cá có thể đánh bắt vì mục đích kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước.

Ngoài ra còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Biển Việt Nam có khoảng 1.122km2 rạn san hô với khoảng 350 loài san hô đá phân bổ rộng khắp từ Bắc vào Nam. Sống gắn bó với các vùng rạn san hô là trên 2.000 loài sinh vật đáy và cá, trong đó có khoảng trên 400 loài cá rạn san hô và nhiều hải đặc sản khác.

Rừng ngập mặn có khoảng 252.500ha, tập trung ở vùng biển đồng bằng sông Cửu Long (191.800ha). Các thảm cỏ biển phân bổ từ Bắc vào Nam và ven các đảo, ở độ sâu từ 0 – 20m, có tổng diện tích trên 5.583ha, tập trung ở ven biển các đảo Phú Quốc, Côn Đảo, quần đảo Trường Sa và một số cửa biển miền Trung. Bước đầu, các nhà khoa học đã phát hiện 125 loài động vật đáy và 158 loài rông biển sống trong và dưới thảm cỏ biển.

Bảo tồn đa dạng sinh học biển hiệu quả

Một trong những biện pháp hiệu quả nhất để bảo vệ đa dạng sinh học ven biển là thông qua việc thiết lập và quản lý một khu vực biển gọi chung là “Khu bảo tồn biển”. Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) định nghĩa khu bảo tồn biển là “Bất kỳ một khu vực nào nằm ở vùng triều hoặc dưới triều cùng với toàn bộ phần mặt nước phía trên cùng các hệ động thực vật và các di sản văn hóa, lịch sử liên đới, được gìn giữ bởi luật pháp và các phương thức hữu hiệu khác nhằm bảo vệ một phần hoặc toàn bộ môi trường liên quan”.

Đến nay, Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động mạng lưới 11 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển và các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Bái Tử Long, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Hiện còn 5 Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam, mục tiêu đến năm 2030 đạt 6% diện tích vùng biển Việt Nam. Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp.

Nhằm tạo hành lang pháp lý bền vững cho lĩnh vực bảo tồn biển, thời gian qua, ngành nông nghiệp đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho việc thành lập các khu bảo tồn biển. Cùng với hoàn thiện cơ sở pháp lý, việc nâng cao nhận thức; công tác nghiên cứu khoa học biển; thực hiện các phương án quản lý,… và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn biển cũng được đẩy mạnh, nhằm phục vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành các quy định và thực hiện cam kết của Liên hợp quốc về “Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững”; “Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030”.

Dự kiến đến năm 2025, 80% số khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa và đến năm 2030, tất cả khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa.

Theo quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Kế hoạch quản lý rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2030 xác định đến năm 2025”, tất cả khu bảo tồn biển xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thu gom, phân loại rác thải nhựa.

Kế hoạch cũng xác định các hệ sinh thái biển, ven biển đóng vai trò quan trọng trong duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, điều hòa thời tiết, khí hậu và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Các hệ sinh thái còn tạo tiềm năng bảo tồn thiên nhiên biển rất lớn và cung cấp dịch vụ quan trọng để phát triển các ngành, nghề kinh tế biển theo hướng bền vững như nghề cá, nuôi trồng hải sản, du lịch biển…

Hệ thống khu bảo tồn biển được thành lập không chỉ góp phần bảo đảm cân bằng sinh thái vùng biển, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo đảm chức năng điều hòa môi trường, cung cấp nguồn giống và nguồn lợi hải sản mà còn có ý nghĩa to lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, quốc gia.

Việc thiết lập, vận hành và quản lý hiệu quả hệ thống các khu bảo tồn biển vừa bảo toàn tính bền vững của các vùng biển, nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế biển xanh dựa vào các nguồn lực tự nhiên; vừa có ý nghĩa pháp lý to lớn, từ đó góp thêm cơ sở và cung cấp các công cụ hành chính và pháp luật trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích của nước ta ở Biển Đông, phù hợp luật pháp quốc tế./.

NBCA