Những năm gần đây, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Qua đó, nâng cao vai trò của cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Sinh – Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt xung quanh vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết tổng quan về Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt?
Ông Nguyễn Văn Sinh:
Khu Bảo tồn nhiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt là một trong 03 vùng lõi của khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An; là một trong những Khu BTTN có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với tổng diện tích quản lý là 85.761,43 ha rừng và đất lâm nghiệp, nằm trên địa bàn hành chính của 9 xã, thuộc khu vực phía Tây và Tây Bắc của huyện Quế Phong, Nghệ An. Diện tích rừng chủ yếu chủ yếu được phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh với 73 km biên giới Việt – Lào, 63 km với ranh giới tỉnh Thanh Hóa. Vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt có 9 xã với tổng số 74 thôn bản (sau khi sáp nhập), trong đó có 4 xã thuộc khu vực biên giới Việt Lào. Đời sống của nhân dân trên địa bàn vùng đệm Khu BTTN Pù Hoạt còn gặp nhiều khó khăn.
Khu BTTN Pù Hoạt là một trong những khu vực ở Việt Nam còn sót lại một diện tích lớn rừng nguyên sinh ít chịu tác động của con người và được xem như là đại diện của kiểu rừng kính thường xanh mưa ẩm nhiệt đới của khu vực Bắc Trường Sơn. Nơi đây được các nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là một trong những khu vực có giá trị dạng sinh học cao của vùng Bắc Trung Bộ cũng như của Việt Nam với thành phần động, thực vật phong phú, đa dạng. Nhiều loài động vật mới được phát hiện trong những năm 90 của thế kỷ XX trong khu vực này như: Mang Pù Hoạt (Muntiacus puhoatensis), Mang lớn trường sơn (Muntiacus truongsonnensis)… Khu BTTN Pù Hoạt được phân bố ở dọc biên giới Việt – Lào trên những sườn núi thấp đến núi cao với đỉnh cao nhất là đỉnh Pù Hoạt 2.457 m. Cánh cung Pù Hoạt được xem như là điểm giao thoa của các luồng thực vật Himalaya – Vân Nam Quý Châu, Ấn Độ – Mianma, Malaysia – Indonesia với Đông Nam Á nên thành phần thực vật phong phú và đa dạng với nhiều loài đặc hữu quý hiếm như: Sa mu dầu, Pơ Mu, Kim Giao….. Vì vậy, đây cũng được xem là một trong những khu vực cần ưu tiên bảo tồn giá trị đa dạng sinh học ở Việt Nam.
PV: Xin ông cho biết những giải pháp để đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học trên địa bàn?
Ông Nguyễn Văn Sinh:
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học gắn với phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo ổn định tình hình Quốc phòng – An ninh trên địa bàn, trong thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Hoạt đã xác định rõ và tập trung thực hiện một số giải pháp mang tính chiến lược quan trọng.
Thứ nhất là tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các Sở ban ngành cấp tỉnh, đặc biệt là Sở NN&PTNT Nghệ An, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An, Huyện ủy và UBND huyện Quế Phong; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị chức năng, cấp uỷ và chính quyền nhân dân các xã trên địa bàn để thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ hai là tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn để triển khai, thực thi đồng bộ, chặt chẽ các quy định của pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Thứ ba là phối hợp chặt chẽ với tổ chức nghiên cứu khoa học, các trường Đại học và các nhà khoa học trong nước và quốc tế để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm trong Khu bảo tồn.
Tiếp theo là xây dựng các mô hình phát triển nghề rừng tạo lập sinh kế bền vững cho người dân và cộng đồng địa phương, đồng thời có sự chia sẽ lợi ích từ rừng cho công đồng dân cư địa phương, nhằm gắn chặt giữa quyền lợi với ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ của công đồng địa phương với rừng.
PV: Vậy, những kết quả đạt được trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Sinh:
Từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp đã nêu trên tại Khu BTTN Pù Hoạt, công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cũng như việc tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như sau:
Đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng, diện tích rừng được giao cho đơn vị quản lý đến nay đã được quản lý, bảo vệ tốt; các hành vi vi phạm về khai thác, vận chuyển, mua, bán, chế biến, cất giấu và sử dụng lâm sản trái phép; nuôi nhốt, mua, bán, săn bắt trái phép các loài động vật hoang dã trên địa bàn đã được kiểm soát chặt chẽ và xử lý kịp thời. Ý thức trách nhiệm của người dân đã từng bước được nâng cao, tạo được động lực trong việc tham gia bảo vệ rừng, không có hiện tượng phá rừng làm nương rẫy, không có hiện tượng cháy rừng xẩy ra. Các cảnh quan, sinh cảnh của hệ sinh thái rừng trong Khu BTTN Pù Hoạt đã được quản lý, bảo vệ tốt, đảm bảo cho quá trình phát triển, diễn thế tự nhiên của rừng.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, hàng năm đơn vị đã phối hợp với các tổ chức nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế như: Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam, Trường đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Vinh, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, Viện Nhiệt đới Việt – Nga, Tổ chức FFI …. để tổ chức nghiên cứu các đề tài nghiên cứu. Đến nay, các cơ sở dữ liệu khoa học của Khu BTTN Pù Hoạt đã cơ bản từng bước được hoàn thiện, các giá trị đa dạng về nguồn gen đã được đánh giá và khẳng định góp phần phục vụ công tác bảo tồn. Ngoài ra, đơn vị đã phối hợp triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để bảo tồn phát triển các loài gen quý hiếm, các loài dược liệu dưới tán rừng ở địa phương như: Cây Quế quỳ, Mu Từn, Ba Kích ….
Đối với xây dựng sinh kế bền vững cho người dân địa phương, bên cạnh công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, BQL Khu BTTN Pù Hoạt luôn quan tâm xây dựng sinh kế bền vững để nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương để giảm áp lực vào rừng. Đơn vị đã triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững một cách đồng bộ trên địa bàn. Đến nay, đơn vị đã tổ chức giao khoán BVR cho 44 công đồng thôn bản với hơn 4.500 hộ gia đình tham gia với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/hộ gia đình/năm. Ngoài ra, đơn vị đã hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng rừng, phát triển Lùng, mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng, mô hình du lịch cộng đồng … góp phần tạo thu nhập và sinh kế bền vững. Đặc biệt, đơn vị đã triển khai phục hồi và phát triển mô hình cây Quế Quỳ trên địa bàn huyện Quế Phong, góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm và phát triển kinh tế bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông !
Nguồn BÁO ĐIỆN TỬ TÀI NGUYÊN & MÔI TRƯỜNG