Việt Nam là nước ở vùng nhiệt đới, có tiềm năng đa dạng sinh học phong phú và đã tham gia Công ước Đa dạng sinh học năm 1993. Nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế, môi trường và đa dạng sinh học. Bảo tồn nguồn gen đã được tiến hành vào đầu năm 90 và đã được khai thác, sử dụng trong các lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, y tế, thủy sản cũng như các lĩnh vực đời sống khác. Nguồn gen là vật liệu cơ bản cho công tác tạo giống năng suất và chất lượng cao, tạo nên sự phát triển cân bằng sinh học và ổn định của vùng sinh thái, khai thác và sử dụng để bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững, phục vụ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, đào tạo và các lĩnh vực văn hoá, du lịch…
Việc đưa quản lý hoạt động ABS vào trong chính sách về đa dạng sinh học quốc gia là một việc làm quan trọng, có ý nghĩa lớn nhằm thu hút sự quan tâm, nguồn lực để nâng cao năng lực để khắc phục sự thiếu sót, hạn chế này, thay đổi cách tiếp cận trong quản lý bảo tồn đa dạng sinh học. Ngày 12 tháng 5 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Việc Nghị định số 59/2017/NĐ-CP được ban hành đánh dấu Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên Nghị định thư Nagoya đầu tiên trong khu vực thiết lập được khung pháp lý tương đối đầy đủ về ABS. Đây là văn bản quan trọng để điều chỉnh các hoạt động thực tiễn về tiếp cận nguồn gen tại Việt Nam trong thời gian tới đây. Nhằm hỗ trợ công tác thẩm định, cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen, ngày 11/9/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 15/2019/TT-BTNMT quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại.
Song song với quá trình xây dựng và ban hành Nghị định số 59/2017/NĐ-CP, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1141/QĐ-TTg ngày 27/6/2016 phê duyệt Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen giai đoạn 2016-2025. Đề án đã xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để tăng cường năng lực cho các cơ quan liên quan, nhằm bảo đảm đến năm 2025, hệ thống tổ chức, các công cụ quản lý và kỹ thuật tiếp cận và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen được hoàn thiện và vận hành hiệu quả.
- Thiết lập các cơ quan có thẩm quyền về ABS
Nghị định số 59/2017/NĐ-CP đã quy định cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen:
– Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya: Bộ Tài nguyên và Môi trường được Chính phủ giao nhiệm vụ này theo quy định tại Điều 5 của Nghị địnhsố 59/2017/NĐ-CP. Cơ quan đầu mối quốc gia có trách nhiệm: Thực hiện thống nhất quản lý hoạt động cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Ban thư ký Công ước ĐDSH thông qua Cổng trao đổi thông tin quốc tế về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích theo quy định của Nghị định thư Nagoya; chủ trì xây dựng Báo cáo quốc gia về việc thực hiện Nghị định thư Nagoya tại Việt Nam; kiến nghị, đề xuất việc thực hiện và tổ chức thực hiện theo phân công của Chính phủ các quyết định của Hội nghị các bên tham gia Nghị định thư Nagoya; điều phối, tổ chức việc thực hiện các nghĩa vụ của quốc gia đối với Nghị định thư Nagoya; Phối hợp với các quốc gia khác trong việc thực hiện các biện pháp tuân thủ Nghị định thư Nagoya áp dụng đối với các nguồn gen của Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
– Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen: Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được Chính phủ giao nhiệm vụ này theo quy định tại Điều 6 của Nghị địnhsố 59/2017/NĐ-CP. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp; Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen đối với các trường hợp còn lại.
- Thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về ABS
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Nghị định thư Nagoya và triển khai Quyết định số 1141/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và các tổ chức trong nước, quốc tế thực hiện các hoạt động tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức về bảo tồn nguồn gen và ABS tại Việt Nam:
– Tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nhằm tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên di truyền.
– Tiến hành các đợt khảo sát, làm việc với các cơ sở bảo tồn (viện nghiên cứu, trường đại học), ban quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên về thực hiện tiếp cận, thu thập nguồn gen tại các cơ sở và hướng dẫn các cơ sở áp dụng các văn bản hiện hành có liên quan trong lĩnh vực quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích.
– Thực hiện việc hướng dẫn các hoạt động tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam: Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia đã tiếp nhận văn bản của các đơn vị, tổ chức trong nước và nước ngoài đề nghị hướng dẫn thực hiện các quy định về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam. Đa số hồ sơ đề nghị hướng dẫn tiếp cận nguồn gen là hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa các trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong nước với các đối tác nước ngoài. Mục đích tiếp cận bao gồm thương mại và phi thương mại với các điều khoản chia sẻ lợi ích rõ ràng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn để các hoạt động tiếp cận nguồn gen của các đơn vị, tổ chức tuân thủ các quy định của Việt Nam về vấn đề này, cũng như phù hợp với các quy định tại Nghị định thư Nagoya.
- Xây dựng năng lực quản lý
– Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý:
Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về quản lý nguồn gen và chia sẻ lợi ích bao gồm những cán bộ tham gia công tác quản lý tại các Bộ, ngành tại trung ương và tại sở, ban, ngành của địa phương trong đó có các vườn quốc gia, khu bảo tồn…
Các cán bộ quản lý nhà nước cần được tăng cường năng lực, cụ thể là: nâng cao nhận thức về ABS, hiểu rõ và nắm được đầy đủ thông tin về văn bản pháp luật; nâng cao kỹ năng xử lý các vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước về ABS theo quy định của pháp luật.
Đội ngũ cán bộ quản lý cần được cung cấp thông tin đầy đủ; tham gia các lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực quản lý về ABS đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý tại địa phương nơi trực tiếp cung cấp nguồn gen cho người sử dụng.
– Xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu:
Nâng cao hiểu biết, trình độ của cán bộ nghiên cứu về ABS thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn (tổ chức trong nước hoặc ra nước ngoài, những nước phát triển về nguồn gen và ABS), thông qua hội thảo, chương trình tập huấn chuyên đề về ABS cho những cán bộ nghiên cứu tại các viện, trường, cơ sở nghiên cứu có liên quan. Về lâu dài, thu hút lực lượng cán bộ trẻ, sinh viên trẻ đi theo hướng chuyên sâu về nghiên cứu nguồn gen và hiểu biết về ABS.
- Xây dựng cơ cở dữ liệu và chia sẻ thông tin về nguồn gen và ABS
Để quản lý được cơ chế ABS đối với tài nguyên di truyền của Việt Nam có hiệu quả, các vườn quốc gia, các khu bảo tồn, các cộng đồng địa phương giàu tài nguyên cây trồng cần được điều tra kiểm kê tổng thể về các nguồn gen của loài, giống thực vật, động vật nhằm xác lập chính xác danh sách các và hiện trạng quần thể của chúng tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch quản lý và theo dõi định kỳ loài/ giống, định vị được các nơi phân bố/ trồng trọt của chúng.
Cơ sở dữ liệu về nguồn gen và ABS phải được xem là một hợp phần của Cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng. Hơn nữa cần phải có sự liên kết và thống nhất giữa cơ sở dữ liệu này với cổng thông tin điện tử (CHM) về đa dạng sinh học của quốc gia cũng như CHM của CBD về ABS trong tương lai./.
NBCA