Trong những thập niên cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, bối cảnh thế giới đã có những biến đổi to lớn và sâu sắc, ảnh hưởng toàn diện và mạnh mẽ đến mọi mặt đời sống xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam, nổi bật là vấn đề về biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.
Hai dấu mốc đã mở ra một kỷ nguyên phát triển mới trên toàn cầu – kỷ nguyên phát triển phát thải cacbon thấp với các mô hình sản xuất, tiêu dùng thân thiện với môi trường; bảo tồn tài nguyên, hạn chế, tiến tới xóa bỏ sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo,…Quá trình này có sự tham gia tích cực của tất cả các thành phần trong xã hội, từ các nhà hoạch định chính sách, đến các nhà khoa học, công nghệ, giáo dục, hoạt động văn hoá, doanh nghiệp, cả xã hội và cộng đồng đó là: (i) Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc trong 15 năm tới” (2016 – 2030) được Khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 (ngày 25-9-2015) thông qua, gồm 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể. Chương trình nghị sự sau 2015 cung cấp một khuôn khổ toàn cầu mới để tất cả các quốc gia tập trung, điều phối và hợp nhất tốt hơn các nỗ lực của mình với các hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo ở mọi hình thức và xây dựng các kế hoạch và chính sách phát triển quốc gia trong vòng 15 năm tới; và (ii) Thỏa thuận Paris về BĐKH: Sau 20 cuộc họp của các Bên nước tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (COP), mãi tới cuộc họp lần thứ 21 (COP 21) vào thansg12/2015 tại Paris (Pháp), cộng đồng quốc tế mới đi tới nhất trí và thông qua được “Thỏa thuận về khí hậu” với mục tiêu đầy tham vọng nhằm giới hạn nhiệt độ Trái đất đến cuối thế kỷ chỉ tăng thêm ở mức dưới 2 độ C, và cố gắng dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là Thỏa thuận đánh dấu bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hiệp quốc sau hơn hai thập kỷ, nhằm thuyết phục Chính phủ các nước hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế gia tăng nhiệt độ của Trái đất.
Trong bối cảnh mới toàn cầu nói trên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chiến lược và kế hoạch thực hiện trong đó có những văn bản quan trọng liên quan trực tiếp tới công tác quản lý, bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước trong bối cảnh BĐKH hiện nay: Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH của Việt Nam (theo Quyết định số 2053/QĐ- TTg, ngày 28 tháng 10 năm 2016). Theo đó, Thủ tướng vừa ban hành Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh BĐKH; Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2020 (theo Quyết định số 1670/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Kế hoạch Hành động quốc gia Thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (theo Quyết định số 622/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 5 năm 2017) với 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với 17 mục tiêu chung và 169 mục tiêu cụ thể về phát triển bền vững toàn cầu; Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 (theo Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 22/7/2016) có lồng ghép các yếu tố BĐKH và phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhiều văn bản quy định pháp luật được sửa đổi rất quan trọng khác, bao gồm: Báo cáo cập nhật hai năm một lần, lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hiệp quốc về BĐKH (2014); Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (2015); Điều chỉnh Quy hoạch Sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2016); Quy hoạch tổng thể Bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (2014); Luật Quy hoạch (2017); Luật Lâm nghiệp (2017),…
Các giải pháp quản lý đất ngập nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu
Có thể nói, đất ngập nước là bộ phận quan trọng của cơ sở hạ tầng tự nhiên mà chúng ta cần để giải quyết vấn đề BĐKH. Nước vàcác vùng đất ngập nước thực hiện tốt chức năng của nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong ứng phó với BĐKH và trong việc điều chỉnh các quá trình khí hậu tự nhiên (thông qua các chu trình nước, duy trì đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính,…). Do đó, bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước giúp làm giảm bớt tác động tiêu cực về kinh tế, xã hội và sinh thái có thể xảy ra do tác động của BĐKH. Bên cạnh đó, sử dụng khôn khéo, quản lý bền vững và phục hồi đất ngập nước cũng giúp xây dựng các cơ hội cải thiện sinh kế, và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Một là, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về đa dạng sinh học nói chung, đất ngập nước nói riêng trong bối cảnh BĐKH (thống nhất quản lý nhà nước và thúc đẩy phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan khác nhau tham gia vào các hoạt động bảo tồn; nâng cao hiệu quả thực thi hệ thống chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học);
Hai là, quy hoạch và triển khai các hoạt động bảo vệ các vùng đất ngập nước quan trọng, mà các hệ sinh thái đất ngập nước là điểm nóng cần được bảo tồn, cần đặc biệt chú ý tới chức năng điều tiết nguồn nước. Trong bối cảnh BĐKH và suy thoái tài nguyên nước hiện nay, cần nghĩ tới quy hoạch lâu dài các khu vực thấp, đầm lầy để thoát nước mùa mưa và cung cấp nước mùa khô phù hợp với các chức năng của vùng đất ngập nước. Theo đó, cần có sự bảo vệ đặc biệt cho các vùng đất ngập nước với vai trò thiết yếu trong quản lý khí hậu (ví dụ, có mức độ cô lập cacbon cao) hoặc nơi cần sự bảo vệ vì các lý do khác (ví dụ: vùng đất ngập nước mới được thiết lập để cho phép di cư khi mực nước biển dâng).
Ba là, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng đất ngập nước được Nhà nước khoanh vùng cho mục đích bảo tồn. Kết hợp sử dụng, khai thác với bảo tồn, ưu tiên bảo tồn đối với các vùng đất ngập nước có hệ sinh thái đặc thù, đa dạng sinh học cao, có chức năng duy trì nguồn nước và cân bằng sinh thái, có tầm quan trọng quốc tế, quốc gia.
Bốn là, đầu tư nguồn lực thúc đẩy công tác bảo tồn đất ngập nước (điều tra đa dạng sinh học; hệ thống giám sát toàn diện để theo dõi những thay đổi đa dạng sinh học xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu và cơ chế chia sẻ, trao đổi và quản lý thông tin; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ; đẩy mạnh giám sát thực hiện pháp luật về bảo tồn; tăng mức kinh phí thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học từ nguồn ngân sách nhà nước);
Năm là, thành lập các khu bảo tồn đất ngập nước – phải được xem là một trong những giải pháp quản lý, bảo tồn đất ngập nước có hiệu quả. Các khu bảo tồn là thành tố quan trọng để đạt được phát triển bền vững. Các khu bảo tồn cung cấp các sản phẩm và dịch vụ vượt ra khỏi ranh giới của chúng, đồng thời cũng góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và xóa đói giảm nghèo.
Sáu là, lồng ghép quản lý đất ngập nước bền vững và ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, nghĩa là phải xem đất ngập nước là một trong những tài nguyên quốc gia, phục vụ cho phát triển; Khuyến khích hợp nhất việc khôi phục/ quản lý/ phục hồi đất ngập nước vào kế hoạch thích ứng của địa phương.
Bảy là, lồng ghép và triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH liên quan tới đất ngập nước trong các chương trình phát triển liên quan: Chương trình Mục tiêu quốc gia Ứng phó với BĐKH (2008), Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (2009) và các kế hoạch hành động tương ứng của các bộ ngành và địa phương, theo các lĩnh vực liên quan: nông nghiệp, thủy sản, y tế và sức khỏe, bảo tồn đa dạng sinh học, vùng ven biển.
Tám là, khai thác, sử dụng đất ngập nước một cách khôn khéo, có nghĩa là không làm biến đổi các chức năng dịch vụ và quá trình sinh thái của chúng theo tinh thần của Công ước Ramsar (1971), Công ước về Đa dạng sinh học (1992) và Công ước Khung của Liên hợp quốc về BĐKH (1992) trong tình hình hiện nay. Tập trung vào bốn lĩnh vực quan trọng nhất của đất ngập nước hiện nay là: nước, đa dạng sinh học, sinh kế cộng đồng và BĐKH.
Chín là, khuyến khích nghiên cứu cách sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, phục hồi và phát triển các vùng đất ngập nước có khả năng chống chịu tốt hơn với BĐKH.
Mười một là, triển khai các cách tiếp cận mới: đồng quản lý, dựa vào cộng đồng, dựa trên hệ sinh thái, dựa vào thiên nhiên, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để hỗ trợ các chính sách quản lý và quy hoạch đất ngập nước với sự tham gia của các bên liên quan.
Mười hai là, giáo dục và truyền thông xã hội cho các đối tượng khác nhau (các nhà quản lý, lãnh đạo cộng đồng, các nhà ra quyết định, công chúng, trẻ em và thanh thiếu niên,…) về tầm quan trọng của việc bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái đất ngập nước như là một chìa khóa để duy trì các dịch vụ hệ sinh thái.
Mười ba là, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ về nghiên cứu, bảo tồn và sử dụng khôn khéo các hệ sinh thái đất ngập nước theo phương châm “Thích ứng và Phát triển”, tập trung vào 3 nội dung: (i) Các khóa học về quản lý tổng hợp đất ngập nước; (ii) Các khóa học về kỹ thuật quản lý đất ngập nước; (iii) Các khóa học cho cán bộ thực địa.
Mười bốn là, tạo thu nhập thay thế, giúp cộng đồng giảm sức ép lên đất ngập nước; Gắn hoạt động phát triển kinh tế với bảo tồn đất ngập nước;
Mười lăm là, triển khai hiệu quả Chương trình trồng rừng ngập mặn ven biển ứng phó với BĐKH./.
NBCA