Các nhà khoa học tìm thấy gien ngăn chặn tình trạng hạt lúa mì nảy mầm

Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Kansas và Cơ quan Nghiên cứu Nông nghiệp Mỹ đã tìm thấy và nhân bản vô tính một gien trong lúa mì được đặt tên là PHS có thể ngăn chặn tình trạng hạt lúa mì nảy mầm trước thời gian thu hoạch. Tình trạng này xảy ra khi mưa lớn làm cho hạt lúa mì nảy mầm trước khi thu hoạch và kết quả là mất mùa lớn.Đăng ngày 19-09-2013 trong chuyên mục Tin thế giới

Bikram Gill, Giáo sư về bệnh cây trồng và là Giám đốc Trung tâm di truyền lúa mì cho biết: “Đây là thông tin rất hữu ích vì các nhà lai tạo giống lúa mì gặp rất nhiều khó khăn trong việc xử lý đặc tính nảy mầm trước khi thu hoạch của lúa mì.Với kết quả của nghiên cứu này, họ sẽ có một dấu hiệu gien để tiến hành lai tạo giống lúa mì không mang đặc tính này”.
Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí khoa học Di truyền học. Phát hiện này mang lại lợi ích lớn nhất cho những người trồng giống lúa mì trắng, loại cây trồng bị thiệt hại tới 1 tỷ USD mỗi năm do tình trạng hạt lúa mì nảy mầm trước khi thu hoạch. Người tiêu dùng có xu hướng thích lúa mì trắng hơn so với lúa mì đỏ do lúa mì trắng không có vị đắng như lúa mì đỏ, lúa mì trắng cũng cho nhiều bột hơn khi xay xát.
Lúa mì trắng đã được trồng thử nghiệm tại Kansas, Mỹ. Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên, thời tiết có mưa vào tháng Sáu dẫn đến hiện tượng hạt lúa mì nảy mầm trước khi thu hoạch và người nông dân bị mất mùa. Từ đó, nông dân không còn trồng lúa mì trắng ở Kansas nữa. Các nhà khoa học hy vọng việc phát hiện ra gien này sẽ giúp khôi phục lại việc trồng lúa mì trắng tại đây.
Nhờ vào phát hiện này, các nhà lai tạo giống lúa mì có thể mang một mẫu mô nhỏ của một giống lúa mì vào phòng thí nghiệm và kiểm tra xem giống lúa mì đó có gien kháng lại tình trạng nảy mầm trước khi thu hoạch không chứ không phải chờ đến 1 năm sau khi trồng giống đó.
NMT – Mard, theo phys.org.
Nguồn iasvn.org