Cần thiết Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia là một công cụ quan trọng nhằm định hướng, tổ chức và triển khai các hoạt động bảo tồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bền vững. Đây là cơ sở để bảo vệ hệ sinh thái, loài sinh vật và nguồn gen, đồng thời đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường.

Bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái quan trọng

Quy hoạch giúp xác định các khu vực ưu tiên bảo tồn như rừng nguyên sinh, đất ngập nước, rạn san hô, thảo nguyên, đảm bảo các hệ sinh thái được duy trì và phục hồi. Bên cạnh đó, ngăn chặn suy thoái, mất rừng và suy giảm chất lượng môi trường sống do tác động từ con người và biến đổi khí hậu; Hỗ trợ xây dựng hành lang đa dạng sinh học để kết nối các khu bảo tồn, giúp loài di chuyển và duy trì nguồn gen.

Bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm

Quy hoạch giúp thiết lập danh mục các loài nguy cấp, cần bảo vệ và phục hồi, từ đó có các biện pháp bảo tồn phù hợp như nhân giống, tái thả vào tự nhiên. Từ đó hạn chế nguy cơ tuyệt chủng đối với các loài đặc hữu, loài di cư, loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái; và hỗ trợ kiểm soát buôn bán động thực vật hoang dã trái phép, ngăn chặn khai thác và săn bắt bất hợp pháp.

Ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Các hệ sinh thái như rừng ngập mặn, đất ngập nước đóng vai trò như lá chắn tự nhiên, giảm tác động của nước biển dâng, bão, lũ lụt và hạn hán. Theo đó, quy hoạch giúp duy trì các hệ sinh thái có chức năng điều hòa khí hậu, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; và hỗ trợ tăng khả năng thích ứng và phục hồi của các loài sinh vật và hệ sinh thái trước những thay đổi môi trường.

Phát triển kinh tế bền vững và du lịch sinh thái

Quy hoạch giúp gắn kết bảo tồn với phát triển kinh tế, thúc đẩy các mô hình du lịch sinh thái, nông nghiệp bền vững, lâm nghiệp có trách nhiệm. Từ đó, tạo cơ hội cho người dân địa phương hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái như mật ong rừng, dược liệu, tre, mây, du lịch cộng đồng; định hướng phát triển các khu bảo tồn thiên nhiên thành điểm du lịch xanh, vừa bảo tồn vừa tạo sinh kế cho cộng đồng.

Củng cố khung pháp lý và quản lý bảo tồn

Quy hoạch giúp tích hợp các quy định bảo tồn vào chiến lược phát triển quốc gia, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý. Ngoài ra, cung cấp cơ sở khoa học để thiết lập các khu bảo tồn mới, mở rộng hoặc điều chỉnh ranh giới bảo tồn dựa trên thực trạng sinh thái; và hỗ trợ công tác kiểm soát và giám sát đa dạng sinh học, đảm bảo việc thực thi các chính sách và cam kết quốc tế về bảo tồn thiên nhiên.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự cân bằng sinh thái, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và đảm bảo phát triển bền vững. Việc thực hiện hiệu quả quy hoạch không chỉ góp phần bảo vệ các loài sinh vật và hệ sinh thái quan trọng, mà còn giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Hiện nay Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu tổng quát hướng đến gia tăng diện tích, phục hồi, đảm bảo tính toàn vẹn và kết nối các hệ sinh thái tự nhiên; quản lý và bảo tồn hiệu quả các loài hoang dã, các nguồn gen quý hiếm; xây dựng và phát triển hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng, vùng đất ngập nước quan trọng góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đất nước./.

NBCA