Cần thiết xây dựng Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao thực hiện đầu mối quốc gia của các Công ước quốc tế, Nghị định thư về đa dạng sinh học mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, bao gồm: Công ước Đa dạng sinh học (CBD), Công ước về bảo tồn các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar), Nghị định thư Cartagena về An toàn sinh học, Nghị định thư Nagoya về Tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về trách nhiệm pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học. Các Công ước, Nghị định thư này đều yêu cầu các quốc gia thành viên thực hiện kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các bên liên quan.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Gần đây nhất là Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đã nêu mục tiêu đến năm 2035 là “Hoàn thiện hệ thống mạng quan trắc tài nguyên, môi trường quốc gia theo hướng tự động hoá. Hoàn thành việc xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu ngành tài nguyên, môi trường và hệ thống thông tin giám sát tài nguyên quốc gia” trong đó “Điều tra và lập cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học quốc gia” nằm trong nhóm giải pháp nhằm tối ưu hóa nguồn lực tài nguyên thiên nhiên của đất nước.

Tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 28/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu “Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao, các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện.

Hiện nay, quy trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học chung áp dụng trong cả nước chưa được ban hành. Hiện mới chỉ có quy định về quy trình, nội dung điều tra, kiểm kê rừng trong hệ thống pháp luật lâm nghiệp, trong đó có một số chỉ tiêu, chỉ thị liên quan đến đa dạng sinh học đã được thể chế hóa, còn lại hầu hết các chỉ tiêu kiểm kê, chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học nêu tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg mà chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, định mức để triển khai thực hiện. Các địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học trên cơ sở nguồn lực của từng địa phương, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân và không theo một quy trình kỹ thuật chung nào.

Việc nghiên cứu và thực hiện kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học của nước ta chủ yếu được thực hiện thông qua một số dự án, chương trình có nguồn lực kinh phí tài trợ tại một số khu bảo tồn thiên nhiên cho một số nhóm chỉ tiêu, chỉ thị đặc thù: Giám sát, quan trắc chim ở Việt Nam tại Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang (Tuyên Quang), Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên – Văn Bàn, Khu bảo tồn thiên nhiên Đông Sơn – Kỳ Thượng… Giám sát, quan trắc các nhóm loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như  loài hổ, gấu (Vườn quốc gia Pù Mát- Nghệ An), thú linh trưởng (Vườn quốc gia Phong Nha – Quảng Bình), quần thể Voọc đầu trắng (Vườn quốc gia Cát Bà – Hải Phòng), quan trắc đa dạng sinh học hệ sinh thái biển tại Khu bảo tồn biển Nha Trang… Bên cạnh đó, đã có một số nghiên cứu trong nước, một số kinh nghiệm quốc tế về phương pháp, quy trình kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học đối với một số chỉ thị quan trắc đa dạng sinh học. Trong khi yêu cầu về quản lý nhà nước phải có cơ sở dữ liệu về kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và phát triển bền vững nói chung của các quốc gia từ khi Công ước CBD chính thức yêu cầu và hướng dẫn các quốc gia thực hiện quan trắc đa dạng sinh học vào những năm đầu của thế kỷ 20. Thông tin, số liệu, dữ liệu từ kết quả kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học là cơ sở để đánh giá đúng hiện trạng thực tế, dự báo diễn biến trong thời gian tiếp theo, phục vụ đắc lực cho quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước.

Việc thể chế hóa các nội dung cụ thể về kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học đến nay còn rất hạn chế. Hiện mới chỉ có quy định về quy trình, nội dung điều tra, kiểm kê rừng trong hệ thống pháp luật lâm nghiệp, trong đó có một số chỉ tiêu, chỉ thị liên quan đến đa dạng sinh học đã được thể chế hóa, còn lại hầu hết các chỉ tiêu, chỉ thị về kiểm kê, quan trắc đa dạng sinh học quy định tại Quyết định số 2067/QĐ-TTg mà chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình, định mức để triển khai thực hiện./.

NBCA