Cây trồng biến đổi gen: Không thể mong chờ sự thống nhất tuyệt đối

Liên quan đến các báo cáo kết quả khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen (BĐG) để nhằm làm rõ hơn những tác động rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học tại Việt Nam, vừa qua Bộ NN&PTNT đã tổ chức một hội nghị “mở rộng” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ sinh học…Về những vấn đề còn gây nhiều ý kiến trái chiều, phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp – Bộ NN&PTNT.

Thưa ông, việc báo cáo kết quả khảo nghiệm cây trồng BĐG được tổ chức nhằm tìm ra tiếng nói chung về lĩnh vực này. Quan điểm của ông về hội nghị này như thế nào?

Về cây trồng BĐG, hiện vẫn có hai quan điểm ủng hộ và không ủng hộ. Có nước rất ủng hộ cây trồng BĐG như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Nhưng cũng có những nước châu Âu không ủng hộ cây trồng BĐG. Vì thế nên, việc đưa một vấn đề còn đang mới mẻ như thế này vào thì phải cần sự hiểu biết và đồng thuận của xã hội.
“Thực tế, các cơ quan khảo nghiệm và Hội đồng an toàn sinh học của Bộ đã bám sát quy chế khảo nghiệm cây trồng BĐG của Bộ NN&PTNT và Nghị định 69 của Chính phủ về an toàn sinh học, nhưng mỗi nước có điều kiện sinh thái, xã hội đặc thù. Nếu vẫn còn chưa yên tâm thì việc khảo nghiệm tiếp là hoàn toàn có thể. Cho đến khi chúng ta hoàn toàn yên tâm và tạo được sự yên tâm của xã hội và nhà khoa học rằng sản phẩm đến tay người tiêu dùng là sản phẩm an toàn với môi trường và đa dạng sinh học. Còn một khi chúng ta không yên tâm thì chưa nên đưa vào…”. TS. Lê Huy Hàm cho biết thêm.
Theo tôi, việc tổ chức hội nghị báo cáo để công bố rộng rãi là cần thiết. Cùng với đó là “diễn đàn” để trao đổi, thảo luận nhằm đi đến thống nhất. Tuy nhiên, mong chờ một sự thống nhất tuyệt đối về cây trồng BĐG là không có. Nhưng chúng tôi mong chờ sự thống nhất của đại đa số các thành phần trong xã hội về một vấn đề đang là nhạy cảm hiện nay.
Việc thống nhất về vấn đề này theo ông hiện nay ở mức độ nào?
Tỷ lệ này khó nói. Có người phản đối, có người ủng hộ nhưng quan trọng là hiểu được lý do lo ngại của những người phản đối cũng như nhìn nhận được sự cần thiết của việc đưa cây BĐG vào cuộc sống nhưng phải trên cơ sở nhiều khảo nghiệm chặt chẽ nữa, đồng thời làm an tâm cũng như định hướng quan điểm chung của xã hội với tình hình cây trồng BĐG hiện nay.
Một số ý kiến cho rằng đến thời điểm này Việt Nam mới đề cập đến cây trồng BĐG là đã hơi bị muộn so với thế giới rồi. Vậy còn ý kiến của riêng ông?
Tôi chia sẻ với ý kiến đó. Năm 2011, thế giới đã trồng 160 triệu ha cây trồng BĐG, gấp 40 lần diện tích lúa của nước ta. Đã có 29 nước đã trồng cây BĐG. Hiện nay, phần lớn ngô (hơn 30%) và 70-80% sản lượng đậu tương đang sử dụng trên thế giới là cây BĐG. Thực tế, chúng ta cũng đã sử dụng và đang sử dụng ngày càng nhiều hơn thực phẩm BĐG. Còn với chúng ta là chậm. Nếu ta đưa vào nhanh được thì đây là một cơ hội tốt cho ngành nông nghiệp. Chúng ta hiện nay đang khảo nghiệm cây trồng BĐG kháng sâu và kháng thuốc diệt cỏ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là “màn” đầu tiên của cây BĐG bởi vì công nghệ BĐG còn hứa hẹn nhiều đặc tính khác nữa như: kháng hạn, mặn, ngập, các loại sâu bệnh khác. Nếu chúng ta có cơ chế phù hợp để khảo nghiệm đánh giá rủi ro và đưa công nghệ này vào, sẽ tạo điều kiện cho nông nghiệp Việt Nam tiếp tục “thẩm thấu” được những công nghệ mới mà thế giới đã và sẽ phát triển trong thời gian tới…
Vậy theo ông, khi nào chúng ta sẽ triển khai cây trồng BĐG trên diện rộng?
Có nhiều chuyên gia đề nghị nghiên cứu thêm các chỉ tiêu và tăng thêm vụ. Do đó, trước mắt cần đáp ứng nếu không sẽ tạo sự băn khoăn của xã hội, gây tốn kém thời gian và tiền của. Việc nhanh hay lâu phụ thuộc rất nhiều vào cơ quan quản lý và đối tác có giống cây trồng BĐG. Nếu cả hai đều muốn đẩy nhanh tiến độ để đưa công nghệ này vào thì chúng ta sẽ nhanh có kết quả. Nhưng đối tác có giống mà chúng ta không có quyết tâm thì sẽ chậm hơn.
Nếu Việt Nam trồng cây BĐG thì có ảnh hưởng gì đến xuất khẩu?
Điều này tùy thuộc theo cây. Hiện nay Bộ NN&PTNT cân nhắc đưa ra 3 loại cây: là ngô, bông, đậu tương để trồng cây BĐG. Đây đều là những loại nông sản Việt Nam đang phải nhập khẩu. Về ngô, chúng ta nhập trên 1 triệu tấn/năm, đậu tương nhập 2-3 triệu tấn… Do đó việc đưa những loại cây này vào, hoàn toàn không ảnh hưởng đến xuất khẩu. Nhưng lúa lại là chuyện hoàn toàn khác. Nếu đưa lúa vào phải rất thận trọng. Nhiều nước trên thế giới chưa chấp nhận lúa BĐG…

Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyễn Tiến Dũng – http://ven.vn