Cây trồng biến đổi gen: Tác động Kinh tế – xã hội và môi trường giai đoạn 1996 – 2013

Nghiên cứu tác động kinh tế, xã hội và môi trường của cây trồng biến đổi gen (BĐG) trên toàn cầu được thực hiện bởi TS. Graham Brookes và cộng sự tại Viện PG Economics, Vương quốc Anh.

 

Nghiên cứu này được thực hiện kể từ năm đầu tiên cây trồng BĐG chính thức được thương mại hóa – năm 1996. Mục tiêu chính của nghiên cứu nhằm đánh giá các tác động kinh tế từ việc canh tác, phân tích các ảnh hưởng đối với quá trình sản xuất, tác động đến môi trường do những thay đổi trong việc sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ, và những đóng góp trong việc giảm khí thải nhà kính. Nghiên cứu này không chỉ trình bày các tác động của năm gần nhất mà còn lượng hóa tác động lũy kế trong toàn bộ khoảng thời gian 17 năm.
Nghiên cứu đã cho thấy năm 2013 – năm thứ 18 ứng dụng cây trồng BĐG trên diện rộng, công nghệ này tiếp tục cho thấy tác động tích cực trong việc nâng cao sản lượng cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và giúp cải thiện môi trường sống tốt hơn cho các cộng đồng dân cư. Nghiên cứu cũng cho thấy, nông dân tại các quốc gia và cộng đồng nông thôn đang phát triển đang được hưởng lợi nhiều hơn.* Hỗ trợ an ninh lương thực toàn cầu và giảm áp lực về nguồn đất canh tác
– Trong giai đoạn 1996-2013, cây trồng BĐG đã giúp sản xuất thêm 138 triệu tấn đậu tương, 274 triệu tấn ngô cho toàn cầu. Công nghệ này cũng góp phần tạo ra thêm 21,7 triệu tấn bông và 8 triệu tấn canola.
– Cây trồng BĐG cho phép người nông dân có thể trồng được nhiều hơn mà không sử dụng thêm nguồn đất canh tác. Giả sử chỉ riêng trong năm 2013, nếu như nông dân không canh tác cây trồng BĐG, thì để duy trì được mức sản xuất năng suất như hiện tại đòi hỏi diện tích đất canh tác cần thêm sẽ tương đương với khoảng 11% diện tích đất canh tác ở Mỹ, hay 29% diện tích đất canh tác được tại Brazil hay tương đương với 32% diện tích trồng ngũ cốc của 28 nước Châu Âu.

* Tăng năng suất cây trồng
– Công nghệ kháng sâu (insect resistant – IR) được sử dụng trên bông và ngô đã liên tục giúp tăng sản lượng các cây trồng này khi giảm được thiệt hại do côn trùng có hại gây ra. Năng suất trung bình tăng thêm trong giai đoạn 1996-2013 tính trên tổng diện tích áp dụng cây trồng BĐG là 11,7% đối với ngô kháng sâu và 17% đối với bông kháng sâu. Năm 2013 cũng là năm đầu tiên các giống đậu tương BĐG kháng sâu được thương mại chính thức tại Nam Mỹ, nơi người nông dân đã đạt được mức cải thiện năng suất tăng thêm trung bình là 10%.
– Công nghệ kháng thuốc trừ cỏ được sử dụng trên đậu tương và cải dầu cũng đóng góp vào việc tăng sản lượng các cây trồng này tại những quốc gia canh tác; ví dụ nông dân tại Argentina có thể trồng 1 vụ đậu tương sau vụ lúa mỳ tại cùng một mùa canh tác và đạt được năng suất cao hơn cũng như được hưởng lợi từ hiệu quả quản lý cỏ dại của công nghệ này.

* Tăng thu nhập cho nông dân – đặc biệt nông dân tại các nước đang phát triển
– Canh tác cây trồng BĐG đã giúp nông dân có được mức thu nhập tốt hơn. Lợi ích kinh tế thuần ở mức độ đồng ruộng trong năm 2013 là 20,3 triệu đô la Mỹ, tương đương với mức tăng thu nhập trung bình thêm khoảng 122 đô la Mỹ trên 1 ha. Trong suốt 18 năm từ năm 1996 đến 2013, tổng thu nhập đạt được trên toàn cầu từ việc canh tác cây trồng BĐG là 133,5 tỷ đô la Mỹ.
– Nông dân các nước đang phát triển có được mức tăng năng suất cao nhất, rất nhiều trong số họ là các nông hộ nghèo và có ít nguồn lực canh tác.

* Cơ hội đầu tư tốt cho nông dân
– Đầu tư ứng dụng cây trồng BĐG tiếp tục cho thấy là một cơ hội tiềm năng cho nông dân trên toàn thế giới. Chi phí nông dân phải trả cho việc đầu tư vào công nghệ này trong năm 2013 (khoảng 6,8 tỷ đô la Mỹ đầu tư vào chuỗi cung ứng) tương đương với 25% tổng thu nhập thu về (tổng thu nhập 27,3 tỷ đô la Mỹ trong số đó 20,5 tỷ đô la Mỹ là con số thu nhập đạt được của nông dân). Tính trung bình trên toàn cầu, nông dân thu lại trung bình khoảng 4,04 đô la Mỹ cho mỗi 1 đô la Mỹ chi phí đầu tư họ bỏ ra.
– Năm 2013, nông dân tại các nước đang phát triển thu lại được 4,22 đô la Mỹ cho mỗi đô la họ đầu tư vào giống cây BĐG (chi phí này chỉ tương đương với 24% tổng thu nhập đạt được), trong khi đó, nông dân tại các nước đang phát triển thu lại khoảng 3,88 đô la Mỹ cho mỗi 1 đô la đầu tư (tương đương với 26%).

* Cải thiện môi trường
– Cây trồng BĐG vẫn đang góp phần vào việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải hiệu ứng nhà kính từ canh tác nông nghiệp. Công nghệ này đã giúp giảm bớt nguồn năng lượng sử dụng và mức độ lưu trữ carbon trong đất khi giảm bớt việc làm đất trong khi canh tác. Năm 2013, việc áp dụng công nghệ này đã giúp loại bớt 28 tỷ kg CO2 thải ra, mức này tương đương với việc giảm bớt khoảng 12,4 triệu xe hơi lưu thông trên đường trong vòng 1 năm;
– Cây trồng BĐG cũng giúp hạn chế mức độ sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 1996-2013 khi cắt giảm khoảng 550 triệu kg (tương đương với 8,6% so với trước). Lượng giảm này tương đương với khối lượng hoạt chất thuốc trừ sâu phun trên diện tích đất canh tác của khoảng 27 quốc gia Châu Âu trong 2 vụ. Kết quả đã giúp giảm các tác động môi trường tiêu cực liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ cỏ và thuốc trừ sâu sử dụng trên các khu đất canh tác cây trồng BĐG khoảng 19%.

Để biết thêm thông tin chi tiết, đề nghị liên hệ: Bà Đào Thu Vinh – Điều phối viên CropLife Việt Nam; Điện thoại: 0983330209; Thư điện tử: vinh.dao@croplifevietnam.org

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học