PGS. TS. Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện cây trồng biến đổi gen (BĐG) và những ý kiến lo lắng về rủi ro mà giống cây trồng này có thể mang lại.
Hiện nay nhiều người lo lắng việc trồng cây BĐG sẽ mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên việc sử dụng cây trồng BĐG trong 18 năm qua với hàng mấy trăm triệu người sử dụng chưa để xảy ra một trường hợp nào ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.Tất cả cơ sở về di truyền, xã hội thực tế sử dụng đều khẳng định rằng không có căn cứ để lo lắng cho việc an toàn khi sử dụng cây trồng BĐG. Hơn nữa khi tạo ra giống BĐG, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã tính toán đến trường hợp mất an toàn của cây trồng BĐG và họ đã có những quy chế quốc tế để quản lý những rủi ro.
Nhiều người lo sợ khi trồng cây BĐG sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Ví dụ trồng ngô BĐG kháng sâu, người ta sợ con ong, bướm ăn phấn vào thì chết, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Trên thực tế 18 năm qua ở những nơi trồng ngô BĐG, quần thể ong, bướm không hề thay đổi về số lượng, tức đa dạng sinh học đảm bảo. Hay người ta sợ trồng cây BĐG trên đất làm cho vi sinh vật trong đất thay đổi, nhưng trên thực tế trồng thì không có thay đổi gì cả.
Vấn đề thứ hai nhiều người lo ngại đó là sự phụ thuộc công nghệ, giống BĐG từ các công ty đa quốc gia, vậy điều này có đúng hay không?
Các công ty đa quốc gia là các công ty kinh tế, vậy xét ở trường hợp họ tăng giá bán, tăng mức phụ thuộc nếu xảy ra ở một nước nào đó thì liệu các nước khác có cho các công ty này vào làm ăn không? Nếu đã mất uy tín, bị tai tiếng thì họ không bao giờ có thể làm ăn được.
Và thực tế lo ngại đó chưa từng xảy ra ở bất cứ nước nào trong 18 năm qua. Các công ty này muốn phát triển thì phải chăm lo lợi ích của khách hàng nếu không thì khách hàng sẽ không dùng sản phẩm của anh nữa, vì suy cho cùng đã kinh doanh là phải có lợi ích, nếu không có lợi ích và lợi ích không hài hòa thì rõ ràng khách hàng sẽ bỏ rơi anh ngay.
Xét trên góc độ thực tế ,chúng ta thấy ở trường hợp cây ngô, chúng ta chỉ sản xuất được 30% giống, còn lại là nhập của nước ngoài, việc lệ thuộc không hề xảy ra, tăng giá cũng không xảy ra. Các giống rau, cà chua của mình phụ thuộc 100% vào nước ngoài, lúa lai phụ thuộc đến 80 – 90% giống nước ngoài vậy nhưng trường hợp lệ thuộc hay tăng giá hay chi phối chính trị đều không xảy ra. Nếu xảy ra tình trạng đó ở một nước thì làm sao nước khác mở cửa cho các công ty đa quốc gia đó vào làm ăn.
Nhiều ý kiến cho rằng việc châu Âu kịch liệt phản đối điều đó chắc chắn GMC có vấn đề. Vậy chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao châu Âu lại chống lại cây trồng GMC? Một công nghệ mới ra đời bao giờ cũng tạo nên sự thay đổi, sự thay đổi chắc chắn sẽ không đem lại lợi ích cho tất cả. Người không có lợi đương nhiên muốn không có sự thay đổi đó hoặc sự thay đổi đó chậm lại, nên họ chống.
Nói rõ ràng là cây trồng BĐG sẽ ảnh hưởng không hề nhỏ cho các nhà cung cấp giống khác, các nhà sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vì vậy họ chống là rõ ràng. Còn người tiêu dùng châu Âu họ cũng phải đối vì đơn giản số tiền họ sử dụng mua thực phẩm trong một tháng chỉ chiếm 10% thu nhập thôi, nếu dùng thực phẩm GMC cùng lắm giảm số tiền chi tiêu cho thực phẩm xuống còn 8%, đối với họ là không đáng, họ có quyền cho mình sự lựa chọn sử dụng thực phẩm an toàn thay vì thay đổi theo một xu hướng đang tranh cãi.
Dựng hàng rào bảo vệ nhiều tầng
Ở Việt Nam từ năm 2005 đến nay đang tiến hành xây dựng luật và hoàn thiện khung pháp lý để chính thức đưa cây BĐG vào trồng, ở các nước phát triển họ phải mất 10 năm để xây dựng hoàn thiện khung pháp lý này và nước mình cũng mất 10 năm để làm việc đó và dự kiến sang năm 2015 sẽ triển khai trồng đại trà cây trồng BĐG. Từ năm 2010 bắt đầu trồng khảo nghiệm trên diện hẹp, sau đó trồng khảo nghiệm trên diện rộng năm 2012.
Chúng ta quản lý giống cây trồng, sản phẩm BĐG nhập vào Việt Nam bằng cách dựng lên các rào chắn an toàn với các quy định nghiêm ngặt như: Cây trồng BĐG chỉ được mang vào Việt Nam sau khi đã được đánh giá an toàn sinh học ở Việt Nam, có kết luận của hội đồng an toàn sinh học cho rằng nó an toàn đối với môi trường và đa dạng sinh học thì mới được nhập về trồng ở Việt Nam. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm khảo nghiệm thu thập số liệu và đánh giá ở diện hẹp sau đó ở diện rộng và đưa ra kết luận đánh giá nó an toàn hay không, sau đó trình hồ sơ lên hội đồng sinh học quốc gia gồm có các thành viên đại diện của viện khoa học Việt Nam, các nhà khoa học độc lập, đại diện Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ KHCN… dưới sự chủ trì của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đưa ra kết luận cuối cùng. Điều kiện thứ hai là giống cây trồng BĐG phải được sử dụng một cách bình thường ở nước tạo ra nó mà không có vấn đề gì thì mới được đặt vấn đề đưa về Việt Nam.
“Một giống cây trồng biến đổi gen trước khi được trồng ở Việt Nam sẽ phải qua rất nhiều hàng rào kiểm định của nhiều bộ ngành như các Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương, Y tế… với những lớp rào xem xét, hệ thống bảo vệ nhiều tầng nghiêm ngặt, cho phép chúng tôi tự tin sẽ quản lý được rủi ro” – PGS.TS. Lê Huy Hàm – Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đó là khía cạnh giống cây trồng BĐG được trồng ở Việt Nam, còn đối với sản phẩm BĐG chỉ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi, làm thực phẩm ở Việt Nam nếu được 5 nước phát triển dùng vào làm thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi mà không có hiện tượng bất thường nào về tính an toàn. Vì sao chúng ta lại chọn 5 nước phát triển, bởi đơn giản họ không phải vì đói mà nhập các sản phẩm ấy để ăn. Các sản phẩm BĐG hội đủ các điều kiện đó thì mới được tiêu thu trên thị trường Việt Nam. Sự bảo vệ này không phải là bảo vệ kép mà là bảo vệ rất nhiều tầng.
Theo danviet.vn