Phát triển cây trồng biến đổi gene (BĐG) có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Hiện nay, sản lượng ngô (nguồn thức ăn chính cho thức ăn chăn nuôi) của nước ta đạt 4,7 triệu tấn/năm và mỗi năm vẫn phải nhập khẩu gần 1 triệu tấn ngô, trị giá 1 tỉ USD.
Vì vậy, phát triển cây trồng BĐG nói chung và cây ngô BĐG nói riêng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Phát biểu tại “Toạ đàm giống cây trồng BĐG tại Việt Nam” do Quỹ Hoà bình và phát triển TPHCM tổ chức ngày 13/8, GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, theo dự báo, đến năm 2035, toàn cầu cần phải có thêm 115 triệu tấn thóc so với năm 2010. Và đây là một thách thức hàng đầu của nhân loại.
Trong khi đó, nếu phát triển cây trồng BĐG, không chỉ làm tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, kéo dài thời gian lưu trữ, chống khí hậu nóng-lạnh, chống thuốc trừ cỏ dại… mà ưu điểm vượt trội hơn hết là loại cây này làm tăng năng suất lên nhiều lần so với cây trồng thông thường khác. Điều này sẽ góp phần giải quyết “bài toán” an ninh lương thực toàn cầu trong tương lai.
Mặt khác, cây trồng BĐG còn góp phần cải thiện môi trường như giảm thuốc bảo vệ thực vật và nhiều loại hóa chất khác; giảm lượng phân bón; bảo vệ sức khỏe của nông dân vì ít tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất. Ngoài ra, thực phẩm BĐG không tồn lưu hóa chất, kim loại nặng, vi khuẩn đảm bảo tốt cho sức khỏe con người và giảm giá thành sản phẩm.
GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Phó Giám đốc phụ trách khoa học và hợp tác quốc tế, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, bắt đầu từ năm 1984 đến nay đã có 27 nước canh tác cây trồng BĐG với 175 triệu ha và có 18 triệu nông dân áp dụng cây trồng BĐG. Hiện đang có 5 nước có diện tích cây trồng BĐG cao nhất là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Ấn Độ và Canada.
Trong những năm qua đã có 381 sự kiện BĐG đưa vào sản xuất. Đặc biệt, có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã công nhận việc nhập khẩu cây trồng chuyển gene để tiêu thụ và sản xuất.
Tại Việt Nam, đã xác định việc phát triển và ứng dụng cây trồng BĐG là nhiệm vụ quan trọng của Chương trình Công nghệ sinh học nông nghiệp quốc gia đến năm 2020. Trước mắt, năm 2015, Chương trình đã đưa một số cây trồng BĐG vào sản xuất và đến năm 2020 sẽ nâng diện tích cây trồng BĐG lên 30-50% trong tổng số 70% diện tích giống được tạo ra bằng công nghệ sinh học.
Cụ thể, từ năm 2013, Bộ NN&PTNT đã công nhận kết quả khảo nghiệm 5 giống ngô BĐG là BT11, GA21, MON98034, NK603, TC1507 và từ 18/3 đã tiến hành trồng các giống ngô nói trên tại Việt Nam để làm thức ăn gia súc với năng suất cây trồng tăng từ 14-29% so với giống ngô thường.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, Đại học RMIT, Australia, trong quá trình phát triển cây trồng BĐG, Việt Nam cần chú ý những hệ lụy của loại cây trồng này như lệ thuộc vào công ty nước ngoài về giống BĐG; chân ruộng của Việt Nam bị tạp vì gene biến đổi do lề lối canh tác lâu nay của nông dân không khoa học nên sẽ canh tác lẫn lộn giữa cây trồng thường và cây trồng BĐG; nếu phát triển tràn lan sẽ làm mất tính cân bằng của môi trường sinh thái.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Bùi Chí Bửu cho rằng, quá trình áp dụng cây trồng BĐG vào sản xuất phải có nghiên cứu cơ bản và ứng dụng với kết quả rõ ràng về phân lập gene đích, trình tự gene đầy đủ để đánh giá an toàn hay không an toàn.
Bên cạnh đó, phải đánh giá được rủi ro khi phát triển loại cây trồng BĐG với sức khỏe của con người, động vật và môi trường xung quanh. Đặc biệt, phải có những đánh giá tác động của những loại giống cây trồng BĐG về mọi mặt cho dự báo nhiều năm sau đó, đánh giá những tác động của nó đến tiêu dùng và sử dụng của người tiêu dùng.
Theo Chinhphu.vn