Đợt hạn hán gay gắt ở miền Nam châu Phi đã dẫn đến mất mùa trên diện rộng, điều này có thể khiến các quốc gia châu Phi quyết định sử dụng cây trồng biến đổi gien (GM) để cải thiện mùa màng và giảm nhập khẩu ngũ cốc.
Hạn hán mở rộng đến Nam Phi, nhà sản xuất ngô lớn nhất của châu lục, hiện đã trầm trọng thêm bởi hiện tượng El Nino và hậu quả khắc nghiệt của mùa khô năm ngoái tại các khu vực từ Zimbabwe đến Malawi. Cơ quan cứu trợ Oxfam cho biết 10 triệu người, chủ yếu là ở châu Phi đang phải đối mặt với nạn đói vì hạn hán và tình trạng thiếu mưa.
Điều này khiến các nước châu Phi phải quan tâm đến các loại cây trồng biến đổi gien, đặc biệt là ngô, một cây trồng chủ lực và được tiêu thụ ở hầu hết các quốc gia tiểu vùng Sahara. Nhiều quốc gia châu Phi đã cấm cây trồng biến đổi gien vì cho rằng cây này gây ô nhiễm môi trường và có thể có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người. Một số nước như Zimbabwe cho rằng mặc dù các loại cây trồng biến đổi gien ban đầu có thể có khả năng chống sâu bệnh, nhưng sức đề kháng này có thể mất đi theo thời gian.
Tuy nhiên, những người ủng hộ cây trồng biến đổi gien cho biết lo ngại này không được khoa học chứng minh. Họ cho rằng nông dân nghèo châu Phi có thể sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu, chi phí sản xuất thấp, sản lượng và giá nông sản cao hơn.
Tác động của hạn hán là đặc biệt nghiêm trọng đối với Zimbabwe, nơi mà nền kinh tế đã nỗ lực trong 5 năm để phục hồi từ cuộc suy thoái nghiêm trọng đánh dấu bằng tỷ giá lạm phát phi mã và thiếu lương thực trên diện rộng.
Zimbabwe không chấp nhận nhập khẩu ngô biến đổi gien, tuy nhiên do nạn đói, nước này đã chấp nhận viện trợ ngô biến đổi gien. Jonathan Mufandaedza, Giám đốc điều hành tại Cơ quan Công nghệ sinh học Quốc gia Zimbabwe, một cơ quan chính phủ, cho biết: “Cây trồng biến đổi gien là một trong những giải pháp thay thế nhằm giảm nạn đói cùng với giải pháp thực hành nông học tốt”.
Hoa Kỳ, Brazil và Ấn Độ là những quốc gia trồng cây trồng biến đổi gien nhiều nhất trên thế giới, trong khi ở châu Phi, Nam Phi là nước duy nhất sản xuất ngô biến đổi gien trên quy mô thương mại.
16% dân số Zimbabwe yêu cầu viện trợ lương thực trong năm nay. Chính phủ có kế hoạch nhập khẩu tới 700.000 tấn ngô từ các thị trường thường xuyên như Zambia và Tanzania, nhưng sản lượng ngô của 2 nước này lại đạt mức thấp trong năm 2015. Zimbabwe có thể nhận ngô biến đổi gien nhằm bù đắp sự thiếu hụt.
Năm nay, Nam Phi, nước xuất hơn 40% ngô của khu vực miền Nam châu Phi có thể cần phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn ngô do hạn hán. Các quốc gia châu Phi bắt đầu thay đổi nhận thức về cây trồng biến đổi gien. Getachew Belay, một chuyên gia châu Phi về cây trồng biến đổi gien cho biết: “Burkina Faso ở Tây Phi và gần đây là Sudan đã bắt đầu trồng cây bông biến đổi gien. Trong lịch sử, châu Phi là châu lục chậm chấp nhận các công nghệ mới trong nông nghiệp. Đối với cây trồng biến đổi gien, phần lớn các vấn đề nằm trong nhận thức, sợ hãi quá mức và công tác hoạch định chính sách”.
Năm 2002, Zambia chịu nạn hạn hán nghiêm trọng khiến hàng triệu người cần viện trợ lương thực, nhưng nước này từ chối ngô biến đổi gien được cung cấp bởi các nhà tài trợ. Nhưng tháng trước, nước này đã chấp nhận ngô biến đổi gien. Kenya, Uganda, Malawi, Swaziland, Nigeria và Ghana đều đã tiến hành thử nghiệm trên các cây trồng biến đổi gien khác nhau.