Ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản trị rừng. Ở đây, công nghệ số được áp dụng để hình thành kho dữ liệu lớn, soi đến từng gốc cây, con vật trong rừng…
Quản lý đến từng lô rừng, định vị rõ từng cây
Tại tọa đàm “Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức”, ngày 17/11, ông Nguyễn Đức Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), cho biết, ngành lâm nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý rừng và truy xuất nguồn gỗ.
Cụ thể, Cục Kiểm lâm đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng nhằm giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ…
Ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) chia sẻ về việc sử dụng hiệu quả công nghệ điện viễn thám để phát hiện sớm mất rừng và suy thoái rừng. Công nghệ này đang được mở rộng ra toàn tỉnh Lâm Đồng.
Công tác quản trị rừng từng bước được số hoá (Ảnh: Trần Tuấn)
Theo đó, Vườn Quốc gia cùng với các nhà khoa học của trường Đại học Lâm nghiệp đã tạo ra các thuật toán để thu ảnh, viết ra các phần mềm để sử dụng nội bộ. Cán bộ của Vườn thông qua điện thoại có thể cập nhật 24/24h tình hình, diễn biến tài nguyên rừng trong 70.000ha. Bởi, phần mềm này sẽ ghi nhận toàn bộ quá trình tuần tra trong rừng, có tác dụng đánh dấu diễn biến trong rừng đến từng gốc cây.
Tương tự, Vườn Quốc gia Bidoup cũng sử dụng phần mềm để quản lý những động vật quý hiếm. Ở đây, mỗi con vật được đánh số, định vị lại để theo dõi quá trình sinh trưởng mỗi ngày.
GS.TS Phạm Văn Điển – Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết, trường đã xây dựng được hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ về lĩnh vực lâm nghiệp. Đơn cử, phần mềm Forestry 4.0 có thể xác định được diễn biến của rừng đến phạm vị từng lô một.
Theo ông Điển, chúng ta có 7,5 triệu lô rừng và các hình ảnh có độ phân giải cao đang được cập nhật. Khi đó sẽ soi được từng gốc cây, theo dõi được diễn biến của rừng phát triển tốt hơn hay xấu đi. Đây chính là cơ sở vô cùng cần thiết để phục vụ cho công tác truy xuất, nghiên cứu trong ngành lâm nghiệp.
Phần mềm Forestry 4.0 cũng xác định từng loại cây. Hiện có 200 loài cây trong cơ sở dữ liệu và sắp tới có thêm 600 loài cây được cập nhập, được đánh số định vị. Người dân sử dụng phần mềm sẽ có luôn tư vấn thông liên quan đến cây trồng. Đây chính là tác động, tương tác mới nhờ chuyển đổi số mang lại, ông Điển cho hay.
Giám định gỗ chỉ mất 15 phút
Ở góc độ Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, ông Nguyễn Đức Thành thông tin, đơn vị này có nhiều hoạt động phục vụ dữ liệu chuyển đổi số.
“Chúng tôi áp dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc gỗ, quá trình khai thác, vận chuyển gỗ đến nhà máy. Chúng tôi cũng tiếp nhận công nghệ DART từ Cục Lâm nghiệp Mỹ để giúp rút ngắn thời gian giám định gỗ và được xem là một bước đi chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp Việt Nam”, ông nói.
Trước kia, phương pháp giám định truyền thống phải mất thời gian từ 2-3 ngày. Từ khi áp dụng công nghệ của Mỹ chỉ còn 15 phút. Điều này có ý nghĩa lớn trong quản lý của Nhà nước và phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu. Vì thông qua công tác giám định gỗ và thực vật để xác định xem việc sử dụng gỗ của ta có đáp ứng các công ước quốc tế hay không, ông nhấn mạnh.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức của chuyển đổi trong lâm nghiệp, ông Thành cho rằng, ứng dụng chuyển đổi số không chỉ góp phần quản trị rừng tốt hơn mà còn minh bạch hoá trong quá trình sản xuất lâm nghiệp.
Đạo luật mới về chống phá rừng đã được Liên minh châu Âu ban hành với 6 nhóm ngành hàng. Trong đó, lĩnh vực lâm nghiệp có cà phê, cao su, đậu nành. Để thích ứng với đạo luật này rõ ràng đòi hỏi phải ngành lâm nghiệp phải quan tâm tới cơ sở dữ liệu nhằm xác định chỉ số địa lý.
“Chúng ta phải có các dữ liệu nền tảng để so sánh, đối chiếu và biết chính xác được diện tích, các diễn biến của quá trình chuyển đổi, sản xuất, thương mại. Nhờ đó mà minh bạch được quá trình. Thế nên, cơ sở dữ liệu rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi sản xuất và thương mại”, ông lưu ý thêm.
Ông Phạm Hồng Lượng – Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, nhìn nhận, cơ quan quản lý áp dụng chuyển đổi số giúp cho công việc quản trị rừng tốt hơn. Đồng thời, minh bạch hóa toàn bộ quá trình quản lý lâm nghiệp về từ bảo vệ, thương mại, chế biến lâm sản… hay tham gia các quy định, đạo luật mới của EU.
Ở khía cạnh kinh tế, chuyển đổi số giúp chúng ta cắt giảm nhiều chi phí, thời gian… Khi tích hợp nhiều ứng dụng, người dùng sử dụng có thể truy xuất thông tin nhanh và dễ dàng.
Song, các chuyên gia cho rằng các kho dữ liệu, phần mềm hiện có nhưng chưa có hệ thống chung. Thế nên, thời gian tới cần phải xây dựng một phần mềm chung nhất, đồng nhất để dùng được cho toàn ngành nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
Muốn vậy phải đào tạo nguồn nhân lực, cở sở hạ tầng trang thiết bị cần đầu tư đặc chủng, chuyên dùng như máy chủ kiểm kê tài nguyên rừng, thiết bị không người lái,…
Nguồn: https://vietnamnet.vn/