Mỗi loài động vật hoang dã đều là một phần không thể thiếu, góp phần duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái. Tuy nhiên, đứng trước những mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng như mất môi trường sống, biến đổi khí hậu và săn bắt trái phép, nhiều loài đã và đang bị đẩy đến bờ vực tuyệt chủng. Trước tình cảnh đó, con người không chỉ là tác nhân chính gây ra mà còn nắm giữ chìa khóa để thay đổi, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học trên Trái Đất.
Thực trạng đáng báo động của động vật hoang dã
Theo thống kê từ Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), hơn 28% các loài được đánh giá hiện đang nằm trong danh sách nguy cấp hoặc bị đe dọa. Và nghiên cứu mới nhất cho biết 33% các loài hiện được phân loại là “không bị đe dọa” trong Sách đỏ của IUCN trên thực tế đang suy giảm dần tới mức tuyệt chủng. Từ những loài nổi bật như tê giác, voi, và hổ, đến các loài ít được chú ý hơn như tê tê hay cá heo sông, tất cả đều đang chịu áp lực nặng nề từ hoạt động của con người.
Nguyên nhân lớn nhất đến từ sự phá hủy môi trường sống. Những cánh rừng – nơi trú ngụ của hàng triệu loài sinh vật – đang biến mất với tốc độ đáng báo động. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 10 triệu ha rừng bị mất mỗi năm do khai thác gỗ, chuyển đổi đất rừng thành nông nghiệp hoặc đô thị hóa. Tại Đông Nam Á, đười ươi đang mất dần nơi sinh sống khi các cánh rừng nhiệt đới bị thay thế bởi các đồn điền trồng cọ dầu.
Biến đổi khí hậu cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Sự nóng lên toàn cầu khiến môi trường sống của nhiều loài bị thay đổi đột ngột. Các loài gấu trắng Bắc Cực, chẳng hạn, đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng khi băng ở Bắc Cực – nơi săn mồi chủ yếu của chúng – ngày càng tan chảy. Ở Việt Nam, nước biển dâng cao và xâm nhập mặn đã làm suy giảm môi trường sống của các loài thủy sinh tại đồng bằng sông Cửu Long. Thêm vào đó, nạn săn bắt trái phép để phục vụ nhu cầu thị trường là một vấn đề nan giải. Nhiều loài động vật quý hiếm bị săn bắt một cách tàn nhẫn để lấy ngà voi, sừng tê giác hay vảy tê tê. Ước tính, mỗi năm có hàng chục nghìn cá thể động vật bị giết hại để phục vụ cho thị trường chợ đen. Điều này không chỉ gây tổn thất về mặt sinh thái mà còn làm tổn hại hình ảnh và uy tín quốc gia trong việc bảo vệ thiên nhiên.
Vai trò của con người trong công cuộc bảo tồn
Trước tình hình đáng báo động này, con người đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ động vật hoang dã. Chúng ta không chỉ là nguyên nhân mà còn là giải pháp để cứu lấy đa dạng sinh học và sự cân bằng của hệ sinh thái.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã thông qua các quy phạm pháp luật, Việt Nam đã tham gia nhiều Công ước quốc tế về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên nói chung, bảo vệ động vật hoang dã nói riêng, như: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã, nguy cấp (CITES), Công ước về đa dạng sinh học (CBD).
Ngoài việc tham gia các công ước, Việt Nam còn xây dựng nhiều chiến lược, kế hoạch và chương trình quốc gia nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Chính phủ đã ban hành các văn bản pháp luật quan trọng, tập trung vào hai nhóm quy định chính: quản lý về bảo vệ động vật hoang dã và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ động vật hoang dã.
Để cụ thể hóa nội dung của công ước quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã (CITES), Việt Nam đã ban hành hệ thống quy phạm pháp luật về quản lý bảo vệ động vật hoang dã. Cụ thể, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý đối với các loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP cũng được ban hành nhằm quản lý các thực vật rừng và động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, góp phần triển khai thực hiện Công ước CITES.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, vai trò của cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ cũng đóng góp không nhỏ vào công tác bảo tồn. Các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng, như “Ngày Quốc tế về Đa dạng Sinh học” và các chương trình giáo dục, đã giúp mọi người hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và động vật hoang dã. Nhiều tổ chức phi chính phủ như WWF và WildAid đang tích cực hỗ trợ các dự án bảo tồn tại chỗ và giám sát các hoạt động săn bắt trái phép, từ đó góp phần bảo vệ động vật hoang dã một cách hiệu quả.
Việc bảo vệ động vật hoang dã không chỉ là trách nhiệm của các quốc gia mà còn là nhiệm vụ toàn cầu. Các chiến dịch bảo tồn, như việc tái thả động vật quý hiếm về tự nhiên hay phát triển các khu bảo tồn đa dạng sinh học, đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các chính phủ, tổ chức quốc tế, và cộng đồng địa phương.
Song song đó, các giải pháp công nghệ cũng đang được triển khai để hỗ trợ công tác bảo tồn. Việc ứng dụng thiết bị giám sát từ xa, camera bẫy ảnh và các công nghệ dữ liệu lớn đã giúp theo dõi sát sao sự biến động của các quần thể động vật, kịp thời phát hiện các hoạt động săn bắt trái phép và bảo vệ môi trường sống tự nhiên.
Bên cạnh đó, vai trò của từng cá nhân cũng đóng vai trò quan trọng. Từ việc thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đến việc tham gia các chiến dịch tuyên truyền và quyên góp cho các tổ chức bảo tồn, mỗi hành động nhỏ đều góp phần tạo nên sự khác biệt lớn. Chính ý thức và hành động của con người sẽ quyết định tương lai của các loài động vật hoang dã và sự cân bằng bền vững của hệ sinh thái toàn cầu.
NBCA