Công viên địa chất toàn cầu

Ngoài khu di sản, để tôn vinh và bảo vệ các khu vực có giá trị địa chất đặc biệt quan trọng, nơi ghi dấu các dấu vết địa chất trong quá trình hình thành trái đất, UNESCO cũng công nhận danh hiệu các công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất toàn cầu được định nghĩa là khu vực được bảo vệ chứa một số di sản địa chất có tầm quan trọng đặc biệt, quý hiếm hoặc có giá trị về mặt thẩm mỹ có thể được phát triển như một khái niệm tích hợp cả bảo tồn, giáo dục và phát triển kinh tế xã hội địa phương (UNESCO, 2014).

Đèo Mã Pí Lèng – Tác giả Haithanh

Bảo tồn di sản địa chất nảy sinh từ nhu cầu bảo vệ các giá trị nội tại, giá trị di sản và sinh thái của tài nguyên địa chất. Mặc dù hoạt động bảo tồn di sản địa chất bao gồm bảo tồn cả di sản thiên nhiên (sinh học và địa chất) và di sản văn hóa, nhưng trên thực tế, ba thành phần chính của bảo tồn được phát triển và hoạt động riêng biệt. Các Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới có mức độ được bảo vệ cao nhất và có quy định pháp luật bảo vệ ở nhiều quốc gia. Trong khi đó, sáng kiến công viên địa chất toàn cầu mới được UNESCO công nhận và chủ yếu mới ở mức khuyến khích (Koomo & Patzak, 2008).

Các quy định về Công viên Địa chất Toàn cầu – GEOPARK

Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (Global Geopark Network), được thành lập vào năm 2004, trong đó bắt buộc mọi thành viên phải đạt được danh hiệu Công viên Địa chất thế giới của UNESCO.

Theo tài liệu hướng dẫn và tiêu chí cho các công viên địa chất để tìm kiếm sự hỗ trợ của UNESCO trong việc tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu (UNESCO, 2014), việc thành lập Công viên địa chất cần dựa trên sự hỗ trợ mạnh mẽ của cộng đồng và sự tham gia của chính quyền địa phương, với cam kết xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý đáp ứng nhu cầu kinh tế của người dân địa phương đồng thời bảo vệ cảnh quan. Quá trình tham vấn địa phương rộng rãi phải có sự tham gia của người dân địa phương để tạo sự ủng hộ đối với Công viên địa chất được quy hoạch. Cơ quan quản lý cần có cơ sở hạ tầng quản lý hiệu quả, đủ nhân sự có trình độ và nguồn tài chính bền vững.

Cơ quan có trách nhiệm quản lý Công viên địa chất phải đảm bảo việc bảo vệ di sản địa chất phù hợp với truyền thống địa phương và pháp luật. Việc kinh doanh các vật liệu địa chất chỉ có thể được chấp nhận trong những trường hợp ngoại lệ, nếu được chứng minh một cách rõ ràng, công khai là lựa chọn phù hợp nhất với hoàn cảnh địa phương, và được giám sát. GGN sẽ đánh giá và chấp thuận cho từng trường hợp cụ thể. Vật liệu địa chất thỉ được phép khai thác để phục vụ mục đích khoa học và giáo dục. Để được coi là khách quan trong việc quản lý di sản địa chất, cơ quan quản lý không được tham gia trực tiếp vào việc mua bán các vật liệu địa chất trong Công viên địa chất (bất kể nguồn gốc) và phải tích cực ngăn cản toàn bộ việc buôn bán vật liệu địa chất không bền vững.

Công viên địa chất phải có các hoạt động, công cụ và biện pháp hỗ trợ để nâng cao ý thức về môi trường và các giá trị địa chất cho công chúng. Công viên cũng phải tạo điều kiện thúc đẩy nghiên cứu và hợp tác khoa học. Hoạt động du lịch phải được pháy triển đặc biệt để phù hợp với điều kiện địa phương, đặc điểm tự nhiên và văn hóa khu vực và phải hoàn toàn tôn trọng truyền thống của cộng đồng địa phương. Tình trạng của mỗi Công viên địa chất sẽ được đánh giá định kỳ 4 năm một lần.

Khái niệm công viên địa chất thừa nhận mối quan hệ giữa con người với địa chất và khả năng của các nguồn tài nguyên địa chất để phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội (Zouros, 2017). Khác với một Vườn quốc gia tập trung vào việc bảo tồn thiên nhiên được bảo vệ và quản lý hoàn toàn tách biệt, công viên địa chất hướng đến sự phát triển cân bằng giữa bảo tồn và kinh tế cho người dân địa phương. Một công viên địa chất cần có cách tiếp cận tích hợp toàn diện cả bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa và sử dụng hợp lý các nguồn lực này cho kinh tế xã hội phát triển của cộng đồng địa phương, đặc biệt là thông qua du lịch địa chất (geotourism).

Danh sách 03 công viên địa chất toàn cầu