Vườn di sản ASEAN

Các Vườn di sản ASEAN được định nghĩa là “các khu bảo tồn có tầm quan trọng khu vực trong việc bảo tồn toàn bộ các hệ sinh thái đặc trưng của khu vực ASEAN”. Các khu này được thiết lập nhằm nâng cao nhận thức, niềm tự hào, bảo tồn và thụ hưởng các di sản thiên nhiên phong phú của ASEAN thông qua mạng lưới các khu bảo tồn của khu vực, tạo ra sự hợp tác giữa các nước ASEAN trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên chung.

Vườn Di sản ASEAN Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh) – Ảnh do VQG cung cấp

Chương trình Vườn Di sản ASEAN (ASEAN Heritage Park-AHP) là một trong những sáng kiến của Bộ trưởng Môi trường các nước ASEAN, thực hiện dựa trên Tuyên bố về các Vườn di sản của Bộ trưởng các nước ASEAN từ năm 2003; là danh hiệu về bảo tồn của khu vực, được triển khai thực hiện từ năm 2003 với mục đích bảo tồn toàn diện các hệ sinh thái quan trọng, mang tính độc đáo đặc biệt của khu vực ASEAN. Các Vườn di sản ASEAN (AHP) góp phần quan trọng trong bảo tồn nguồn gen, đảm bảo sử dụng bền vững các hệ sinh thái; duy trì các khu vực tự nhiên có giá trị văn hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học của người dân các nước ASEAN.

Ở khu vực, Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB) là thư ký Chương trình Vườn di sản ASEAN (AHP), có vai trò hỗ trợ các nước thành viên ASEAN thúc đẩy việc thành lập, đề cử và công nhận các AHP.

Các Vườn di sản ASEAN bao gồm các khu bảo tồn/vườn quốc gia trên cạn và biển, sẽ được lựa chọn bởi các tiêu chí sau:

  • i) Tính toàn vẹn (đầy đủ) về sinh thái: Phải thể hiện bởi quá trình sinh thái tự nhiên và có khả năng tự tái sinh/phục hồi dưới các tác động tối thiểu của con người
  • ii) Tính đại diện: AHP phải bao gồm tính đa dạng về các hệ sinh thái hoặc tính đại diện của loài hay là điển hình của khu vực ASEAN.
  • iii) Tính tự nhiên: AHP phải là hoặc phần lớn là trong điều kiện tự nhiên. Có thể là rừng thứ sinh hoặc việc hình thành các rạn san hô được phục hồi bởi quá trình tự nhiên và quá trình này vẫn tiếp tục
  • iv) Tầm quan trọng cho bảo tồn: Khu BTTN lựa chọn là AHP thì phải được công nhận có ý nghĩa khu vực về tầm quan trọng của việc bảo tồn hoặc giá trị các loài, hệ sinh thái hoặc nguồn gen. Nó tạo ra hoặc thúc đẩy nhận thức về tầm quan trọng của tự nhiên, đa dạng sinh học và quá trình sinh thái. Nó phản ánh tính tự nhiên và bị biến mất nếu điều kiện tự nhiên biến mất.
  • v) Tính hợp pháp/pháp lý: AHP của mỗi quốc gia phải được nhận dạng, xác định và chỉ định bởi Luật hoặc bất kỳ một công cụ pháp lý nào được chấp nhận bởi chính quốc gia đó. Biên giới của các khu này phải được xác định và việc sử dụng nó trước hết nên như là một khu bảo tồn.
  • vi) Kế hoạch Quản lý khu bảo tồn (đã được chính quyền địa phương phê duyệt) AHP phải có kế hoạch quản lý đã được phê duyệt bởi chính quyền.
  • vii) Tính xuyên biên giới: Các khu vực này có thể đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng, vật chất và hỗ trợ cho các loài (đặc biệt là các loài di cư) của khu vực. Cả quá trình sinh thái và nguồn tài nguyên thiên nhiên đều góp phần cho việc duy trì các loài hoặc hệ sinh thái và thường vượt xa các biên giới tự nhiên.
  • viii) Tính độc đáo: AHP có thể có những đặc tính đặc biệt mà không thể nhìn thấy ở nơi khác.
  • ix) Khu bảo tồn có ý nghĩa dân tộc học: Khu này có thể nổi bật bởi mối liên hệ hài hòa giữa văn hóa và tính sinh thái của khu vực.
  • x) Có tầm quan trọng về giá trị đa dạng sinh học và tính nguy cấp: Các khu vực này có thể là nơi ở của các loài động, thực vật có tàm quan trọng và nguy cấp.

Thực hiện hiệp ước các quốc gia Đông Nam Á, Việt Nam đã đề cử được cộng nhận 10 Vườn di sản ASEAN (hay còn gọi là khu AHP), đáp ứng mục tiêu của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, Việt Nam có 10 khu AHP. Hiện nay các khu AHP đều là các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay chưa có quy định pháp lý rõ ràng yêu cầu về quản lý, bảo vệ môi trường cụ thể cho các khu AHP nhằm quản lý chặt chẽ hơn các giá trị của khu vực ASEAN.

Danh sách 10 vườn di sản ASEAN