Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học: Giữ mảng xanh cho tương lai

Thiên nhiên Việt Nam rất phong phú và đa dạng, với nhiều cảnh quan, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, có tầm quan trọng quốc gia và toàn cầu. Bên cạnh chính sách khai thác, sử dụng bền vững cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước ta chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua các chính sách được thiết lập cho các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn thiên nhiên, các loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ.

Xác định vai trò, vị trí quan trọng của cơ quan quản lý nhà nước Trung ương về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, trong năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ, sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị trực thuộc Bộ, sự vào cuộc của tập thể Lãnh đạo Cục và sự nỗ lực của toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Cục, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã đạt được những kết quả nhất định.

Năm 2024, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt đã mở ra một giai đoạn mới cho công tác bảo tồn. Theo đó, Việt Nam sẽ mở rộng, nâng cấp và nâng cao hiệu quả quản lý hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên; chuyển tiếp 178 khu bảo tồn hiện có; thành lập mới 61 khu bảo tồn; nâng tổng diện tích hệ thống khu bảo tồn trên phạm vi toàn quốc khoảng 6,6 triệu ha.

Vừa chung tay xây dựng Quy hoạch, các cán bộ của Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tiếp tục việc xây dựng và trình ban hành 01 Nghị định, 03 Đề án, 02 Thông tư.

Đồng thời, đơn vị tích cực phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thông qua các hoạt động như: tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày đất ngập nước thế giới, ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Đề án Năm phục hồi Đa dạng sinh học quốc gia – Quảng Nam 2024; phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thành công Lễ phát động và Hội thảo “Thực hiện khung đa dạng sinh học toàn cầu côn minh – montreal và Chiến lược đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở việt nam”; phối hợp với các cơ quan liên quan của tỉnh Nghệ An tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế về khu dự trữ sinh quyển tại Nghệ An.

Về việc hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Cục đã hướng dẫn địa phương triển khai các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước, quản lý và bảo vệ môi trường các khu dự trữ sinh quyển thế giới theo quy định pháp luật về đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; Hướng dẫn đánh giá tác động đa dạng sinh học trong đánh giá tác động môi trường đối với các dự án phát triển kinh tế, xã hội liên quan…

Về quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên, Cục đã Hướng dẫn các địa phương lập phương án bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch tỉnh; các nội dung liên quan đến quản lý di sản thiên nhiên; thành lập và quản lý khu bảo tồn, hành lang đa dạng sinh học. Đặc biệt là việc phối hợp với UBND các tỉnh Đồng Nai, Nghệ An, Nam Định hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Lãnh đạo Bộ ký trình Thủ tướng Chính phủ xem xét đề cử Khu bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai, Vườn quốc gia Pù Mát, Vườn quốc gia Xuân Thủy là Vườn Di sản ASEAN.

Ngoài ra, đơn vị đã triển khai thực hiện đề án, nhiệm vụ về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại các khu di sản thiên nhiên vùng Đông Nam Bộ (gồm các khu dự trữ sinh quyển, rừng ngập mặn, rừng đặc dụng, vườn quốc gia Cần Giờ, Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò-Xa Mát)…

Nhìn lại công tác năm 2024, có thể thể thấy, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đã cơ bản hoàn thành các văn bản, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ giao. Công tác quản lý nhà nước về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động, hiệu quả thực hiện, nhất là đã kịp thời tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ tích cực cho các địa phương, tổ chức liên quan thực hiện tốt hơn công tác bảo tồn thiên nhiên và da dạng sinh học trên địa bàn.

Bước sang năm 2025, Cục sẽ khẩn trương rà soát, hoàn thiện Kế hoạch, Chương trình công tác năm 2025 của lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học theo hướng cụ thể, chi tiết, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành tốt yêu cầu nhiệm vụ mà thực tiễn đặt ra. Một số nhiệm vụ chính như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, quy trình kỹ thuật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; trong đó trọng tâm là bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các văn bản được giao trong Chương trình công tác của Chính  phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ; rà soát hệ thống quy định pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và các quy định pháp luật khác có liên quan để đề xuất sửa đổi theo hướng thống nhất quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp với điều kiện thực tiễn, bối cảnh trong nước và quốc tế; tổ chức triển khai đánh giá tổng kết thi hành Luật Đa dạng sinh học năm 2008.

Hai là, tập trung kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy để thực hiện chức năng nhiệm vụ của Cục được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ba là, tham mưu tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả: Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Năm 2025, Cục cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện, chấp hành chính sách, pháp luật về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

Tăng cường năng lực điều tra, kiểm kê, quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nghiên cứu, đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Tăng cường, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực; hướng về địa phương, cơ sở.

Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học xác định rõ tư tưởng, phát huy truyền thống đoàn kết, gắn bó của tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động, chung tay gìn giữ mảng xanh cho đất nước, vì một tương lai bền vững hơn./.

NBCA