Cuộc họp Xây dựng văn kiện dự án “Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và giảm tổn thương do biến đổi khí hậu ở Miền Trung Việt Nam vì sự phát triển bền vững thông qua cách tiếp cận cảnh quan”

Sáng ngày 19/11, tại Trụ sở làm việc, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức Cuộc họp Xây dựng văn kiện dự án “Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và giảm tổn thương do biến đổi khí hậu ở Miền Trung Việt Nam vì sự phát triển bền vững thông qua cách tiếp cận cảnh quan”.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến có sự tham dự của các đại diện của các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT; các Sở TN&MT 07 tỉnh, thành phố tham gia dự án cùng đại diện Ban quản lý các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia; Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF); và các chuyên gia trong lĩnh vực BTTN&ĐDSH. TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục BTTN&ĐDSH chủ trì Hội thảo.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục BTTN&ĐDSH phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Bà Trần Thị Kim Tĩnh, Phòng Sinh thái và Cảnh quan thiên nhiên đại diện Cục BTTN&ĐDSH có bài trình bày giới thiệu về bản đề xuất dự án (PIF) đã được Hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) phê duyệt.

Hội thảo cũng nghe bài trình bày của Ông Camillo, Chuyên gia tư vấn, trình bày nội dung dự án – chuẩn bị – tài trợ (PPG) và kế hoạch xây dựng Văn kiện Dự án; trong đó các bước xây dựng PPG: Thu Thập dữ liệu, khảo sát, xây dựng dự thảo và rà soát.

Tiếp nối Hội thảo, Chuyên gia Nguyễn Văn Sản đã có bài trình bày về Kế hoạch tham vấn và khảo sát thực địa tại 07 tỉnh/ thành phố tham gia dự án.

Qua các chuyến công tác thực địa, nhóm tư vấn sẽ kiểm tra lại thông tin, dữ liệu thứ cấp phục vụ quá trình xây dựng văn kiện dự án. Các địa điểm được lựa chọn khảo sát dự kiến là các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn có giá trị đa dạng sinh học cao, đồng bào dân tộc thiểu số và nhóm người dễ bị tổn thương.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Chuyên gia tư vấn đa dạng sinh học và Khu bảo tồn cho rằng cần phải xác định địa bàn càng sớm, càng tốt, cả khu bảo tồn và khu vực ngoài khu bảo tồn (OECM). Theo đó cần sự phối hợp của WWF đối với cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học tại địa bàn; xác định địa bàn trong qua hệ thống GIS. Bên cạnh đó, thông qua số liệu nhiều dự án của WWF đã thực hiện, xác định nhanh chóng các địa bàn có mô hình tốt có thể nhân rộng và sự tham gia địa phương (quỹ bảo vệ và phát triển rừng, BQL khu bảo tồn….); tham vấn địa phương về kế hoạch dử dụng đất, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo vệ môi trường, phân bố ngân sách trong giai đoạn hiện nay.

TS. Lê Hà Thanh, Chuyên gia Kinh tế môi trường cũng đặt ra câu hỏi về cơ chế tài chính cho bảo tồn đa dạng sinh học, mong muốn thông tin đầu vào từ địa phương, bộ ngành; các chương trình dự án đã và đang triển khai ở địa phương. Dự án chi trả dịch vụ môi trường; làm rõ các nội dung về đồng tài trợ, phân bổ tài chính.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hùng Sơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên gia về giới cũng đề xuất việc tham vấn hội phụ nữ, nông dân, , phòng lao động, mô hình sinh kế của người dân; tham vấn người dân, cộng đồng để có cơ sở đánh giá vai trò tham gia của phụ nữ, giải pháp sinh kế trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học,

Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, đại diện Sở TN&MT Quảng Nam rất hoan nghênh Dự án sẽ góp phần nâng cao vai trò của địa phương trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. Theo đó, đối với vốn đối ứng địa phương, Sở đề nghị Nhóm tư vấn hỗ trợ giúp Cục BTTN&ĐDSH tham mưu Bộ TN&MT có văn bản gửi UBND tỉnh, hướng dẫn chi tiết để địa phương thực hiện.

Đại biểu tham gia góp ý tại Hội thảo

Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn đề nghị chuyên gia rà soát kế hoạch, cập nhật kế hoạch đảm bảo tính khả thi về thời gian. Quá trình làm việc giữa Trung ương và địa phương đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ, minh bạch về nội dung làm việc, thành phần làm việc. Song song với đó, đề nghị các cơ quan đầu mối địa phương hỗ trợ, phối hợp với Cục và Nhóm tư vấn trong quá trình xây dựng văn kiện dự án; cũng như sự ủng hộ phối hợp chặt chẽ của các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng dự án./.

NBCA