Lãnh thổ Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, từ phía Bắc xuống phía Nam với chiều dài khoảng 1.650 km trên bán đảo Đông Dương với tổng diện tích tự nhiên trên đất liền là 330.591 km2. Do địa hình bị chia cắt mạnh mẽ, cùng với lượng mưa trung bình năm là tương đối cao nên mạng lưới sông suối khá dầy đặc, mật độ lưới sông từ dưới 0,5 km/km2 đến 2 km/km2. Trên phần lục địa, có 16 lưu vực sông chính, trong đó, 10 lưu vực sông có diện tích hơn 10.000 km2, chiếm 80% diện tích cả nước. Hai hệ thống sông lớn nhất là sông Hồng ở miền Bắc và sông Mê Kông – Cửu Long ở miền Nam gồm hai lưu vực sông lớn là đồng bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Phần lớn diện tích lãnh thổ Việt Nam là địa hình đồi núi với ngọn núi cao nhất trên 3.000 m so với mực nước biển. Vùng biển có bờ biển dài khoảng 3.260 km với hàng nghìn đảo lớn nhỏ ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, có vùng biển đặc quyền kinh tế trên 1 triệu km2 .
Địa hình và khí hậu của Việt Nam đã tạo ra sự đa dạng của các hệ sinh thái tự nhiên, trong đó hệ sinh thái rừng bao gồm: rừng thường xanh đất thấp, rừng bán thường xanh, rừng khộp rụng lá, rừng thảo nguyên, rừng đầm lầy nước ngọt, rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn…Ngoài hệ sinh thái rừng, Việt Nam cũng có nhiều hệ sinh thái khác rất đa dạng như đồng cỏ, các vùng đất ngập nước nội địa, đụn cát, bãi triều, cửa sông, thảm cỏ biển và rạn san hô, vùng biển sâu. Cũng do điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, loài sinh vật của Việt Nam có quy mô nhỏ và rất dễ bị tổn thương.
Việt Nam là nơi sống của gần 16.500 loài thực vật bậc cao, nấm lớn và rêu ở trên cạn, trong đó, số lượng các loài thực vật đặc hữu chiếm một tỷ lệ lớn (khoảng 30%). Điều đó cho thấy tính đa dạng cao của hệ thực vật Việt Nam. Trên cạn có khoảng 10.500 loài động vật, gồm xấp xỉ 8.000 loài côn trùng và động vật không xương sống ở đất, gần 500 loài bò sát – ếch nhái, 850 loài chim và 312 loài thú; ở nước ngọt có khoảng 1.500 loài vi tảo và rong, trên 1.000 loài động vật không xương sống và khoảng 600 loài cá; dưới biển có trên 1.200 loài rong, cỏ và vi tảo, trên 7.000 loài động vật không xương sống, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam, số loài sinh vật đã biết trên đây thấp hơn nhiều so với số loài đang sống trong thiên nhiên, chắc chắn còn nhiều loài sinh vật hoang dã khác chưa được biết tới.
Bên cạnh hệ sinh vật tự nhiên đa dạng, Việt Nam cũng sở hữu một hệ đa dạng sinh học (ĐDSH) nông nghiệp phong phú, thuộc một trong các Trung tâm xuất xứ thực vật được thuần hóa và là nguồn gốc của khoảng 40 giống vật nuôi. Các giống vật nuôi và cây trồng địa phương – đã được phát triển qua hàng trăm năm nay và có các đặc điểm di truyền có giá trị như khả năng chống chịu bệnh tật và côn trùng gây hại. Hơn 6.000 giống lúa và gen đã được ghi nhận tại Việt Nam.
Bên cạnh ưu thế về đa dạng các hệ sinh thái tự nhiên và thành phần loài sinh vật trong tự nhiên, trong hơn 20 năm qua, nhiều loài sinh vật mới đã được phát hiện đã lần nữa khẳng định tầm quan trọng toàn cầu của ĐDSH Việt Nam. Năm 1992, Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), loài động vật trên cạn lớn nhất thế giới mới được phát hiện ở nước ta sau hơn 50 năm kể từ khi phát hiện loài bò xám – Bos sauveli ở Đông Dương (năm 1937). Ba loài hươu mới cũng được phát hiện trong thời gian qua: cheo cheo lưng bạc (Tragulus versicolor), mang lớn (Megamuntiacus vuquangensis) và mang trường sơn (Munticus truongsonensis). Nhiều loài sinh vật mới khác đã được phát hiện và mô tả lần đầu: 3 loài rùa, 15 loài thằn lằn, 4 loài rắn, 31 loài ếch, 55 loài cá, hơn 500 loài động vật không xương sống và hơn 200 loài thực vật có mạch (tập hợp nhiều nguồn dẫn liệu từ Viện Sinh thái tài nguyên sinh vật, Tạp chí Sinh học và các Tạp chí Zoo Taxa, Crustaceana…).
Trong số 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được WWF ghi nhận thì tại Việt Nam đã có 6 vùng: Rừng ẩm trên dãy Trường Sơn; Rừng khô Đông Dương; Vùng hạ lưu sông Mekong; Rừng ẩm á nhiệt đới Bắc Đông Dương; Rừng ẩm Đông Nam Trung Quốc – Hải Nam và Sông, suối Tây Giang (sông Bằng – Kỳ Cùng). Một số lượng đáng kể các khu bảo tồn (KBT) của Việt Nam đã được thế giới hoặc khu vực công nhận có tầm quan trọng quốc tế hoặc khu vực, bao gồm: 9 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới (Khu DTSQ quần đảo Cát Bà, khu DTSQ vùng châu thổ sông Hồng, khu DTSQ miền Tây Nghệ An, khu DTSQVQG Cát Tiên, khu DTSQ Mũi Cà Mau, khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang, khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ, khu DTSQ Mũi Cà Mau, khu DTSQ Cù Lao Chàm, khu DTSQ Langbian); 2 khu Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận (Phong Nha – Kẻ Bàng và khu Bái Tử Long thuộc Vịnh Hạ Long), 8 khu Ramsar (VQG Xuân Thủy; khu Bầu Sấu; VQG Ba Bể; VQG Tràm Chim; VQG Mũi Cà Mau; VQG Côn Đảo, khu Láng Sen, Vườn quốc gia U Minh Thượng) và 5 khu Di sản ASEAN (các VQG Hoàng Liên, Ba Bể, Chư Mom Ray, Kon Ka Kinh, U Minh Thượng) (2015).
Tại Việt Nam, Tổ chức Bảo tồn chim quốc tế (Birdlife International) đã xác định Việt Nam có 63 vùng chim quan trọng, chiếm khoảng 5% tổng diện tích đất liền của cả nước, trong đó 4 tỉnh có nhiều (19 vùng) vùng chim quan trọng nhất là: Đắk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai và Quảng Bình./.
NBCA