Hơn 160 con khỉ đuôi dài, nằm trong Sách Đỏ, sống dọc bưng Trường (Hàm Thuận Nam) đang được Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú bảo vệ nghiêm ngặt.
Hai trong số hơn 160 con khỉ đuôi dài Bưng Trường trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú. Ảnh: Việt Quốc
Đầu tháng 5, dù đang mùa nắng gắt, cây rừng và các vườn thanh long gần khu bưng Trường (xã Hàm Minh) vẫn xanh tươi nhờ nguồn nước nhĩ trong các khe rừng chảy ra. Hàng ngày, các bầy khỉ thường ra bưng này uống nước, rồi đi tìm ăn ở khu rừng nằm cạnh trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú trên đường Thuận Quý – Hàm Minh.
Gần 12h, các cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng của khu bảo tồn đang nghỉ trưa, bỗng có tiếng nhảy sàn sạt trên mái tôn, cây rừng cách bờ tường chừng 5 m lay mạnh bởi những khỉ lớn, nhỏ đi qua, đu nhảy. Trên các nhánh cây đang đong đưa có tiếng kêu rít, khẹt khẹt của những con khỉ đầu có chỏm, đuôi dài, lông xám, nặng chừng 3-5 kg, rượt đuổi nhau.
“Bầy khỉ đang về tìm thức ăn, đây là đàn choai chai mới tách bầy năm ngoái, xíu nữa sẽ còn thêm ba đàn khác về nữa”, thạc sĩ Hồ Thanh Tuyền, Phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú cho biết.
Khỉ đuôi dài tên khoa học: Macaca fascicularis. Con trưởng thành nặng 5-8 kg, thân dài 50-55 cm, lông màu xám hoặc nâu phớt đỏ. Con non nặng khoảng 200-300 gram, lông màu đen. Trên đầu chúng có chỏm mào nhô lên, đuôi dài gần bằng hoặc hơn so với chiều dài cơ thể.
Năm 2020, lúc mới được biệt phái từ Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận đến đây để nghiên cứu lâm sinh, ông Tuyền bất ngờ khi thấy khu rừng còn nhiều khỉ đuôi dài. Lúc đó, đàn khỉ thi thoảng về ăn thanh long do ông Cao Văn Quyết, nhân viên bảo vệ (nay đã nghỉ hưu) mang về để trên bờ tường mỗi dịp cuối tuần.
Là người mê thiên nhiên hoang dã, ông Tuyền quan sát và theo dõi chúng từng ngày. Lúc đầu, ông đếm được trong khu bưng Trường có 3 đàn khỉ với gần 80 con, mỗi đàn 20-30 con, thường xuyên tụ tập tìm thức ăn ở gần trụ sở khu bảo tồn.
“Qua bốn năm, nay quần thể khỉ đuôi dài tại khu này đã tăng số lượng lên gấp đôi, với tổng số hơn 160 con, điều này chứng tỏ bầy khỉ đang phát triển rất tốt”, ông Tuyền nói và thêm rằng số lượng đông, chúng đã tự tách ra đàn mới (đàn thứ tư) với khoảng 40 con trưởng thành.
Đến nay, quần thể này có bốn đàn (mỗi đàn 30-40 con), gồm: khoảng 30 con đực lớn, 36 con đực mới lớn, 36 con cái mới lớn và 30 khỉ mẹ đang nuôi 30 khỉ con. “Bốn đàn khác nhau nhưng chúng thường đi ăn trên một lộ trình, giữ khoảng cách không xa với nhau”, ông Tuyền cho biết.
Bưng Trường rộng khoảng 700 ha, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, được xác định là nơi trú ngụ thường xuyên của bốn đàn khỉ. Bưng có dải đầm lầy, nước nhĩ, trải dài khoảng 4 km qua hai xã Hàm Minh và Hàm Cường. Cỏ, dương xỉ mọc ven bưng, cùng nhiều loài cây gỗ (sến, dầu, bứa, thị, xoài rừng…) sống lâu năm dọc bưng luôn xanh tốt nhờ các lớp thực bì và rễ cây giữ nước dưới thảm rừng.
Đàn khỉ luôn ngủ trên các cây cao 20-30 m, nhất là cây sến, dầu, dừng… ở bưng Trường. Ban đêm chúng nằm lưng chừng, khi có động tĩnh, chúng nhảy lên cao để tránh, nghe ngóng. Ban ngày chúng kéo nhau đi ăn, đến chiều tối lại về chỗ ngủ.
Tại rừng Tà Cú, thức ăn của khỉ đuôi dài gồm: lá, cành non, đọt non của các loài cây rừng (cóc, thành ngạnh, dừng…) và các loại trái như: cò ke, cóc, sổ, bứa, gùi, sây, thị… Ngoài ra, khỉ còn ăn một số loài sâu và nhện rừng không có độc.
Theo ông Tuyền, đàn khỉ khá thân thiện với con người. Mỗi khi về gần khuôn viên trụ sở khu bảo tồn, chúng chưa bao giờ giật đồ hoặc phá phách như một số loài linh trưởng khác. Thậm chí, chúng chỉ đi ăn ven rừng, chứ không vượt qua các khu rẫy gần đó phá hoại mùa màng.
“Từ hồi giờ, chưa thấy người dân phản ánh về chuyện này, dù xung quanh đó có nhiều vườn thanh long có trái”, ông Tuyền nói và cho biết chúng chỉ ăn thanh long, xoài chín do cán bộ, nhân viên khu bảo tồn xin về bỏ dưới gốc cây rừng cho chúng ăn dặm trong mùa khô.
Tuy vậy, anh Đinh Đức Linh, Trưởng phòng Kỹ thuật – Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú, cho hay quần thể khỉ đuôi dài sống ở cánh rừng cách khu dân cư chừng vài km, nên nguy cơ bị săn bắn và các mối nguy hiểm rình rập rất lớn.
Tháng 4, các nhân viên bảo vệ rừng của khu bảo tồn trong quá trình tuần tra đã phát hiện bẫy lồng, lưới do các nhóm thợ săn đặt trong rừng. Mới đây khu bảo tồn phối hợp công an địa phương phát hiện, tịch thu một súng săn của người dân mang vào rừng trái phép. Đơn vị chủ rừng nhận định các mối đe doạ đối với khỉ đuôi dài và các loài động vật quý hiếm trong rừng Tà Cú còn phức tạp trong thời gian tới.
“Hiện, bên cạnh bảo vệ cây rừng, chúng tôi tổ chức lực lượng tuần tra thường xuyên, kể cả ngày lẫn đêm, để kịp thời phát hiện người đi săn, bẫy thú”, ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú nói.
Cách Phan Thiết chừng 30 km, Khu bảo tồn thiên thiên Tà Cú rộng hơn 10.500 ha nằm trên địa bàn các xã: Hàm Cường, Hàm Minh, Thuận Quý, Tân Thành, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam). Rừng có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với khoảng 1.200 loài thực vật và 465 loài động vật, hàng chục loài nằm trong Sách Đỏ.
Ngoài hơn 160 khỉ đuôi dài ở khu bưng Trường, rừng Tà Cú còn có hai bầy khỉ đuôi dài khác sống trên địa hình núi cao 300-600 m so với mực nước biển, hiện chưa có thống kê chính xác số lượng. Trong đó, một đàn thường xuất hiện ở chùa Hố Dầu (bên sườn Đông) và một đàn sống ở khu tượng Phật Nằm (bên sườn Tây, núi Cú).
Một số loài sinh trưởng khác cũng được ghi nhận tại đây như: khỉ đuôi lợn, vọoc chà vá chân đen, vọoc bạc Trường Sơn… phân bố ở địa phận xã Thuận Quý, Tân Thuận và thị trấn Thuận Nam, với khoảng 80 con. Cùng đó, rừng Tà Cú có nhiều loài động vật quý hiếm khác như: diều hoa, công, trĩ, gà lôi, rùa vàng, cầy, cu li… đang được bảo vệ nghiêm ngặt.