Thực phẩm biến đổi gen tại Việt Nam

Ngày 23 tháng 11 năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN hướng dẫn ghi nhãn đối với hàng hoá là thực phẩm biến đổi gen (TPBĐG) bao gói sẵn

 

Các quy định cụ thể của Thông tư liên tịch này bao gồm:
– Áp dụng đối với TPBĐG có ít nhất một thành phần nguyên liệu biến đổi gen lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất.
– Nhãn của TPBĐG bắt buộc phải chứa cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên thành phần nguyên liệu biến đổi gen kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm.
– TPBĐG có nhãn hàng hoá không phù hợp với quy định của Thông tư liên tịch này phải được sửa chữa, bổ sung và không được phép tiếp tục sản xuất, nhập khẩu sau ngày 08/01/2017.
– Trong trường hợp TPBĐG đang lưu thông trên thị trường, chưa tiêu thụ hết thì được tiếp tục lưu thông nhưng không được quá thời hạn sử dụng ghi trên bao bì.
Thông tư liên tịch này không áp dụng đối với:
– TPBĐG bao gói sẵn có thành phần nguyên liệu biến đổi gen nhưng không phát hiện được gen hoặc sản phẩm của gen bị biến đổi trong thực phẩm;
– TPBĐG tươi sống, thực phẩm biến đổi gen chế biến không bao gói và trực tiếp bán cho người tiêu dùng;

– TPBĐG sử dụng trong trường hợp khẩn cấp nhằm khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép cho một số sự kiện ngô và đậu tương biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, do đó việc ban hành Thông tư liên tịch này sẽ giúp người tiêu dùng có thêm lựa chọn tiêu dùng. Thông tư liên tịch 45/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHCN có hiệu lực kể từ ngày 08/01/2016.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học