ĐÁNH GIÁ RỦI RO ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC CỦA CÂY TRỒNG BIẾN ĐỔI GEN MANG CÁC TÍNH TRẠNG MỚI

Ngày 15 tháng 9 năm 2015, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) và Chương trình Hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ (PBS) đã phối hợp tổ chức hội thảo “Đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học của cây trồng biến đổi gen mang các tính trạng mới”.

Tham dự và chủ trì Hội thảo có TS. Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học; TS. John Steffens, Chuyên gia pháp lý Chương trình Hệ thống an toàn sinh học Hoa Kỳ. Đến dự còn có đại diện các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện các Viện nghiên cứu, Trường Đại học, các chuyên gia và các thành viên Hội đồng an toàn sinh học.

Tại Việt Nam, trong năm 2014 và 2015, Bộ Tài nguyên và Môitrường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành thẩm định và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học và Giấy xác nhận thực vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi cho một số sự kiện ngô và đậu tương biến đổi gen. Hiện nay đã có một số sự kiện ngô biến đổi gen được gieo trồng rộng rãi tại Việt Nam.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên thế giới đã thực hiện các nghiên cứu và khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen mang các đặc tính mới như tăng sức đề kháng với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cải thiện năng suất và chất lượng cây trồng… Do đó, Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin cập nhật về các loại cây trồng biến đổi gen, cũng như kinh nghiệm của thế giới trong việc đánh giá rủi ro đối với môi trường và đa dạng sinh học về cây trồng biến đổi gen mang các tính trạng mới.