Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (sau đây gọi tắt là Danh mục phân loại xanh).
Sự cần thiết ban hành Quyết định
Đẩy mạnh xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường là một trong những phương hướng, nhiệm vụ đã được đề ra trong nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo của Trung ương như: Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường và Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chiến lược nhấn mạnh đến nhiệm vụ này như: Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia các thời kỳ; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và các chiến lược của các ngành, lĩnh vực chuyên ngành có liên quan.
Trong khoảng 20 năm gần đây, thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh đã phát triển mạnh trên thế giới với các dự án trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch cùng các dự án có các mục tiêu môi trường nhằm hướng đến mục tiêu “kép” là tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đến nay, tín dụng xanh và trái phiếu xanh trên toàn cầu đã trở thành hai nguồn tài chính xanh lớn nhất, có vai trò quyết định cho đầu tư xanh, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Dự kiến nguồn tài chính này tiếp tục gia tăng mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ 21.
Nhằm hỗ trợ cho việc tiếp cận nguồn lực tài chính cho thúc đẩy sự chuyển dịch nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp và tiến tới phát thải ròng bằng 0, nhiều tổ chức của khu vực, quốc gia đã xây dựng và ban hành các danh mục phân loại xanh bao gồm các loại hình dự án hoặc hoạt động đầu tư kèm theo các tiêu chí về môi trường để giúp các nhà đầu tư trái phiếu, ngân hàng thương mại nhận diện được mức độ đáp ứng yêu cầu, góp phần vận hành thị trường tài chính xanh minh bạch, công bằng và hiệu quả. Thống kê đến nay, có 35 tổ chức quốc tế, khu vực, quốc gia đã ban hành danh mục phân loại xanh. Một số danh mục phân loại xanh tiêu biểu của các tổ chức như: Ủy ban Châu Âu, Tổ chức Sáng kiến Khí hậu (CBI), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Trung Quốc (cập nhật và ban hành ngày 21/4/2021), Hàn Quốc (tháng 4/2021), Mông Cổ (ngày 17/12/2019), Bangladesh, Nam Phi, Nga, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Sri Lanca,…Một số khu vực, quốc gia khác đang xây dựng danh mục phân loại xanh, điển hình như: ASEAN (dự thảo 01 ban hành tháng 11/2021), Kazakhstan (tháng 3/2021), Colombia (tháng 9/2021), Ấn Độ, Philipin, Singapore, Thái Lan, Chile, Mexico, Anh, Donomica, New Zealand, Úc, Canada…
Ở Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên đưa quy định về tín dụng xanh (Điều 149) và trái phiếu xanh (Điều 150). Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định chi tiết về lộ trình, cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh (khoản 2 Điều 154 và các Điều 155, 156, 157). Bên cạnh đó, trong các nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP), trái phiếu do Chính phủ (Nghị định số 95/2018/NĐ-CP) và chính quyền địa phương (Nghị định số 93/2018/NĐ-CP) phát hành đã tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ để hình thành, phát triển và quản lý nhà nước đối với hai kênh tài chính tiềm năng này nhằm huy động nguồn lực từ thị trường cho việc chuyển đổi, phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, các-bon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục vụ các mục tiêu môi trường quốc gia và các cam kết về khí hậu.
Trên thực tế, kể từ năm 2017 đến nay Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã bước đầu thiết lập “Danh mục dự án xanh” và xây dựng tài liệu hướng dẫn để phân loại các hoạt động kinh tế/dự án xanh phục vụ công tác thống kê, báo cáo tín dụng xanh, cũng như làm cơ sở cho các chương trình cấp tín dụng xanh và phát hành thí điểm trái phiếu xanh. Thị trường tín dụng xanh đã có tốc độ phát triển cao hơn hẳn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế; một số trái phiếu xanh do chính quyền địa phương phát hành, trái phiếu xanh do doanh nghiệp phát hành được triển khai thí điểm, đặc biệt phát hành trái phiếu cho các dự án xanh có quy mô lớn như năng lượng tái tạo, điện gió và điện mặt trời. Tuy nhiên, các “Danh mục dự án xanh” và hướng dẫn trên đều chưa được phân loại theo thống kê ngành kinh tế của Việt Nam, chưa được phân loại theo các mục tiêu, lợi ích môi trường và chưa có các tiêu chí rõ ràng để sàng lọc, nhận diện được loại hình dự án nào đáp ứng yêu cầu được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam; chưa có quy định pháp lý về việc xác nhận thế nào là một loại hình dự án đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (ai xác nhận, xác nhận như thế nào, …).
Do những thiếu hụt như trên, dẫn đến hạn chế việc huy động và giải ngân nguồn tài chính tiềm năng này. Do tính chất kỹ thuật và thường xuyên phải cập nhật, thay đổi của Danh mục phân loại xanh và đồng thời việc xác nhận phải đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và cả hệ thống pháp luật của Việt Nam nên Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường giao “Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (sau đây gọi là Danh mục phân loại xanh) trước ngày 31 tháng 12 năm 2022” (tại khoản 2 Điều 154).
Xuất phát từ nhiệm vụ được giao, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam cho thấy việc ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh là cần thiết, phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, đảm bảo đầy đủ cả về cơ sở chính trị, pháp lý.
Nội dung chính của dự thảo Quyết định
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12) và các phụ lục ban hành kèm theo Quyết định bao gồm:
– Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
Phạm vi điều chỉnh nêu trong Quyết định gồm: quy định tiêu chí môi trường đối với dự án để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; việc xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
Đối tượng áp dụng của Quyết định là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
– Điều 2. Giải thích từ ngữ.
Ngoài những thuật ngữ có tính chất kỹ thuật đã được nêu trong các văn bản pháp luật khác, Quyết định giải thích bổ sung 04 thuật ngữ mới gồm: Danh mục phân loại xanh; Tiêu chí sàng lọc; Chỉ tiêu phân loại; và Dự án chuyển đổi xanh được sử dụng trong Quyết định này.
– Điều 3. Tiêu chí môi trường đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.
– Điều 4. Danh mục phân loại xanh.
– Điều 5. Xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
– Điều 6. Tiêu chuẩn đối với tổ chức xác nhận.
– Điều 7. Quy trình đăng ký và công bố tổ chức xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
– Điều 8. Cấp giấy xác nhận và giá dịch vụ xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
– Điều 9. Sử dụng và thu hồi giấy xác nhận dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
– Điều 10. Chế độ lưu trữ hồ sơ và báo cáo.
– Điều 11. Tổ chức thực hiện.
– Điều 12: Điều khoản thi hành.
Theo Chinhphu.vn