Ngày 23 tháng 01 năm 2014, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 233/BNN-KHCN trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng mô hình trĩnh diễn một số giống ngô biến đổi gen.
Kể từ năm 1996 khi cây trồng biến đổi gen bắt đầu được gieo trồng trên quy mô lớn, cho đến nay diện tích loại cây trồng này đã tăng gấp 100 lần với quy mô khoảng 170 triệu ha. Hiện nay cây trồng biến đổi gen đã được gieo trồng ở 28 quốc gia trên thế giới và đang được coi là một trong các giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhiên liệu sinh học.
Tại Việt Nam, trong các năm 2010 và 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phép khảo nghiệm hạn chế và diện rộng các giống ngô biến đổi gen nhằm đánh giá ảnh hưởng đến môi trường và đa dạng sinh học của các giống ngô này. Kết quả khảo nghiệm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Nhằm đánh giá hiệu quả của các giống ngô biến đổi gen trong sản xuất, trên cơ sở đề xuất của các công ty đã đăng ký cấp phép, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến triển khai một số mô hình trình diễn trồng ngô biến đổi gen tại một số vùng trọng điểm tại Việt Nam:
– Mục tiêu: Giới thiệu thành tựu của công nghệ sinh học hiện đại, hình thành mối liên kết, chia sẻ thông tin và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tạo tiền đề ứng dụng giống ngô biến đổi gen trong thời gian sắp tới.
– Thời gian: Quý I, II năm 2014
– Địa điểm: Sơn La, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Tháp.
– Nội dung khảo nghiệm: các giống ngô biến đổi gen đã đăng ký khảo nghiệm tại Việt Nam.
– Quy mô: từ 1,5 – 2 ha/giống/mô hình.
– Nội dung an toàn sinh học: Tuân thủ các yêu cầu an toàn sinh học như đối với giống cây trồng biến đổi gen chưa được cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học