Điều ước quốc tế
Công ước RAMSAR
Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước (RAMSAR) được ký tại thành phố Ramsar, Iran vào năm 1971. Thỏa thuận liên Chính phủ này nhằm cung cấp khung hoạt động cho các Kế hoạch hành động quốc gia, hợp tác quốc tế về bảo tồn, sử dụng khôn khéo đất ngập nước và các nguồn tài nguyên từ đất ngập nước. Công ước có hiệu lực năm 1975 và đến nay đã có 172 quốc gia trở thành thành viên của Công ước.
Mục đích của Công ước RAMSAR được các Bên tham gia thông qua năm 1999 và được điều chỉnh năm 2002 là “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”. Thành viên tham gia Công ước RAMSAR có nghĩa vụ chính như sau:
- Chỉ định ít nhất một vùng đất ngập nước để đưa vào Danh sách các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và duy trì đặc tính sinh thái của vùng đất ngập nước này.
- Sử dụng khôn khéo đất ngập nước: lồng ghép các cân nhắc bảo tồn đất ngập nước vào quá trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia và khuyến khích sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước.
- Khuyến khích và tăng cường công tác bảo tồn các vùng đất ngập nước thông qua việc thành lập các khu dự trữ thiên nhiên trên các vùng đất ngập nước và xây dựng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt đối với khu RAMSAR và các khu dự trữ đất ngập nước có quy mô nhỏ và đặc biệt nhạy cảm.
- Thúc đẩy hợp tác quốc tế về bảo tồn các vùng đất ngập nước, đặc biệt là các vùng đất ngập nước xuyên biên giới, các hệ thống nước cùng chia sẻ, các loài chung và viện trợ phát triển cho dự án đất ngập nước.
- Bồi dưỡng truyền thông về đất ngập nước và ủng hộ các hoạt động của Công ước.