CÔNG ƯỚC CHỐNG SA MẠC HOÁ CỦA LIÊN HỢP QUỐC (CÔNG ƯỚC UNCCD)

Công ước Chống sa mạc hoá của Liên Hợp Quốc được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh về môi trường và phát triển tại Rio de Janeiro, Brazil vào tháng 6 năm 1992. Sau hơn một năm tham khảo ý kiến đóng góp của hơn 100 nước trên thế giới, cuối cùng Công ước đã được hoàn chỉnh vào tháng 6 năm 1994. Công ước được mở cho các nước ký tại Paris vào ngày 14 – 15 tháng 10 năm 1994. Đến năm 2019 có tổng cộng 197 thành viên bao gồm các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế khác. Công ước UNCCD nhằm vào các mục tiêu cụ thể sau:

  • Xây dựng các chương trình quốc gia, tiểu vùng và vùng để phòng chống khô hạn và sa mạc hoá
  • Kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ tài chính cho việc chống sa mạc hoá
  • Trao đổi thông tin, kỹ thuật và đào tạo về chống sa mạc hoá
  • Ngăn chặn hậu quả sa mạc hoá dẫn đến di cư ồ ạt, các loài động thực vật bị tuyệt chủng, khí hậu thay đổi

Các thành viên khi tham gia Công ước có các nghĩa vụ chính bao gồm:

  • Xây dựng một phương pháp đồng bộ nhằm giải quyết các vấn đề về lý học, sinh học, kinh tế xã hội của quá trình sa mạc hoá.
  • Quan tâm đến các nước đang phát triển hiện đang bị ảnh hưởng bởi sa mạc và khô hạn, buôn bán quốc tế, nợ nước ngoài để xây dựng một nền kinh tế bền vững.
  • Kết hợp chiến lược xoá đói giảm nghèo với phòng chống sa mạc hoá.
  • Tăng cường hợp tác giữa các nước bị sa mạc và hạn hán để bảo vệ môi trường, nguồn đất và nước.
  • Tăng cường hợp tác quốc tế, vùng và tiểu vùng.
  • Hợp tác giữa các tổ chức liên chính phủ.
  • Thành lập các tổ chức cần thiết, tránh sự trùng lặp.
  • Tăng cường sử dụng hệ thống tài chính song phương và đa phương hiện có để có thể huy động và hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng bởi sa mạc hoá và hạn hán.

Việt Nam tham gia và ký kết Công ước từ năm 1998 là thành viên thứ 134 của Công ước. Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước UNCCD là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Lâm nghiệp).

Tải văn bản