Ngày 29 tháng 5 năm 2019, Đoàn công tác của Tổng cục môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã làm việc với các sở, ngành chức năng của tỉnh Lạng Sơn về quản lý việc nhập khẩu, buôn bán Tôm hùm nước ngọt, loại sinh vật ngoại lai có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản đã bị cấm tại Việt Nam.
Tham gia Đoàn công tác có đại diện của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuyên gia của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Về phía tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hồ Tiến Thiệu và đại diện các Sở, ban, ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cục Hải quan, Chi cục Kiểm dịch Động vật vùng Lạng Sơn, Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo về tình hình triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, tổ chức giám sát các điểm kinh doanh hàng hoá, các phương tiện vận chuyển, đường mòn biên giới việc buôn bán, lưu thông tôm hùm nước ngọt. Tính đến hết ngày 28 tháng 5 năm 2019, cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn phát hiện và tiêu huỷ 01 vụ vận chuyển gần 50 kg tôm hùm nước ngọt. Các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng nêu những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt trong việc nhận dạng và xác định đúng tên của loài tôm vì hiện nay chưa có sự thống nhất trong tên gọi tôm càng đỏ, tôm hùm đất, tôm hùm nước ngọt và việc xử lý tang vật. Theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm2018, thì cả hai loài này đều nằm trong Danh mục ban hành kèm theo Thông tư. Trên thực tế, loài được phát hiện tại tỉnh Lạng Sơn là loài tôm hùm nước ngọt chứ không phải là tôm càng đỏ. “Rất cần những thông tin chính thức về cách nhận dạng, phân biệt các loài thủy sinh gây hại để các cơ quan chức năng có căn cứ xử lý các vụ việc”- Ông Vũ Tuấn Bình, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn đề nghị.
Trao đổi tại cuộc họp, Đoàn công tác đã cung cấp các thông tin về loài tôm hùm nước ngọt, cách nhận biết, các quy định pháp luật và chế tài liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm. Tiến sỹ Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho hay, việc nhận dạng qua hình ảnh các cơ quan chức năng và báo chí cung cấp thì loài tôm đã được phát hiện trên thị trường và đang được dư luận quan tâm là loài tôm hùm nước ngọt hay tên dân gian còn gọi là tôm hùm đất có tên khoa học là Procambarus clarkii. Còn tôm càng đỏ thuộc một loài khác, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng cho biết đây là loài tôm hùm nước ngọt thuộc Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chí xác định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại. Loài này không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam (Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản). Việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát môi trường đề nghị phối hợp tăng cường kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) này và đã đăng tải các thông tin về nhận dạng, các đặc điểm sinh thái, tác động của loài đối với đa dạng sinh học, các biện pháp kiểm soát trên trang tin điện từ Tổng cục Môi trường theo quy định của pháp luật. Bà Nhàn đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh công bố rộng rãi hình ảnh, tác hại của sinh vật gây hại, danh sách các loài cấm nhập khẩu, buôn bán để người dân chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống loài thủy sinh ngoại lai này. “Việc kiểm soát loài ngoại lai xâm hại là một việc làm thường xuyên, vì vậy, không chỉ riêng tôm hùm nước ngọt mà đối với các loài khác trong danh mục cũng cần nghiêm túc thực hiện”- bà Nhàn nhấn mạnh.
Đoàn công tác đã ghi nhận sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn trong việc kiểm soát loài tôm hùm nước ngọt. Ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục sát sao chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên. Khi phát hiện có phát tán ra mội trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và diệt trừ loài tôm hùm nước ngọt; cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm nước ngọt đối với môi trường và đa dạng sinh học.
Buổi chiều cùng ngày, Đoàn công tác đã làm việc tại 02 cửa khẩu Hữu Nghị và Cốc Nam về quy trình kiểm soát nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam qua 02 cửa khẩu này. Các cơ quan chức năng tại cửa khẩu khẳng định, hiện chưa có việc nhập khẩu Tôm hùm nước ngọt qua 02 cửa khẩu này và các cơ quan chức năng tại 02 cửa khẩu cũng tăng cường triển khai, giám sát nhằm đảm bảo không có việc nhập khẩu trái phép tôm hùm nước ngọt vào Việt Nam.
CEID.GOV.VN