KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN ĐỒNG NAI

1. Thông tin chung

Tên đầy đủ: Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQ) Đồng Nai

Năm công nhận Khu DTSQ: Khu DTSQ Đồng Nai được công nhận năm 2011 trên cơ sở mở rộng và đổi tên từ Khu DTSQ Cát Tiên (công nhận năm 2001).

Địa chỉ của Ban Quản lý: Ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Điện thoại: 0328246042

Website: www.dongnaibr.vn

Tọa độ: 11°28’48’’ N – 107°15’1’’ E

* Diện tích, ranh giới, phân vùng:

Tổng diện tích Khu DTSQ Đồng Nai là 756.000 ha, trong đó:

– Vùng lõi: Bao gồm VQG Cát Tiên và Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai với diện tích 171.759 ha, là phân vùng chủ yếu thực hiện chức năng bảo tồn của khu DTSQ gồm bảo tồn đa dạng di truyền, đa dạng loài, đa dạng hệ sinh thái và cảnh quan thông qua hoạt động của hai vùng lõi là VQG Cát Tiên (71.188 ha) và Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai (diện tích 100.571 ha, trong đó có 32.520 ha hồ Trị An là 1 trong 3 vùng lõi theo hồ sơ nâng cấp và đổi tên Khu DTSQ, hiện nay đã sát nhập vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai);  

Vùng lõi Khu DTSQ nằm trên địa bàn 21 xã và 01 thị trấn thuộc 9 huyện và 3 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, Bình Phước (Bảng 11).

– Vùng đệm: Vùng đệm Khu DTSQ Đồng Nai có diện tích 286.247 ha nằm trên địa bàn 37 xã và 3 thị trấn (bao gồm cả các xã thuộc vùng lõi đã đề cập ở trên) thuộc 14 huyện của 5 tỉnh (Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương).

– Vùng chuyển tiếp: Vùng chuyển tiếp Khu DTSQ Đồng Nai có diện tích 297.994 ha nằm trên địa bàn 56 xã, 3 thị trấn và 2 phường thuộc 14 huyện, 2 thành phố, và 5 tỉnh (Đồng Nai, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Bình Dương.

Tổng hợp theo đơn vị hành chính, Khu DTSQ Đồng Nai nằm trên địa bàn 103 xã, 2 phường, 6 thị trấn, 15 huyện và 2 thành phố thuộc 5 tỉnh.

 

Sơ đồ Khu DTSQ Đồng Nai

 

Logo của Khu DTSQ Đồng Nai

* Về ý nghĩa của logo:

Logo thể hiện nét sinh động của hệ sinh thái và cảnh quan môi trường, mô phỏng hệ động thực vật và sông nước, ao hồ.. Logo lấy hình tượng voi và chim là những loài đặc trưng của Khu Bảo tồn TNVH Đồng Nai, cây xanh đại diện cho rừng đặc hữu thể hiện sự hài hòa giữa động vật và thực vật sống trong Khu Bảo tồn TNVH ĐN. Những đường nét phân định âm dương thể hiện tính bền vững và phát triển của Khu bảo tồn, tạo tầm nhìn gần gũi với công chúng. Những đường nét uốn lượn tạo nên những gợn sóng của sông hồ trong khu vực cũng như thể hiện việc bảo vệ, chăm sóc và bảo tồn cảnh quan thiên nhiên từ bàn tay con người. Vành cung ôm tròn thể hiện tinh thần trách nhiệm của con người trong việc quản lý các hoạt động kinh tế, du lịch, nghiên cứu khoa học và giáo dục trên nền tảng sẵn có của Khu bảo tồn.

 

2. Tổ chức quản lý Khu DTSQ

* Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai:

Ban Quản lý Khu DTSQ Đồng Nai được thành lập theo Quyết định số 169/QĐ-UBND ngày 12 tháng 01 năm 2012 cảu UBND tỉnh Đồng Nai nhằm thực hiện các chức năng của Khu DTSQ Đồng Nai: Bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và giám sát, giáo dục; phát triển kinh tế nâng cao mức sống cộng đồng dân cư trong phạm vi Khu DTSQ Đồng Nai.

* Ban Thư ký:

Ban Thư ký: giúp việc cho Ban quản lý và Hội đồng Tư vấn Khu DTSQ Đồng Nai. Ban Thư ký làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và huy động từ Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo Vườn Quốc gia Cát Tiên và Khu BTTN-VH Đồng Nai.

Sơ đồ tổ chức quản lý Khu DTSQ Đồng Nai

3. Các giá trị đa dạng sinh học nổi bật

3.1. Đa dạng hệ sinh thái

Thảm thực vật ở Đồng Nai đã được biết đến với những đặc trưng của khu hệ thực vật Malai-Indonesia (Thái Văn Trừng, 1998). Ở đây, các loài thuộc họ Dầu (Dipterocarpaceae) thường chiếm ưu thế ở cấp lâm phần và cảnh quan. Chúng phá triển thành các ưu hợp như ưu hợp Sao đen, ưu hợp Dầu song nàng v.v…

Theo các Phương án Quản lý bảo vệ rừng bền vững vừa được thông qua (2021) của VQG Cát Tiên và Khu BTTN – VH Đồng Nai, vận dụng các tiêu chí phân chia thảm thực vật rừng Việt Nam của Thái Văn Trừng bằng các nhân tố: Khu hệ thực vật xâm nhập, tổ thành loài cây ưu thế, cấu trúc quần thể, tác động của con người, địa chất, thổ nhưỡng để xác định thảm thực vật rừng, kết quả Khu DTSQ Đồng Nai có 4 kiểu rừng chính gồm: 

  1. Rừng kín lá rộng thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới;
  2. Rừng kín lá rộng thường xanh nửa rụng lá ẩm nhiệt đới;
  3. Rừng hỗn giao gỗ, tre nứa;
  4. Rừng lồ ô, tre nứa thuần loại.

Ngoài ra, Khu DTSQ Đồng Nai còn có các hệ sinh thái đất ngập nước tại Khu Ramsar Bàu Sấu, vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An và các sông suối.

Hình 3: Sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh (bên trái) và sinh cảnh đất ngập nước Ramsar Bàu Sấu (bên phải) tại Khu DTSQ Đồng Nai

3.2.Đa dạng sinh học

Đa dạng về thực vật

Đến nay, đã ghi nhận ở Khu DTSQ Đồng Nai có 2.376 loài thực vật bậc cao có mạch với nhiều loài nguy cấp, quý hiếm đã được ghi nhận. Trong đó:

– 57 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam

– 140 loài có tên trong Danh lục Đỏ IUCN

– 84 loài đặc hữu và 23 loài bản địa mang tên Đồng Nai, Biên Hòa

– Hơn 1200 loài cây thuốc, đây là nguồn gen có giá trị trong nghiên cứu dược liệu và là cơ sở để xây dựng “Vườn Quốc gia bảo tồn cây thuốc Đông Nam bộ”.

   Hệ thực vật của Khu DTSQ Đồng Nai rất đa dạng với sự hiện diện của 13/18 dạng sống, 05/07 ngành thực vật của hệ thực vật Việt Nam.

 

Hình 4: Cây Tung cổ thụ (bên trái) và Gắm chùm đẹp (bên phải) tại Khu DTSQ Đồng Nai

Đa dạng về động vật

Khu DTSQ Đồng Nai là ngôi nhà chung của 2.824 loài động vật hoang dã, thuộc 289 họ, 57 bộ. Trong đó có 82 loài thuộc Sách đỏ Việt Nam, 69 loài thuộc IUCN.

– Nhóm Thú: 84 loài, thuộc 28 họ, 10 bộ

– Nhóm Chim: 407 loài, thuộc 76 họ của 9 bộ

Nhóm Bò sát: 96 loài, thuộc 18 họ, 3 bộ

Nhóm Lưỡng cư: 45 loài thuộc 5 họ, 1 bộ

Nhóm Cá: 175 loài thuộc 34 họ, 12 bộ

Nhóm Côn trùng: 2017 loài thuộc 128 họ của 12 bộ

(Số liệu cập nhật năm 2018)

Hình 5 : Bò tót (trên, bên trái), Voi Châu Á (trên, bên phải), chim mỏ rộng đỏ (dưới bên trái), gà lôi hông tía (dưới, bên phải), rắn hổ mang chúa (dưới cùng, bên trái) và cá lăng vàng (dưới cùng, bên phải) tại Khu DTSQ Đồng Nai

Đa dạng về cảnh quan thiên nhiên

Khu DTSQ Đồng Nai được thiên nhiên ưu ái ban tặng những cảnh quan đẹp hoang sơ của những cánh rừng bạt ngàn, những vùng đất ngập nước mênh mông, những dòng sông uốn lượn với nhiều ghềnh thác. Đây là tiềm năng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái cho Khu DTSQ Đồng Nai.

Hình 6: Mùa săn mây (bên trái) và mùa hoa thành ngạnh (bên phải) tại Khu DTSQ Đồng Nai

 

 

4. Các giá trị văn hóa nổi bật

Ngoài sự đa dạng về các giá trị sinh học, vùng đất này ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng, là nơi giao thoa văn hóa của trên 30 dân tộc. Đặc biệt, người Chơro, STiêng và người Mạ là những cư dân có mặt sớm trên vùng đất Đồng Nai với nhiều nét văn hóa độc đáo.

            Các nhà khảo cổ học còn phát hiện được nhiều di chỉ có từ hàng ngàn năm nằm trải dọc bên tả ngạn sông Đồng Nai thuộc Khu DTSQ Đồng Nai. Các dấu tích khảo cổ  cho thấy, trong khu vực này đã từng tồn tại một nền văn hóa cổ xưa, điển hình là Khu Thánh địa Cát Tiên với bộ Linga và Yoni có niên đại hàng ngàn năm tuổi.

Nhắc đến Khu DTSQ Đồng Nai, người ta nhớ đến vùng đất Chiến khu Đ oai hùng – là căn cứ địa cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân ta. Ngày nay, Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh đã được tôn tạo và công nhận là di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia, trở thành những lựa chọn hàng đầu trong các hoạt động giáo dục về nguồn. 

Hình  7: Ngẫu tượng Linga – Yoni (trên, bên trái), Di tích trung ương cục miền Nam (trên, bên phải), Nhà Dài của người Chơ-ro (dưới, bên trái), Phụ nữ Mạ nấu cơm lam (dưới, bên phải)

2.5 Một số mô hình phát triển KTXH của Khu DTSQ Đồng Nai

Mô hình gắn nhãn sinh thái KDTSQ Đồng Nai cho sản phẩm cacao Trọng Đức

Giai đoạn 2021-2023, với sự hỗ trợ của đề tài khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu hiện trạng, nhu cầu, đề xuất và áp dụng thử mô hình xây dựng, sử dụng và quản lý nhãn sinh thái cho các sản phẩm, dịch vụ tại Khu DTSQ của Việt Nam”, tại Khu DTSQ Đồng Nai đã thử nghiệm thành công mô hình sử dụng và quản lý nhãn sinh thái (NST) Khu DTSQ Đồng Nai cho sản phẩm bột ca cao nguyên chất đóng hộp  – Dán NST loại 3 (cấp độ cao nhất).

Kết quả, mô hình bước đầu đã đạt được những kết quả như: Thông qua quá trình tập huấn, truyền thông về NST thì cộng đồng đã hiểu về khu DTSQ, lợi ích của việc dán NST; Nâng cao ý thức của cộng đồng địa phương về vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến sản xuất sạch hơn, sản xuất an toàn, giảm thiểu rác thải nhựa,…; Việc dán NST đã nâng cao thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm được dán NST so với sản phẩm cùng loại không được dán nhãn; Dán NST cho sản phẩm còn góp phần quảng bá hình ảnh khu DTSQ đến với NTD trong và ngoài nước thông qua các hình ảnh, thông tin trên NST và bao bì sản phẩm; thay đổi nhận thức, lựa chọn sản phẩm của NTD (ưu tiên lựa chọn sản phẩm được dán NST);…

Dưới đây là một số kết quả chính của mô hình:

  1. a) Lựa chọn sản phẩm và vị trí thí điểm dán NST khu DTSQ Đồng Nai

Sản phẩm ca cao là một sản phẩm tiềm năng có lợi thế phát triển tại địa phương và mở rộng thị trường tại khu DTSQ, cụ thể:

          – Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên: Các địa phương tại khu DTSQ Đồng Nai có điều kiện về khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng (chủ yếu là đất đỏ và đất phù sa), nguồn nước rất thích hợp phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả, đặc biệt là cây ca cao (Theobroma cacao L.).

          – Vị trí và mối liên kết vùng: Các địa phương tại khu DTSQ Đồng Nai nằm ở vùng Đông Nam Bộ. Do đó, khu DTSQ có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ giao thương nối liền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là động lực phát triển kinh tế – xã hội cho cả hai khu vực, tạo khả năng giao lưu kinh tế với các vùng xung quanh và quốc tế.

          – Hương vị đặc trưng của ca cao trồng tại khu DTSQ Đồng Nai

Nhu cầu của ca cao thế giới ngày càng tăng, nên đầu ra cho hạt ca cao Việt Nam là rất thuận lợi.

– Tác dụng của ca cao: Ca cao ngoài việc là nguyên liệu đầu vào sản xuất socola còn có nhiều tác dụng rất tốt về sức khoẻ như giảm các bệnh tim mạch; cung cấp năng lượng và thực phẩm; giảm rủi ro ung thư; cải thiện về tâm lý…

– Phù hợp xây dựng mô hình sinh kế cộng đồng địa phương: Trong phạm vi khu DTSQ Đồng Nai đã hình thành một số vùng trồng ca cao, đặc biệt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cây ca cao (Theobroma cacao L.) được đưa vào trồng ở tỉnh Đồng Nai từ những năm 80. Tuy nhiên mãi cho đến năm 2003, thông qua chương trình “cây ca cao Quốc gia” với việc các doanh nghiệp ở Đồng Nai tham gia vào chương trình đầu tư canh tác bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu, hiệu quả kinh tế ngày càng được khẳng định, đã trở thành loài cây trồng có thế mạnh ở địa bàn Đồng Nai. Việc phát triển cây ca cao góp phần phát triển kinh tế địa phương, giải quyết công ăn việc làm, ổn định sinh kế cho hàng trăm hộ gia đình. Trong đó, điển hình là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai), đây là công ty ca cao đầu tiên của Việt Nam có vùng nguyên liệu tại chỗ (tại các huyện Định Quán, Trảng Bom, Thống Nhất, Tân Phú…) và có nhà máy chế biến sâu.

– Góp phần bảo tồn ĐDSH: Khu DTSQ Đồng Nai có hệ thực vật, động vật phong phú, đặc biệt hệ côn trùng. Cây ca cao (Theobroma cacao L.) cho hoa quả quanh năm, hoa và quả phát triển trên thân, phù hợp với hệ côn trùng, góp phần ổn định hệ côn trùng (loài côn trùng chính góp phần thụ phấn cho cây ca cao là kiến – 20 loài và các loài ruồi giấm), bảo tồn ổn định hệ côn trùng, bảo tồn ĐDSH tại khu vực.

– Việc sử dụng cây ca cao cần có sự tham gia của doanh nghiệp có nghiên cứu phát triển kỹ thuật canh tác ở mức cao.

– Mô hình này có tính ổn định cao.

– Sản phẩm ca cao của công ty có chất lượng cao và được công nhận các chỉ số chất lượng: OCOP, ISO, UTZ và hàng Việt Nam chất lượng cao.

Mô hình Hợp tác xã chăn nuôi Hươu, Nai Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu

Là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), nghề nuôi hươu, nai truyền thống ở xã Hiếu Liêm đã được phát triển từ hơn 30 năm nay, góp phần đáng kể nâng cao đời sống người dân, giữ vững tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao.

Hình 8. Nhiều hộ dân ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) trở thành tỷ phú nhờ nuôi hươu nai

Mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài

Tà Lài trước đây vốn là xã nghèo, khó khăn so với các xã khác của tỉnh Đồng Nai. Nhưng với vị trí là xã vùng đệm áp sát Vườn quốc gia Cát Tiên đã mang lại nhiều ưu thế để phát triển du lịch cộng đồng nhất là khi Vườn quốc gia Cát Tiên đang trở thành địa điểm được du khách ưa thích.

Cuộc sống của người dân ở làng dân tộc Châu Mạ, xã Tà Lài (huyện Tân Phú, Đồng Nai) đang dần được cải thiện khi đây là một trong những điểm kết nối của mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại vùng giáp Vườn quốc gia Nam Cát Tiên – Vùng lõi KDTSQTG Đồng Nai.

Trước đây các hộ gia đình ở đây sống chủ yếu vào ruộng lúa, ngoài ra không còn thu nhập nào khác nên quanh năm suốt tháng chỉ lo đủ cái ăn cái mặc. Từ khi Tà Lài đẩy mạnh các mô hình du lịch cộng đồng do chính đồng bào dân tộc bản địa Châu Mạ thực hiện thì đời sống của họ ngày càng tốt hơn. Nhất là nhiều hoạt động truyền thống được khơi dậy phục vụ du khách như nghề dệt thổ cẩm, các hoạt động nghệ thuật truyền thống.

Hiện nay làng dân tộc Tà Lài còn được biết đến như một khu nghỉ dưỡng độc đáo, với những ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc nguyên bản của nhà dài truyền thống người Châu Mạ bao gồm: Mái nhà được lợp bằng lá kè, sàn nhà bằng gỗ được làm mát bằng quạt, cùng vách và các lan can hoàn toàn được sử dụng bằng tre, nứa… tạo nên sự hòa hợp, đồng điệu với thiên nhiên xung quanh.

Hình 9: Phát triển mô hình du lịch sinh thái cộng đồng Tà Lài