Thông tin hành chính
Quốc gia: Việt Nam.
Tên Khu DTSQ: Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Rừng ngập mặn Cần Giờ.
Năm công nhận: 2000.
Cơ quan hành chính: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.
Địa chỉ liên hệ:
Địa chỉ: số 176, đường Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (028)38.297.614
Website: http://www.sonongnghiep.hochiminhcity.gov.vn
Email: snn@tphcm.gov.vn
Khu DTSQTG Rừng ngập mặn Cần Giờ được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận vào tháng 01/2000 và là Khu DTSQTG đầu tiên của Việt Nam.
Vị trí (vĩ độ và kinh độ):
Toàn bộ Khu DTSQ nằm trong tọa độ:
– Kinh độ đông: 106°46’12’’ – 107°00’59’’ E
– Vĩ độ bắc: 10°22’14’’ – 10°40’09’’ N.
Tổng diện tích (ha): 75.740 ha.
01 vùng lõi: Diện tích vùng lõi 4.721 ha, gồm các tiểu khu 03, 4b, 6, 11 (Khoảnh 01 và khoảnh 02), 12 và 13.
Một hoặc nhiều vùng đệm:
01 vùng đệm: Diện tích vùng đệm 37.339 ha (cộng với diện tích mặt nước 3.800 ha) gồm các tiểu khu 1, 2, 4a, 5, 7, 8, 9, 10, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24 và Khu An Hòa – An Phước.
01 Vùng chuyển tiếp: Diện tích vùng chuyển tiếp 29.310 ha gồm các khu vực còn lại của huyện Cần Giờ và thảm cỏ biển dọc theo ven biển Cần Giờ; cộng với diện tích mặt nước 570 ha.
Logo của Khu DTSQTG RNM Cần Giờ
Trung tâm của logo là chữ viết tắt của huyện Cần Giờ (CG), phân chia thành hai khu vực có hai màu chủ đạo là xanh dương và xanh lá cây. Màu xanh dương biểu thị cho vùng biển. Màu xanh lá cây biểu thị cho vùng sông nước ven biển nơi có hệ sinh thái Rừng ngập mặn phân bố với thành phần chủ yếu là cây Đước đôi. Sự giao thoa của Rừng, sông và biển không những thể hiện rõ nền văn hóa và kinh tế của người dân Cần Giờ mang bản sắc của một vùng sông nước với ngành nghề chính là đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản và “nghề” giữ rừng, bảo vệ rừng của địa phương. Ở đó còn thể hiện sự giao hợp tự nhiên của các hệ sinh thái, tạo sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người Cần Giờ. Qua đó, góp phần hình thành nền kinh tế xanh – mô hình của sự phát triển bền vững.
Các giá trị đa dạng sinh học
* Đa dạng các hệ sinh thái
Rừng ngập mặn Cần Giờ có các quần xã được hợp thành từ thực vật ngập mặn ảnh hưởng bởi chế độ bán nhật triều. Rừng ngập mặn Cần Giờ là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn; hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn của vùng cửa sông ven biển. Rừng ngập mặn Cần Giờ có 02 hệ sinh thái chính:
– Hệ sinh thái rừng hỗn giao lá rộng nhiệt đới ẩm gió mùa.
– Hệ sinh thái rừng ngập mặn với các kiểu quần xã điển hình cho từng thể khảm theo mức độ triều và kết cấu bùn.
Dựa vào địa hình, điều kiện tự nhiên hoặc nhân tạo, có thể chia Rừng ngập mặn Cần Giờ thành 08 kiểu sinh cảnh chính, bao gồm: (1) sinh cảnh rừng trồng, (2) sinh cảnh rừng tự nhiên, (3) sinh cảnh núi đá, (4) sinh cảnh ao nuôi tôm, (5) sinh cảnh ruộng muối, (6) sinh cảnh bãi bồi ven sông, (7) sinh cảnh đầm nuôi thủy sản và (8) sinh cảnh mặt nước tự nhiên (sông, biển). Như vậy, hệ sinh thái đa dạng góp phần tạo sự đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, các di sản văn hóa, địa mạo ở vùng ven biển.
* Ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học cao
Rừng ngập mặn Cần Giờ có hệ động thực vật đa dạng và phong phú. Các nghiên cứu về hệ động thực vật Cần Giờ đã được tiến hành từ rất sớm, sau đó liên tục được bổ sung và cập nhật.
Rừng ngập mặn Cần Giờ là nơi sinh sống của nhiều loài Động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam (2007) và các Nghị định liên quan về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp của Chính phủ. Về thực vật có 02 loài là Cóc đỏ (Lumnitzera littorea) và Chùm lé (Azima sarmentosa); Về động vật có 09 loài bao gồm: Rái cái thường (Lutra lutra), Rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus), Mèo cá (Prionailurus viverrinus), Bồ nông chân xám (Pelecanus philippensis), Cổ rắn (Anhinga melanogaster), Choắt mỏ vàng (Tringa guttifer), Rắn hổ chúa (Ophiophagus hannah), Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis), Cá mang rổ (Toxotes chatareus).
Trong 296 loài thực vật, đã có 108 loài được đánh giá mức độ nguy cấp theo IUCN, trong đó 01 loài ngập mặn thực thụ được xếp ở cấp độ Vulnerable – Sẽ nguy cấp là Gõ nuớc (Intsia bijuga – Leguminosae). Có 3 loài đuợc xếp hạng Near Threatened – Sắp bị de dọa, bao gồm Chà là biển (Phoenix paludosa), Bần ổi (Sonneratia ovata), Sú (Aegiceras floridum).
Bảng Thành phần hệ động thực vật trong Rừng ngập mặn Cần Giờ
STT |
Nhóm hệ thực vật/động vật |
Số lượng loài |
I. Hệ thực vật |
296 |
1 |
Nhóm CNM chủ yếu |
36 |
2 |
Nhóm cây tham gia rừng ngập mặn |
56 |
3 |
Nhóm cây nhập cư |
204 |
II. Hệ động vật |
1.021 |
1 |
Động vật đáy |
397 |
2 |
Cá |
302 |
3 |
Lưỡng cư |
17 |
4 |
Bò sát |
47 |
5 |
Chim |
142 |
6 |
Thú |
27 |
7 |
Côn trùng |
89 |
Tổng số loài |
1.317 |
Sự phục hồi và phát triển tốt của hệ sinh thái Rừng ngập mặn đã tạo cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho các loài sinh vật sinh sôi, phát triển. Tại tiểu khu17 có đàn Khỉ đuôi dài trên 1.000 con, tại tiểu khu 15 đàn Dơi nghệ khoảng 500 con, và sân chim Vàm Sát (Lý Nhơn) có hơn 2.000 cá thể. Heo rừng, mèo rừng, chồn, rái cá, trăn, rắn và nhiều loài thú khác có mặt khắp các gò đất cao trong Rừng ngập mặn Cần Giờ. So với các nước Đông Nam Á, hầu hết các loài thực vật chủ yếu của Rừng ngập mặn đều có mặt ở rừng Cần Giờ, mặc dù số lượng loài, họ thực vật có khác nhau qua một số công trình nghiên cứu của nhiều tác giả, nhưng với hệ sinh thái Rừng ngập mặn ở các địa phương khác của Việt Nam, hoặc so với các nước khác trong khu vực như Indonesia, Thailand, Malaysia, Philippine, Singapore, Campuchia… thì số lượng loài ở Cần Giờ tương đương hay nhiều hơn. Điều này cho thấy, hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ sau hơn 45 năm khôi phục và phát triển không những đạt về diện tích, mà còn phong phú hơn về chủng loài so với thời kỳ trước đây.
Các giá trị văn hóa nổi bật
Khu DTSQ nằm trong địa giới hành chính của huyện Cần Giờ với 07 xã và thị trấn. Đây là ngôi nhà chung của 4 dân tộc Hoa, Chăm, Khơme và Kinh. Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hoá của các nhóm dân tộc thiểu số là nét đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của khu vực miền Đông Nam Bộ. Chính quyền các cấp, ban, ngành và cộng đồng cùng nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể.
Do có sự giao thoa với người Kinh và ảnh hưởng của lối sống hiện đại, một số phong tục tập quán của dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cần Giờ đã thay đổi và mai một, thêm vào đó số lượng người dân tộc thiểu số ít nên hàng năm huyện Cần Giờ tổ chức kỷ niệm ngày Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam chung vào ngày 19/4, không tổ chức lễ hội văn hóa riêng của từng cộng đồng dân tộc thiểu số.
* Các di tích khảo cổ học
Huyện Cần Giờ thời tiền sử có nhiều mối liên hệ mật thiết với văn hóa Đồng Nai, bởi sông Đồng Nai là đường giao thông chính của miền Đông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên. Chính mối quan hệ giao hữu rộng rãi của “Cảng thị” Cần Giờ là một trong những yếu tố kích thích sự phát triển của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử và góp phần quan trọng vào quá trình hình thành nền văn hóa Óc Eo từ những thế kỷ đầu công nguyên.
Các di sản khảo cổ học tại Cần Giờ hiện được phân bố tập trung ở khu vực thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa và xã Lý Nhơn. Với một hệ thống di tích khảo cổ tương đối nhiều (26 di tích) như: Giồng Am (còn gọi là Giồng Sấu), Giồng Cá Trăng, Núi Đất Lớn (còn gọi là rạch Gốc Tre Lớn), Mũi Gành Rái, Gò Ba Động, Giồng Cháy, Giồng Cá Buông, Giồng Đất Đỏ, Giồng Cây Trôm Lớn, Gò Đất (Tắc Ông Thọ), Giồng Phệt, Giồng Cá Vồ, Giồng Thị (còn gọi là Giồng Ao), Giồng Dinh Bà, Giồng Da, Giồng Cây keo, Bến Xa, Giồng Ông Mai, Giồng Lò Than, Giồng Bà Lưới, Giồng Chim, Ba Giồng, Giồng Xưởng, Giồng Chơn, Núi Đất Nhỏ (hay Núi Đất), Khu Bao Đồng; Trong đó, di tích khảo cổ học Giồng Cá Vồ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích khảo cổ học quốc gia vào ngày 13/4/2000.
Di tích khảo cổ học Cần Giờ có giá trị cao không chỉ về nghiên cứu khoa học, mà cả về phát triển dân sinh và du lịch. Phần lớn các di tích khảo cổ học ở huyện Cần Giờ nằm trên các gò cao, trong khu vực RNM và các di tích không bị phá hủy nhanh và nằm trong Khu DTSQ.
Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trực tiếp là UBND thành phố, dự án tu bổ, tôn tạo di tích khảo cổ học quốc gia Giồng Cá Vồ đã được UBND thành phố chấp thuận và tiến hành khởi công dự án trong năm 2019, dự án này sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Khu DTSQ RNM Cần Giờ.
* Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ
Lễ hội Nghinh Ông (hay tục tờ cúng cá Ông hay cá Voi) đã được lưu truyền lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của ngư dân ven biển huyện Cần Giờ. Lễ hội được du nhập vào Cần Giờ trong quá trình giao lưu văn hóa của ngư dân Cần Giờ với ngư dân các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Hà Tiên. Tại huyện Cần Giờ, lễ hội Nghinh Ông được tổ chức hàng năm tại Lăng Ông Thủy Tướng, trên biển và tại một số miếu có thờ Cá Ông. Đây được xem là lễ hội truyền thống có từ lâu đời gắn với cuộc sống và nghề đánh bắt thủy hải sản trên biển của ngư dân Cần Giờ.