Giải pháp phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

Trong những năm trở lại đây, mặc dù công tác cứu hộ, chăm sóc, trưng bày, sinh sản, hoang dã hóa và bảo tồn chuyển chỗ của động vật hoang dã ở Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục để đáp ứng yêu cầu bảo tồn trong thời gian tới.

Trước những vấn đề cấp thiết đó, đòi hỏi phải có kế hoạch phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phù hợp với tình hình thực tế tại nước ta. Phấn đấu làm chủ công nghệ bảo tồn bền vững các loài sinh vật của Việt Nam đáp ứng vấn đề suy thoái, thu nhỏ quần đàn, quần xã do ảnh hưởng của tiến trình phát triển kinh tế xã hội; cải thiện rõ rệt và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng của các cơ sở bảo tồn đáp ứng tốt hơn yêu cầu bảo tồn chuyển chỗ, cứu hộ, hoang dã hóa các loài sinh vật của Việt Nam; đảm bảo cân bằng sinh thái, bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ tuyệt chủng hoàn toàn, mất cân bằng sinh thái, thiên tai sinh học; bảo tồn an toàn và đáp ứng nguồn gen nguồn giống sinh vật.

Hệ thống Cơ sở bảo tồn Việt nam phải đa dạng về cơ cấu các thành phần cũng như phương thức bảo tồn. Ngoài hình thức chuồng nuôi; bể nuôi còn bảo tồn, trưng bày có hệ thống sự da dạng sinh học theo quan điểm công nghệ sinh thái, cần có các hình thức bảo tồn khác như: bảo tồn bán hoang dã; ngân hàng gen, giữa các biện pháp kỹ thuật nhân tạo và môi trường bán tự nhiên.

Về phương thức cứu hộ kiến thức, cũng cần có sự phối hợp giữa phương thức bệnh viện thú y với các biện pháp bảo tồn trong cơ sở; bảo tồn bán hoang dã; công nghệ bảo tồn gen; công nghệ đông lạnh…

Việt Nam có tính Đa dạng sinh học cao, số lượng loài nhiều, nhiều loài động vật thực vật gắn liền với cuộc sống của cộng đồng dân cư, nhiều loài động thực vật bị bắt, vận chuyển, buôn bán, lưu giữ trái phép. Phù hợp với đặc điểm này ngoài những cơ sở bảo tồn mang tính tổng hợp với nội dung rộng, toàn diện, còn có những cơ sở bảo tồn chuyên ngành, thể hiện được chi tiết từng đặc điểm sinh thái đặc thù của 1 nhóm loài động vật, thực vật quan trọng. Hệ thống cơ sở bảo tồn hoàn chỉnh như vậy sẽ bảo đảm được tính hệ thống, giúp bảo tồn được toàn bộ nguồn gen đa dạng sinh học.

Hệ thống cơ sở bảo tồn cần mang tính chất cộng đồng, với sự tham gia xây dựng của cộng đồng và phục vụ rộng rãi nhu cầu về bảo tồn chuyển chỗ. Theo nguyên tắc này, các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ tập trung ở thủ đô hay các đô thị lớn, mà còn cần có cả mạng lưới cơ sở bảo tồn rộng khắp trong cả nước, thuận tiện cho việc cứu hộ theo chuyên ngành. Về nguồn lực xây dựng, theo nguyên tắc này, cũng cần có sự huy động nguồn nhân lực, vật liệu địa phương, bên cạnh nguồn vốn quốc gia, Trung ương đầu tư xây dựng, điều này có tác dụng nâng cao ý thức, sự quan tâm của cộng đồng tới việc xây dựng cơ sở bảo tồn cũng như tham gia hoạt động bảo tồn chuyển chỗ ở địa phương.

Một số giải pháp phát triển hệ thống cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học:

(i) Để đảm bảo thực hiện tốt công tác bảo tồn chuyển chỗ, việc ban hành bổ sung các chính sách hướng dẫn việc thực thi các hoạt động bảo tồn chuyên chỗ là rất cần thiết. Đây là những cơ sở để các cơ quan quản lý cũng như các cơ sở bảo tồn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

(ii) Đề xuất quy hoạch phải được thống nhất giữa các cơ quan liên quan, tạo sự đồng thuận cho việc thực hiện đề xuất quy hoạch trên phạm vi cả nước.

(iii) Trên cơ sở đề xuất quy hoạch ban đầu, cần tiến hành quy hoạch chi tiết các cơ sở bảo tồn để xác định cụ thể khối lượng thực hiện cho các kỳ kế hoạch trong thời gian tới, tính toán cụ thể kế hoạch thực hiện và nguồn vốn đầu tư.

(iv) Cần có sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để thực hiện các kế hoạch phát triển hệ thống bảo tồn chuyển chỗ trên phạm vi toàn quốc.

(v) Cần có chính sách và kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ thực vật cho giai đoạn 5 năm. Nguồn vốn nên tập trung để xây dựng các các cơ sở bảo tồn, không đầu tư dàn trải.

(vi) Thành lập mạng lưới bảo tồn chuyển chỗ quốc gia: để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin, liên kết các hoạt động… nhằm từng bước phát triển hệ thống bảo tồn chuyển chỗ trên các vùng miền trong cả nước.

(vii) Ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo tồn cơ sở bảo tồn chuyển chỗ: Xây dựng các chương trình, dự án ứng dụng KHCN trong xây dựng và phát triển các cơ sở bảo tồn chuyển chỗ./.

NBCA