Giải pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái EbA trong thích ứng biến đổi khí hậu

Giải pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái (Ecosystem-based Adaptation – EbA) là một phương pháp sử dụng đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái để giúp con người thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. EbA đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng và cải thiện sinh kế bền vững.

Theo đó, EbA dựa trên 04 nguyên tắc chính bao gồm: (i) Dựa vào thiên nhiên: Tận dụng các hệ sinh thái tự nhiên như rừng, đầm lầy, rạn san hô để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; (ii) Tăng cường khả năng chống chịu: Hỗ trợ sự thích nghi của con người và thiên nhiên với các điều kiện môi trường biến đổi; (iii) Đảm bảo lợi ích đa chiều: Không chỉ giúp thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn mang lại lợi ích kinh tế, xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học; (iv) Gắn kết với các chính sách và quy hoạch: Cần được tích hợp vào các chiến lược phát triển bền vững và quy hoạch sử dụng đất.

Cũng giống như các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS), một số giải pháp EbA hiệu quả cũng bao gồm bảo vệ, phục hồi rừng và quản lý bền vững tài nguyên nước. Cụ thể, các giải pháp này sẽ giúp xây dựng hệ thống hồ chứa tự nhiên giúp duy trì nguồn nước trong mùa khô và hạn chế lũ lụt vào mùa mưa; cải tạo đầm lầy để tăng cường khả năng hấp thụ và lọc nước, bảo vệ nguồn nước ngầm. Đối với rừng – một lá chắn tự nhiên, giảm nguy cơ sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước và duy trì đa dạng sinh học, việc trồng rừng ngập mặn giúp giảm tác động của nước biển dâng và bảo vệ vùng ven biển khỏi sóng lớn.

Ngoài ra, EbA giúp xây dựng hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững bằng cách áp dụng phương pháp nông nghiệp sinh thái, trồng cây phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương; tăng cường sử dụng cây trồng chịu hạn và hệ thống luân canh để cải thiện độ phì nhiêu của đất. Hay một giải pháp khác để phục hồi hệ sinh thái ven biển, do rạn san hô và thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong việc giảm sóng và xói mòn bờ biển; phục hồi hệ sinh thái ven biển giúp duy trì nghề cá bền vững và bảo vệ sinh kế của cộng đồng địa phương.

Bởi các giải pháp nêu trên, EbA mang lại nhiều lợi ích, trong đó: (i) Giảm thiểu tác động của thiên tai: Hệ sinh thái tự nhiên hoạt động như tấm lá chắn giảm thiểu tác động của bão, lũ lụt và hạn hán; (ii) Tăng cường an ninh lương thực và nguồn nước: Cải thiện khả năng sản xuất nông nghiệp và bảo vệ nguồn tài nguyên nước; (iii) Hỗ trợ đa dạng sinh học: Bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật và giữ cân bằng hệ sinh thái; (iv) Mang lại lợi ích kinh tế: Tạo việc làm từ du lịch sinh thái, nghề cá bền vững và các dịch vụ môi trường khác.

Tuy nhiên, việc áp dụng các giải pháp EbA để đạt được các lợi ích cũng có thách thức. Một số giải pháp được đề xuất:

Một là, thiếu nguồn tài chính và cơ chế hỗ trợ: Cần có chính sách tài chính khuyến khích đầu tư vào EbA; Tích hợp EbA vào các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội để tăng nguồn vốn hỗ trợ.

Hai là, nhận thức và năng lực quản lý còn hạn chế: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về lợi ích của EbA; tập trung đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, cộng đồng địa phương về phương pháp tiếp cận EbA.

Ba là, sự xung đột giữa phát triển kinh tế và bảo tồn: Cần thực hiện các giải pháp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế bền vững; Xây dựng các chính sách ưu đãi đối với các hoạt động phát triển theo hướng thân thiện với hệ sinh thái.

Giải pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái (EbA) là một hướng đi quan trọng giúp con người thích ứng với biến đổi khí hậu một cách bền vững. Bằng cách bảo vệ và tận dụng các hệ sinh thái tự nhiên, EbA không chỉ giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương nhằm đảm bảo tính bền vững và lâu dài của các giải pháp này./.

NBCA