Hành lang pháp lý cho cây trồng biến đổi gien

Gần đây, cây trồng biến đổi gien (CTBÐG) đang là vấn đề được giới khoa học thảo luận, tranh cãi. Khá nhiều nhà khoa học và quản lý ủng hộ đưa CTBÐG vào sản xuất nhưng cũng không ít ý kiến phản biện về mặt trái của nó. Việt Nam đang ở đâu trong lĩnh vực CTBÐG?

Đăng ngày 10-04-2012 trong chuyên mục Tin Việt Nam

Cần có những điều kiện gì để đưa CTBÐG vào sản xuất, kinh doanh. Phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc  phỏng vấn PGS, TS LÊ HUY HÀM, Viện trưởng di truyền nông nghiệp, nội dung như sau:

Phóng viên (PV): So với thế giới, lĩnh vực CTBÐG của Việt Nam đang ở đâu, thưa PGS?

PGS Lê Huy Hàm (PGS LHH): CTBÐG thuộc lĩnh vực công nghệ cao, là sự tổng hợp của nhhiều công nghệ như: sinh học phân tử, công nghệ tế bào, sinh hóa – sinh lý, bảo vệ thực vật… CTBÐG đã được các nước trên thế giới nghiên cứu, triển khai cuối những năm 80, và được thương mại hóa khoảng giữa các năm 90 của thế kỷ trước. Ðến nay đã có gần 30 quốc gia sản xuất CTBÐG, trong đó một số nước thuộc châu Á như Trung Quốc, Ấn Ðộ, Phi-li-pin, Pa-ki-xtan đã thực hiện. Năm 2010, các nước sản xuất CTBÐG đã phát triển diện tích khoảng 148 triệu ha, sản phẩm chủ yếu là ngô, đậu tương, bông, cải dầu… Ở nước ta, từ năm 2007, mới có định hướng nghiên cứu CTBÐG, và mới làm thử nghiệm CTBÐG ở một số cây như bông, ngô, cà chua, đu đủ và một vài loại cây lâm nghiệp khác. Bước đầu chúng ta đã tạo ra được các dòng cây mang gien mới.

PV: Theo PGS, ưu điểm của CTBÐG là ở chỗ nào ?

PGS LHH: Trong công nghệ biến đổi gien, người ta hay sử dụng hai loại gien là kháng sâu và kháng diệt cỏ. Như vậy nó góp phần bảo vệ mùa màng, tăng khả năng chống chịu cho cây trồng trước những bất lợi có nguồn gốc sinh học và phi sinh học (hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật). Ðồng thời bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản. Còn năng suất của CTBÐG có thể có sự khác biệt so với cây trồng truyền thống, tùy từng điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng…

PV: Và đâu là mặt trái, rủi ro của CTBÐG?

PGS LHH: Công nghệ nào cũng có tính hai mặt của nó. Có ý kiến nghi ngại hạt phấn của CTBÐG phát tán lẫn vào các giống cây truyền thống gây ảnh hưởng đa dạng sinh học. Song ở nước ta, một khi đưa CTBÐG vào sản xuất đại trà, thì điều quan trọng là phải có quy hoạch vùng đất riêng cho CTBÐG. Một số ý kiến trong hội thảo (ngày 5 -10 vừa qua) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, CTBÐG có nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe con người. Lo ngại là đúng, nhưng chưa có cơ sở khoa học, bởi đến nay các nước đi tiên phong về CTBÐG cũng chưa có nghiên cứu và công bố kết quả nào về ảnh hưởng của CTBÐG đối với sức khỏe con người và động vật. Các ảnh hưởng tiêu cực của CTBÐG đến sức khỏe, môi trường hay đa dạng sinh học cần được khảo cứu một cách cụ thể, nghiêm túc hơn.

PV: Công nghệ biến đổi gien chỉ là một trong các phương pháp tạo ra giống mới. Liệu nó có tác động như thế nào đến các giống cây trồng truyền thống có năng suất cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở nước ta, thưa PGS?

PGS LHH: CTBÐG được phát triển ở nước ta, theo tôi, càng hỗ trợ cho công tác chọn giống truyền thống ở ta nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thời gian qua, việc khảo nghiệm loại ngô biến đổi gien chưa tiến hành được nhiều và ở quy mô hẹp. Tuy nhiên, qua thực tế làm thử ở một vài nơi như Hương Canh (Vĩnh Phúc) thì giống ngô thường hay bị sâu hại phá nhiều hơn. Cho nên nói CTBÐG ảnh hưởng đến cây trồng truyền thống là thiếu cơ sở khoa học.

PV: Vậy theo PGS, thời điểm nào ta đưa CTBÐG vào sản xuất là phù hợp và cần điều kiện gì ?

PGS LHH: Lợi ích của CTBÐG có nhiều, vì vậy tôi nghĩ ứng dụng CTBÐG vào nước ta càng sớm càng tốt. Chỉ có điều cần có hành lang pháp lý cho CTBÐG. Nghĩa là Nhà nước cần có hệ thống quy chế bảo đảm cho sản xuất đạt hiệu quả, và quản lý an toàn chất lượng các sản phẩm CTBÐG (như thực hiện chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy định an toàn thức ăn cho người, thức ăn phục vụ chăn nuôi, việc quy hoạch cho vùng CTBÐG)… Muốn vậy, cần coi trọng công tác truyền thông – giáo dục về CTBÐG trong cộng đồng để người dân biết cái gì cần làm và điều gì nên tránh.

PV: Xin cảm ơn PGS.

Theo www.nhandan.org.vn