Hệ thống văn bản pháp luật trong nước về quản lý đất ngập nước tại Việt Nam

Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành bao gồm nhiều chính sách, luật và văn bản dưới luật có những quy định liên quan đến quản lý đất ngập nước (ĐNN). Cùng với xu thế phát triển, Nhà nước ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật để quản lý hiệu quả và bền vững ĐNN.

Các chủ trương của Đảng về bảo tồn và phát triển bền vững đất ngập nước

Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (BVMT). Theo đó, đến năm 2020 nâng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) lên trên 3 triệu ha; bảo vệ, phát triển các HST tự nhiên; Phát huy các giá trị dịch vụ hệ sinh thái (HST), cảnh quan; Phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn (RNM), rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn; Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các KBTTN hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các KBTTN mới. Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT: Ngăn chặn có hiệu quả sự suy thoái của các HST, suy giảm các loài (Mục 6): (i) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan theo hướng quản lý thống nhất, tập trung đầu mối về bảo tồn ĐDSH; (ii) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ĐDSH.

Các văn bản quản lý có liên quan đến đất ngập nước

Luật Thủy sản (2017) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Luật Thủy sản quy định 2 hệ thống bảo tồn (bảo tồn biển và bảo tồn nguồn lợi thủy sản). Điều 13 của Luật quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) bao gồm các loài thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống và đường di cư của loài thủy sản. Điều 19 luật quy định về Quản lý NLTS trong các khu bảo tồn ĐNN. Theo đó, quy định Cơ quan lập dự án thành lập khu bảo tồn ĐNN có nguồn lợi thủy sản phải lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ NN&PTNT và sau khi thành lập phải có chế độ quản lý bảo vệ, bảo tồn NLTS.

Luật Lâm nghiệp (2017) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Luật Lâm nghiệp bao gồm 12 Chương, 108 Điều quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng; chế biến và thương mại lâm sản; quyền và nghĩa vụ chủ rừng, định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học – công nghệ và hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm. Bảo tồn ĐDSH rừng đã được lồng ghép trong các điều khoản liên quan đến quản lý rừng và tài nguyên rừng.

Luật Tài nguyên nước (2012) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Quy định về quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra thuộc lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những nội dung liên quan đến mối liên kết giữa đất và nước, tạo ra HST ĐNN, hay việc duy trì đặc tính sinh thái ĐNN thông qua các hoạt động duy trì diễn thế tự nhiên của các HST trên ĐNN chưa được quy định hoặc rất hạn chế và thiếu cụ thể.

Luật Đất đai (2013) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Luật Đất đai quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong phần phân loại đất đai đã đề cập đến một số kiểu loại ĐNN sản xuất (sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (NTTS), làm muối,…) trong các nhóm đất nông nghiệp, phi nông nghiệp và nhóm đất chưa sử dụng, song không có quy định riêng cho ĐNN. Tuy nhiên, văn bản hướng Luật Đất đai đã quy định về khái niệm đất ngập nước và kiểm kê đất ngập nước như Thông tư số 27/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất.

Luật Bảo vệ môi trường (2014, 2020) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Quy định các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH phải được điều tra, đánh giá thực trạng, khả năng tái sinh, giá trị kinh tế để làm căn cứ lập quy hoạch sử dụng hợp lý; xác định giới hạn cho phép khai thác, mức thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, ký quỹ phục hồi môi trường, bồi hoàn ĐDSH, bồi thường thiệt hại về môi trường, các biện pháp khác để bảo vệ TN&MT. Luật cũng đưa ra các quy định về bảo vệ môi trường biển, hải đảo, nước và đất. Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã quy định nội dung về vùng ĐNN quan trọng và dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, Luật BVMT 2020 cũng đã quy định: các yếu tố nhạy cảm về môi trường để phân loại dự án đầu tư có bao gồm các vùng ĐNN quan trọng; thông tin về môi trường có bao gồm thông tin về vùng ĐNN quan trọng; dịch vụ hệ sinh thái ĐNN phục vụ mục đích kinh doanh du lịch, giải trí, nuôi trồng thủy sản là một trong các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên được chi trả”.

Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo (2015) và các văn bản hướng dẫn thực hiện

Quy định về vùng bờ và hành lang bảo vệ bờ biển, song nội dung quản lý cũng mới đề cập đến nguyên tắc chung bảo vệ HST, duy trì giá trị dịch vụ của HST và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển.

Các văn bản quản lý trực tiếp về đất ngập nước

Nghị định 109/2003/NĐ-CP ngày 23/9/2003 về Bảo tồn và Phát triển bền vững các vùng ĐNN

Đây là văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao nhất đề cập trực tiếp đến quản lý ĐNN Việt Nam trước khi Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực. Nghị định gồm 6 chương với 27 điều với nội dung như: Xác định các vùng ĐNN thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Nghị định; Điều tra, lập quy hoạch bảo tồn và PTBV các vùng ĐNN; Bảo tồn ĐNN; PTBV các vùng ĐNN; Phân công, phân cấp quản lý ĐNN, trong đó có điều tra, lập quy hoạch bảo tồn và PTBV các vùng ĐNN; Lập và quản lý các KBT ĐNN.

Nghị định ra đời cách đây 16 năm và đã có những tác động nhất định trong công tác quản lý và bảo tồn ĐNN. Đến nay, Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 66/2019/NĐ-CP về Bảo tồn và Sử dụng bền vững các vùng ĐNN.

Luật Đa dạng sinh học (2008)

Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về ĐDSH có tính hệ thống, tổng thể trên cả nước và đánh dấu mốc về công tác quản lý nhà nước về ĐDSH ở Việt Nam, bao gồm cả quản lý các vùng ĐNN. Về bảo tồn HST tự nhiên, luật có những quy định chung, mang tính nguyên tắc về KBTTN (các kiểu loại, tiêu chí phân loại, trình tự thành lập, thẩm quyền quyết định và phân cấp quản lý,…), nhưng không đề cập trực tiếp đến các tiêu chí lựa chọn vùng ĐNN để thiết lập thành các KBT, hay các cơ chế, chính sách quản lý KBT ĐNN, HST có những đặc trưng độc đáo, khác với các HST trên cạn. Về phát triển bền vững HST tự nhiên, luật đã đề cập trực tiếp đến khái niệm ĐNN tự nhiên và quy định rõ các HST ĐNN tự nhiên phải được kiểm kê và xác lập chế độ PTBV (Điều 35, Luật Đa dạng sinh học).

Trên cơ sở quy định của Luật Đa dạng sinh học (2008) về kiểm kê ĐNN, Bộ TN&MT đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-BNTM ngày 14 tháng 12 năm 2018 quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất. Theo đó, ĐNN được đưa vào là một trong các chỉ tiêu thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ (Điều 10) về mặt diện tích ĐNN và loại đối tượng sử dụng đất có ngập nước thường xuyên hoặc theo mùa.

Nghị định 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học.

Nghị định này làm rõ vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong quản lý các vùng ĐNN; quy định trách nhiệm lập, thẩm định dự án thành lập KBT cấp quốc gia. Trong đó, Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh xây dựng dự án thành lập KBT cấp quốc gia có địa bàn từ 2 tỉnh trở lên (Điều 8). Nghị định cũng quy định trách nhiệm quản lý KBT, theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm quản lý KBT cấp quốc gia vùng ĐNN, núi đá vôi, đất chưa sử dụng và các vùng sinh thái hỗn hợp có diện tích thuộc địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên (Điều 9).

Quyết định 1250/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là đẩy nhanh việc thành lập các KBT biển và ĐNN đã được quy hoạch. Quyết định đề cập đến các HST tự nhiên quan trọng được bảo tồn và PTBV (Điểm a, Khoản 2, Mục I, Điều 1), Bảo tồn các HST tự nhiên (Điểm a và Điểm b, Khoản 2, Mục 1, Phần IIA, Điều 1). Các chương trình đề án ưu tiên của Chiến lược quốc gia về Đa dạng sinh học (tăng cường năng lực quản lý KBT; điều tra, kiểm kê ĐDSH và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH) (Điểm 2.III.B).

Quyết định số 45/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH cả nước đến 2020, tầm nhìn đến 2030

Trong đó các vùng ĐNN quan trọng được xác định và đưa vào quy hoạch thành lập KBT với 47 khu bảo tồn ĐNN được thành lập mới. Mục tiêu cụ thể của Quyết định là xác định và khoanh vùng bảo vệ các HST tự nhiên quan trọng (Điểm b Khoản 2 Điều 1). Nhiệm vụ quy hoạch là đến 2020 chuyển tiếp và thành lập mới 45 KBT ĐNN trên toàn quốc (Mục 2, Điều 1). Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả quy hoạch (Mục 4, Điều 1).

Quyết định 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủphê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến 2020 và tầm nhìn 2030.

Bảo tồn ĐDSH là một trong các quan điểm chỉ đạo của Chiến lược và nhằm đạt mục tiêu “Giảm nhẹ mức độ suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; kiềm chế tốc độ suy giảm ĐDSH”. “Khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH” và nhiệm vụ BVMT, trong đó nhóm nội dung, biện pháp hướng tới mục tiêu bảo vệ các vùng ĐNN tự nhiên, thảm cỏ biển, RSH và các HST tự nhiên đặc thù khác.

Thông tư số 18/2004/TT-BTNMT ngày 23/8/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 109/2003/ NĐ-CP ngày 23/9/2003 của Chính Phủvề Bảo tồn và PTBV các vùng ĐNN.

Trong Thông tư này Bộ TN&MT đã quy định khái niệm về ĐNN, phân loại ĐNN thành ĐNN ven biển và ĐNN nội địa. Thông tư gồm 3 phần chính, hướng dẫn nhiều nội dung liên quan đến quản lý ĐNN, như: Phân loại ĐNN, tiêu chí bảo tồn, hình thức bảo tồn, thành lập và quản lý KBT, trong đó có tổ chức Ban quản lý KBT, quản lý vùng đệm,…

Quyết định số 1093/QĐ-TCMT ngày 22/8/2016 của Tổng cục Môi trường (trước đây) ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại ĐNN.

Đây là văn bản hướng dẫn kỹ thuật chính thức về phân loại ĐNN làm cơ sở thống nhất các kiểu loại ĐNN trên toàn quốc phục vụ cho hoạt động kiểm kê và bảo tồn ĐNN, trong đó ban hành Hệ thống phân loại ĐNN Việt Nam bao gồm 3 nhóm (ĐNN biển và ven biển, ĐNN nội địa và ĐNN nhân tạo) với 26 kiểu ĐNN tại Việt Nam.

Ngoài ra còn các văn bản khác bao gồm: Thông tư 27/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất: đã quy định khái niệm về ĐNN, biểu mẫu kiểm kê đất ngập nước theo pháp luật đất đai; Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019: đã quy định diện tích đất ngập nước là một nội dung của kiểm kê đất đai; Nghị định 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về Bảo tồn và Phát triển bền vững các vùng ĐNN (thay thế cho Nghị định số 109/2003/NĐ-CP); Quyết định số 1932/QĐ-TTg ngày 30/12/2019 của Thủtướng Chính phủphê duyệt Đề án “Kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019”: đã quy định việc kiểm kê ĐNN và ĐNN ven biển; Thông tư số 07/2020/TT-BTN&MT ngày 31/8/2020 của Bộ TN&MT quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng ĐNN (Thông tư này quy định về: phân loại, thống kê, kiểm kê đất ngập nước trên phạm vi toàn quốc; quan trắc các vùng đất ngập nước quan trọng; xây dựng báo cáo về các vùng đất ngập nước; tổ chức hội đồng thẩm định hồ sơ dự án thành lập khu bảo tồn đất ngập nước; tổ chức quản lý khu bảo tồn đất ngập nước, vùng đất ngập nước quan trọng nằm ngoài khu bảo tồn)./.

NBCA