Việt Nam sở hữu một hệ thống di sản thiên nhiên phong phú và đa dạng, được công nhận rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là các khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia và các di sản thiên nhiên thế giới. Những kỳ quan thiên nhiên này không chỉ là niềm tự hào của đất nước mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và duy trì sự đa dạng sinh học (ĐDSH). Theo phân loại di sản thiên nhiên (DSTN) là đối tượng đã được xác lập theo các pháp luật khác, bao gồm cả khu dự trữ sinh quyển và khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Ramsar).
Khu dự trữ sinh quyển
Tính từ năm 2000 đến nay, Việt Nam đã có 09 khu dự trữ sinh quyển (khu DTSQ) được công nhận với tổng diện tích hơn ba triệu ha và được phân bố rộng rãi từ miền núi, đồng bằng đến khu vực biển, ven biển và đảo, bao gồm: khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), khu DTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), khu DTSQ châu thổ sông Hồng (2004), khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), khu DTSQ miền tây Nghệ An (2007), khu DTSQ Mũi Cà Mau (2009), khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An (2009), khu DTSQ Đồng Nai (2011), khu DTSQ Lang Biang (2015). Riêng diện tích vùng lõi (chủ yếu là các vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài sinh cảnh – gọi là khu bảo tồn thiên nhiên) chiếm 11% tổng diện tích của các khu DTSQ (khoảng 450.000ha), nơi đây tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các dịch vụ hệ sinh thái.
Khu DTSQ ở Việt Nam chịu sự quản lý của nhiều cơ quan khác nhau. Trong đó, Ban quản lý khu DTQT được Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh thành lập (đối với khu DTSQ có diện tích trên địa bàn 1 tỉnh) hoặc Ủy ban quốc gia (UBQG) UNESCO Việt Nam thành lập (đối với khu DTSQ có diện tích thuộc trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên) để quản lý trực tiếp khu DTSQ với sự tham gia quản lý của nhiều bên liên quan. Cụ thể: tại vùng lõi (là các khu bảo tồn thiên nhiên) được quản lý trực tiếp bởi các ban quản lý khu bảo tồn và theo ngành dọc của các bộ chuyên ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; vùng đệm và vùng chuyển tiếp chịu sự quản lý của các địa phương, trực tiếp là ủy ban nhân dân cấp huyện.
Hiện trạng các khu Ramsar
Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 12 triệu ha Đất ngập nước phân bố rộng khắp các vùng sinh thái, trong đó nhiều vùng đất ngập nước được xác định có giá trị bảo tồn cao (nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên và nhiều khu đã công nhận là khu Ramsar), cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu cho phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Theo số liệu thống kê, các vùng đất ngập nước đã cung cấp lương thực, thủy sản cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2017. Khoảng 20 triệu người dân Việt Nam có thu nhập chính hoặc thu nhập một phần từ tài nguyên thủy sản và đang khai thác, sử dụng trên 300 loài hải sản và trên 50 loài thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế . Những năm gần đây, giá trị của đất ngập nước được khai thác mạnh cho phát triển ngành du lịch như đảo Cát Bà, Côn Đảo, Phong Nha – Kẻ Bàng, Cần Giờ, Ba Bể, Tràm Chim,… là những điểm thu hút rất nhiều khách trong và ngoài nước. Ở nước ta, đất ngập nước còn có giá trị về văn hóa, xã hội, lịch sử. Chính đất ngập nước là cội nguồn của nền văn minh lúa nước gắn với đời sống văn hóa, tinh thần và nhiều phong tục của người dân Việt Nam.
Hiện nay, nhiều địa phương đang chủ động xúc tiến triển khai các dự án xây dựng hồ sơ thành lập khu bảo tồn, trong đó xác định các tiêu chí và khả năng đáp ứng khu Ramsar để đề cử trong tương lai như: Đồng Rui, Tiên Yên (Quảng Ninh), Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai (Đồng Nai)… Công tác quản lý các khu Ramsar đối mặt với nhiều khó khăn:
Một là, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến xâm ngập mặn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học và sinh kế của người dân.
Hai là, giải quyết hài hòa (cân bằng) mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển kinh tế tại các vùng đất ngập nước trước các áp lực của phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt ở các khu vực đất ngập nước ở vùng ven biển và trên đất liền.
Ba là, hạn chế về tiềm lực tài chính đầu tư cho bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững ở các khu Ramsar./.
NBCA