Công nghệ chỉnh sửa gen (Gene Editing) đã được nghiên cứu và phát triển trong hơn một thập kỷ qua, cho phép các nhà khoa học can thiệp vào bộ gen của cây trồng để tạo ra các tính trạng mong muốn. Công nghệ này đã chứng minh khả năng nâng cao giống cây trồng, mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, cải thiện giá trị thương mại và các đặc tính tiêu dùng. Dựa trên nền tảng công nghệ tế bào, chỉnh sửa gen sử dụng các gen mục tiêu và ADN thông tin để thay đổi các đoạn gen không phù hợp hoặc có hại trong cùng một loài, thay vì sử dụng gen từ loài khác.
Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) công nhận kết quả khảo nghiệm hạn chế và diện rộng đối với các sự kiện ngô biến đổi gen (BĐG), các công ty sở hữu giống ngô BĐG đã lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học (ATSH) gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). Tính đến nay, Bộ TN&MT đã cấp Giấy chứng nhận ATSH cho 05 sự kiện ngô BĐG kháng sâu hại và chống chịu thuốc trừ cỏ, bao gồm: Ngô BĐG kháng sâu bộ cánh vảy MON89034; Ngô BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ GA21; Ngô BĐG chống chịu thuốc trừ cỏ NK603 (Quyết định số 2486/QĐ-BTNMT ngày 03/11/2014); Ngô BĐG kháng sâu đục thân Bt11; Ngô BĐG kháng sâu bộ cánh phấn TC1507.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận ATSH, các giống ngô BĐG đã được gieo trồng thương mại tại nước ta, đánh dấu Việt Nam là quốc gia thứ 29 trên thế giới cho phép trồng cây BĐG phục vụ mục đích thương mại vào năm 2015. Trên cơ sở Giấy chứng nhận ATSH được cấp cho 05 sự kiện BĐG nêu trên, Bộ NN&PTNT (Cục Trồng trọt) đã công nhận đặc cách 16 giống ngô BĐG, bao gồm: NK66Bt, NK66Bt/GT, NK66GT, K4300Bt/GT, NK67Bt/GT, NK7328Bt/GT (Công ty TNHH Syngenta Việt Nam), C919S, C919R, DK9955S, DK9955R, DK6818S, DK6818R, DK6919S, DK6919R, DK8868S (Công ty TNHH Dekalb Việt Nam), C.P.501S (Công ty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam). Giống ngô BĐG đang thụ lý hồ sơ là 07 giống: CP.111S; CP.511S; CP.811S; CP.512S; NK7328Bt/GT; NK67Bt/GT và B.265.
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 188/2005/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và giao cho Bộ NN&PTNT thực hiện “Chương trình trọng điểm về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. Theo đó, mục tiêu của chương trình là phát triển công nghệ sinh học hiện đại, tập trung vào công nghệ gen để đưa một số giống cây trồng mới vào sản xuất. Đây được xem là tiền đề cho việc thực hiện một số dự án nghiên cứu chỉnh sửa gen, bao gồm cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Đến nay, dự án ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen đầu tiên đã được Bộ NN&PTNT Việt Nam cấp kinh phí thực hiện với mục tiêu sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để phát triển giống lúa Bắc thơm 7 kháng bệnh bạc lá và giống lúa OM5451 có mùi thơm. Cùng với đó, đã có 2 nhóm nghiên cứu độc lập của Viện Di truyền Nông nghiệp đã lần đầu tiên sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen như một công cụ để xác định và nghiên cứu đặc điểm của một số gen mới liên quan đến sự hình thành cấu trúc bông lúa và phát triển bộ rễ ở lúa.
Về mặt khoa học, chỉnh sửa gen an toàn hơn biến đổi gen rất nhiều. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý về chúng, trong khi triển vọng đối với công nghệ chỉnh sửa gen rất tiềm năng. Các kết quả đạt được do chỉnh sửa gen mang lại so với biến đổi gen tốt hơn rất nhiều. Sàng lọc di truyền làm rất tốt, do vậy rủi ro cho sức khỏe của người dân cũng được giảm thiểu. Trong khi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Thái Lan đã đưa vào luật, và áp dụng trong sàng lọc di truyền./.
NBCA