Hiện trạng cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen cây Dược liệu và Vật nuôi tại Việt Nam

Từ  năm 1988, Viện Dược Liệu Bộ Y Tế đã được Ủy ban KHKT Nhà nước (Nay là Bộ KH&CN) giao cho nhiệm vụ là đầu mối thực hiện công tác Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc Việt Nam. Công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen cây thuốc đã được nhiều cơ quan trong và ngoài ngành Y tế tham gia thực hiện như: Viện Dược Liệu, Trường Đại học Dược Hà Nội, Viện Sinh Thái và Tài nguyên sinh vật, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp mười, Trại Dược liệu Trà Linh – Quảng Nam, Học viện quân Y, Viện Quân y 103, Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, Trung tâm dược liệu quân khu 9…Năm 1999, Bộ KHCN&MT tách hoạt động bảo tồn nguồn gen cây thuốc Bộ quốc phòng ra khỏi Bộ Y tế thành một hệ thống hoạt động độc lập. . Do đó hình thành hai hệ thống bảo tồn nguồn gen thuộc Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng quản lý. Hệ thống bảo tồn nguồn gen thuộc Bộ Y tế giao cho Viện Dược liệu là cơ quan đầu mối. Năm 2001, Bộ Y tế tách Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp mười ra khỏi hệ thống thành đơn vị hoạt động độc lập. Năm 2002, Trường Đại học Dược không tham gia phần lưu giữ tại vườn của Đề án (do Vườn Trường sửa chữa xây dựng).

Từ năm 2001 đến nay, mặc dù có sự thay đổi về tổ chức nhưng Viện Dược liệu vẫn duy trì mạng lưới bảo tồn ở các vùng sinh thái khác nhau, như: Vùng khí hậu nhiệt đới núi cao: có ở Sa Pa (Lào Cai), Phó Bảng (Đồng Văn, Hà Giang); Vùng trung du phía Bắc: Tam Đảo (Vĩnh phúc); Vùng Đồng bằng sông Hồng: Thanh Trì, Từ Liêm (Hà Nội); Vùng Bắc trung Bộ: Thanh Hóa; Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ: Trà Linh (Quảng Nam); Vùng Đông Nam bộ: thành phố Hồ Chí Minh. Mạng lưới bảo tồn bao gồm các đơn vị trực thuộc Viện Dược liệu quản lý: Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu Dược liệu Bắc Trung Bộ – Thanh Hóa, Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa – Lào Cai, Trạm nghiên cứu trồng cây thuốc Tam Đảo – Vĩnh Phúc, Khoa Tài nguyên dược liệu, Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh; Trạm dược liệu Trà Linh (Quảng Nam), Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật: Phòng Thực vật dân tộc học; Công ty Vimedimex II: Trung tâm nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Đà Lạt – Lâm Đồng

Về cơ sở lưu giữ, bảo quản nguồn gen Vật nuôi, hiện nước ta đã xây dựng được một mạng lưới bảo tồn nguồn gen vật nuôi rộng lớn từ Trung ương đến các địa phương. Mạng lưới bảo tồn NGVN gồm 48 đơn vị, trong đó 15 đơn vị là Bộ môn, trung tâm NC và Phòng nghiên cứu di truyền phân tử và 33 đơn vị khác ở ngoài Viện.

Tham gia mạng lưới là các trường Đại học, Viện nghiên cứu, hiệp hội, các nông hộ và chủ trang trại, gia trại nơi có nguồn gen vật nuôi. Trong đó 38 đơn vị bảo tồn Insitu và bản chất là con vật sống. Đây là biện pháp thông dụng trên thế giới và được Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ Nông nghiệp phê duyệt hàng năm. Chỉ có 2 đơn vị: Phòng Thí nghiệm trọng điểm bảo tồn AND và tế bào, Trung tâm NG Đại Gia súc Lớn giữ tinh.  Số liệu  chi tiết được trình bày tại Bảng 13.

Song song với việc hình thành, xây dựng và phát triển mạng lưới thì hệ thống cơ sở vật chất, chuồng trại đã được nâng cấp cải tạo, đặc biệt là các cơ sở nghiên cứu thuộc Viện Chăn nuôi để lưu giữ nguồn gen vật nuôi một cách ổn định với quy mô hợp lý trên các địa bàn khác nhau trong cả nước. Bên cạnh đó, Viện Chăn nuôi cũng được Nhà nước đầu tư xây dựng 01 phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ tế bào động vật với hệ thống trang thiết bị, máy móc hiện đại để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá di truyền phân tư, lưu giữ các nguyên liệu di truyền của nguồn gen vật nuôi. Những cơ sở vật chất này đã giúp cho công tác bảo tồn và lưu giữ nguồn gen được tốt hơn và từng bước khai thác phát triển hợp lý giá trị kinh tế các đối tượng nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam.

Qua đánh giá có thê thấy, các nhiệm vụ bảo tồn, lưu giữ nguồn gen nông lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được một số kết quả chính sau đây:

Một là, đã hình thành được một hệ thống mạng lưới các cơ quan tham gia bảo tồn và quản lý nguồn gen trên toàn quốc về thực vật nông nghiêp, vật nuôi; cây rừng; thủy sản; vi sinh vật nông nghiệp.

Hai là, bảo tồn và phát triển một số nguồn gen quý hiếm đang có nguy cơ bị mất; khôi phục và bảo vệ một số nguồn gen được xác định ưu tiên, các nguồn gen đang bị giảm về số lượng trong sản xuất, đặc biệt một số nguồn gen quý hiếm của một số giống bản địa./.

NBCA