Hiện trạng cơ sở lưu trữ nguồn gen cây Nông nghiệp tại Việt Nam

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới. Công tác bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH luôn được Đảng và Nhà nước coi trọng, là một trong những giải pháp để phát triển bền vững đất nước. Việt Nam có khoảng 1.400 loài thực vật bậc cao; bò sát có 296 loài, thú 322 loài, 887 loài chim; 357 loài bò sát, 176 loài ếch nhái, hàng vạn loài côn trùng và các loài động vật không xương sống khác, vi tảo ở vùng nước ngọt được xác định là 1.438 loài chiếm 9,6% so với thế giới (số loài có trên thế giới là 15.000); 21.393 các chủng vi sinh vật đã được bảo tồn…và đứng thứ 16 thế giới về đa dạng sinh học. Nếu chúng ta tổ chức tốt công tác bảo tồn các loài sinh vật đặc hữu này để khai thác phục vụ nghiên cứu khoa học, sản xuất, đời sống…thì sẽ tạo nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Có hai hình thức bảo tồn nguồn gen là bảo tồn ex-situ và bảo tồn in-situ. Bảo tồn ex-situ, còn gọi là bảo tồn ngoại vi hoặc bảo tồn chuyển chỗ, là cách bảo tồn nguồn gen bên ngoài nơi phát sinh và sinh trưởng, phát triển tự nhiên của nguồn gen. Bảo tồn in-situ, còn gọi là bảo tồn nội vi hoặc bảo tồn tại chỗ, ngược lại, là bảo tồn nguồn gen ngay tại nơi bản thân nguồn gen phát sinh, sinh trưởng và phát triển.

Lưu giữ, bảo quản nguồn gen tại Trung tâm Tài nguyên thực vật

Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia (NHGCTQG) và Hệ thống bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật do Trung tâm Tài nguyên thực vật quản lý và điều phối. Trụ sở NHGCTQG, trong đó có các trang thiết bị điện lạnh các loại kho dài hạn, trung hạn và buồng làm khô hạt giống của Ngân hàng gen hạt giống. Tòa nhà ngân hàng gen có khu Ngân hàng gen hạt giống, khu Ngân hàng gen in-vitro và khu bảo quản siêu lạnh. Ngân hàng gen hạt giống có thể bảo tồn ex-situ 100.000 nguồn gen, trình độ tương đương với các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan.

Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia còn bao gồm 03 hợp phần:

Ngân hàng gen đồng ruộng được hình thành năm 1992 với việc bảo quản một số giống Khoai từ – vạc. Hợp phần này hiện nay có các hình thức lưu giữ nguồn gen cây sinh sản vô tính trên đồng ruộng, trong nhà lưới và trên chậu vại;

Ngân hàng gen in-vỉtro, được tạo lập năm 2002, mở đầu bằng việc lưu giữ một số giống Khoai môn không thể bảo quản trên Ngân hàng gen đồng ruộng. Do nguồn gen trong lưu giữ in-vitro có tần suất đột biến cao hơn bình thường nên ta chỉ giới hạn loại hình này để bảo tồn những nguồn gen cây sinh sản vô tính gặp rủi ro khi lưu giữ trên Ngân hàng gen đồng ruộng;

Bảo quản siêu lạnh: sẽ được triển khai để lưu giữ vật liệu di truyền, nguồn gen cây lưu niên khó bảo tồn tại Ngân hàng gen đồng ruộng.

Hiện tại, tổng số 33031 mẫu giống của 200 loài cây trồng đang được lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên thực vật với hình thức lưu giữ ở 4 ngân hàng gen chính: Ngân hàng gen hạt lưu giữ 28626 mẫu giống, Ngân hàng gen đồng ruộng lưu giữ 3649 mẫu giống, Ngân hàng gen in vitro lưu giữ 657 mẫu giống và Ngân hàng ADN bảo quản 99 mẫu giống (Bảng 1).  Các mẫu giống đang lưu giữ được chăm sóc, kiểm tra, đánh giá sức khỏe hạt giống, sức sinh trưởng phát triển định kỳ hàng năm và đều đáp ứng yêu cầu sức khỏe giống theo tiêu chí lưu giữ.

Lưu giữ nguồn gen tại các cơ quan mạng lưới

Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện chức năng chủ trì Nhiệm vụ Bảo tồn quỹ gen cây trồng trong đó có việc điều phối hoạt động của Hệ thống bảo tồn nguồn gen cây trồng Quốc gia (HTBTNGCTQG). Cùng với từng bước trưởng thành của Trung tâm Tài nguyên thực vật, HTBTNGCTQG không ngừng được củng cố. Trải qua quá trình hình thành và hoàn thiện trong hơn 25 năm qua, HTBTNGCTQG có nhiều lần tu chính về nội dung công việc và thành phần các cơ quan màng lưới trong Hệ thống. Hiện nay HTBTNGCTQG có 15 đơn vị, trong đó Trung tâm Tài nguyên thực vật, đơn vị quản lý Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia là cơ quan điều phối và 14 đơn vị bảo tồn các tập đoàn nguồn gen cơ bản trong cả nước là các cơ quan mạng lưới của Hệ thống.

Tại các cơ quan mạng lưới thuộc hệ thống bảo tồn nguồn gen thực vật nông nghiệp Quốc gia hiện đang lưu giữ 2649 mẫu giống của các nguồn gen cây trồng (Bảng 2). Các nguồn gen được lưu giữ bao gồm: cây ăn quả (bưởi, cam, quýt, xoài, mận, đào, thanh long, nho.v.v.), cây công nghiệp (tiêu, điều, ca cao, cà phê, chè v.v), cây che phủ, cây cải tạo đất, cây hoa.v.v.

NBCA