Hiệu quả từ xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Ngãi

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ngãi đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Trong đó, hoạt động xã hội hóa nguồn lực cho công tác này đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, góp phần bảo vệ rừng, đa dạng sinh học, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Khu vực phía Tây huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) được đánh giá là hành lang quan trọng để bảo tồn loài Chà vá chân xám và các giá trị đa dạng sinh học quan trọng.

Qua 2 đợt điều tra, khảo sát thực địa vào năm 2022 tại 8 tiểu khu thuộc rừng phòng hộ các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế, Tổ chức Fauna & Flora International – Chương trình Việt Nam (Tổ chức FFI) đã ghi nhận trực tiếp 10 đàn voọc chà vá chân xám, với 104 cá thể. Đây là quần thể voọc chà vá chân xám lớn thứ 3 tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

rung5.png
Theo ghi nhận, mức độ quý hiếm của các loài động vật tại các khu vực của tỉnh Quảng Ngãi được xác định là cao hơn so với nhiều vùng trong nước.

Bên cạnh đó, các khu vực này còn có giá trị đa dạng sinh học cao, với khoảng 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại. Trong đó, có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về khoa học, kinh tế và 28 loài được ghi vào Danh mục sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.

Trước thực trạng trên, Tổ chức FFI đã tài trợ 2,4 tỷ đồng theo hình thức viện trợ không hoàn lại để thực hiện dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023- 2025 tại các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (Ba Tơ) và các vùng lân cận tỉnh Quảng Ngãi. Dự án nhằm nâng cao năng lực quản lý cho các Ban Quản lý rừng và bảo đảm tuân thủ các chính sách an toàn xã hội, thực hiện 37 lượt tuần tra với 806,37km, gỡ bỏ 17 bẫy thú, dỡ 24 lán trại của một số đối tượng săn bắt thú rừng.

Dự án cũng huy động sự vào cuộc và tham gia đồng thuận cao cho quá trình chuyển đổi diện tích rừng và thành lập khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ; đồng thời, triển khai thí điểm mô hình tín dụng tiết kiệm không lãi suất cho phụ nữ thôn Làng Vờ, xã Ba Nam (các đối tượng vay vốn là hộ tham gia bảo vệ rừng, hộ bị giảm thu nhập từ rừng và hộ phụ nữ đơn thân) từ nguồn vốn Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã với tổng vốn hỗ trợ 150 triệu đồng.

Theo Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương, việc Tổ chức FFI triển khai thực hiện nhóm hoạt động liên quan dự án “Bảo tồn đa dạng sinh học tại tỉnh Quảng Ngãi” trên địa bàn huyện Ba Tơ có ý nghĩa thiết thực, phù hợp chủ trương xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học và được sự đồng thuận của chính quyền địa phương, nhân dân vùng dự án.

vooc-cha-va-1-.jpg
Địa phương đã ghi nhận tại rừng phòng hộ huyện Ba Tơ có khoảng 10 đàn voọc chà vá chân xám.

Dự án bước đầu mang lại hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học như: nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của người dân; nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho chủ rừng, lực lượng kiểm lâm. Từ đó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng. Đồng thời, là cơ sở hướng đến thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ.

Liên quan đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học, mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Bảo tồn loài chà vá chân xám tại tỉnh Quảng Ngãi” do Tổ chức Synchronicity Earth, Vương quốc Anh tài trợ thông qua Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; thực hiện trên địa bàn 4 huyện miền núi gồm: Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà và Sơn Tây; thời gian thực hiện từ 5/2024 đến tháng 12/2026.

Mục tiêu của dự án là thông qua điều tra, khảo sát sự phân bố của loài chà vá chân xám tại các địa phương, tiến hành tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng về công tác bảo tồn để xây dựng kế hoạch bảo vệ bền vững loài chà vá chân xám trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, góp phần phục hồi và phát triển những quần thể trọng điểm của loài ở Việt Nam.

Theo baotainguyenmoitruong