Hội nghị Khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc năm 2013

Ngày 27 tháng 9 năm 2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Chương trình “Nghiên cứu phát triển và Ứng dụng Công nghệ sinh học”, mã số KC04/11-15 (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ sinh học toàn quốc năm 2013.

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Lãnh đạo các Vụ Khoa học Công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật, Vụ Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Văn phòng các chương trình trọng điểm cấp Nhà nước thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và đại diện các Bộ ban ngành khác.

Hội nghị cũng được đón tiếp các đại biểu, nhà nghiên cứu đến từ 50 trường đại học, trên 32 viện nghiên cứu, 03 công ty, 14 trung tâm và các đơn vị khác.

Sau phần phát biểu khai mạc, các đại biểu đã được nghe 03 báo cáo về các thành tựu mới nhất của Công nghệ sinh học:
– Những tiến bộ trong kỹ thuật tái biệt hóa tế bào: ứng dụng trong nông nghiệp, y học và dược phẩm – PGS. TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Quốc tế Tp. HCM;
– Metagenomics: Công cụ hữu hiệu để khai thác nguồn gen – GS. TS. Trương Nam Hải, Viện Công nghệ sinh học;
– Pegintereferon – Interferon tái tổ hợp gắn kết PEG: Từ ý tưởng đến liệu pháp điều trị viêm gan mạn tính – TS. Đỗ Minh Sỹ, Công ty TNHH Công nghệ sinh học dược Nanogen.

Sau phần trình bày 03 báo cáo, Hội nghị được chia thành 6 tiểu ban theo các chủ đề:
– Công nghệ gen,
– Công nghệ hóa sinh và enzym,
– Công nghệ sinh học y- dược,
– Công nghệ sinh học vi sinh,
– Công nghệ sinh học thực vật,
– Công nghệ sinh học động vật.

Các báo cáo tại các tiểu ban đã nêu bật được những ứng dụng của công nghệ sinh học trong đời sống xã hội như ứng dụng sinh học phân tử trong chọn giống cây trồng, vật nuôi, trong giải mã hệ gen (genome) lúa, trong xác định ADN để tìm hài cốt liệt sĩ, xác định các thể người phục vụ an ninh; trong nhân nhanh giống cây trồng bằng công nghệ invitro, trong cấy truyền phôi gia súc, trong chẩn đoán các bệnh lạ như vàng lùn, lùn xoán lá, bệnh lùn lụi lúa, bệnh cúm A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9…, trong ứng dụng công nghệ tế bào gốc để điều trị một số bệnh “nan y”, chế tạo nhiều loại chế phẩm, sinh phẩm có hoạt lực tốt phục vụ cho ngành nông nghiệp, y tế, môi trường.

Tuy đạt được những thành công bước đầu, nhưng hiện nay trình độ công nghệ sinh học của Việt Nam vẫn còn ở trình độ chưa cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Hiện nay, đầu tư cho công nghệ sinh học của Việt Nam tuy đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, điều kiện làm việc cũng như chế độ tiền lương cho các nhà khoa học còn hạn chế. Tuy nhiên, với các khó khăn như vậy song các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã chủ động, sáng tạo để nâng cao năng lực chuyên môn và đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển kinh tế-xã hội, với nhiều kết quả được đánh giá cao không chỉ trong nước mà còn cả ở tầm quốc tế.

Hội nghị đã được tổ chức thành công, đã có 422 báo cáo của các nhà khoa học khắp cả nước được chọn và được đăng trên tuyển tập báo cáo khoa học của Hội nghị. Ban tổ chức Hội nghị đã lựa chọn được 06 báo cáo hội trường và 06 báo cáo treo ấn tượng ấn tượng nhất.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học

Cục Bảo tồn đa dạng sinh học