Hội nghị Thông báo kết quả khảo nghiệm các giống ngô biến đổi gen

Sáng 5/4/2012, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Thông báo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen. Hội nghị được diến ra dưới sự chủ trì của Ông Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

Sáng 5/4/2012, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Thông báo kết quả khảo nghiệm ngô biến đổi gen. Hội nghị được diến ra dưới sự chủ trì của Ông Bùi Bá Bổng – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tham dự Hội nghị có Nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam Nguyễn Thị Bình; các bộ ban ngành Trung ương và địa phương; đại diện sở NN & PTNT các tỉnh thành, các nhà khoa học…
Tại Hội nghị, đại diện các cơ sở khảo nghiệm đã báo cáo kết quả khảo nghiệm các ngô biến đổi gen kháng sâu và chống chịu thuốc diệt cỏ, bao gồm các event: TC1507 (công ty TNHH Pioneer Hi-bred Việt Nam); Bt11 và GA21 (công ty TNHH Syngenta Việt Nam); MON 89034 và NK603 (công ty TNHH Dekalb Việt Nam). Nội dung khảo nghiện diện rộng bao gồm: Đánh giá nguy cơ trở thành cỏ dại, dịch hại của ngô chuyển gen; nguy cơ ảnh hưởng bất lợi đến sinh vật không chủ đích thông qua côn trùng thuộc nhóm sâu hại và nhóm bắt mồi ăn thịt, côn trùng thuộc nhóm ký sinh, động vật chân khớp nhỏ trong đất… Địa điểm khảo nghiệm được thực hiện trên diện rộng ở các vùng trồng ngô chính ở Việt Nam như: Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai. Các báo cáo này đều chỉ ra rằng việc khảo nghiệm đã được thực hiện đảm bảo kỹ thuật, an toàn và theo đúng những quy định của các văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định 69/2010/NĐ-CP và Thông tư 69/2009/TT-BNNPTNT.

Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) về Triển vọng thương mại toàn cầu của cây trồng biến đổi gen cho thấy, trong năm 2011 cây trồng biến đổi gen đã được gieo trồng tại 29 nước với diện tích đạt 160 triệu ha. Như vậy, diện tích gieo trồng cây biến đổi gen năm 2011 tăng tới 94 lần so với năm 1996, và cây trồng biến đổi gen đã trở thành công nghệ cây trồng được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử. Những lợi ích và tiềm năng to lớn của cây trồng biến đổi gen đã và đang được thừa nhận, song những tranh luận xung quanh vấn đề an toàn của việc phát triển loại cây trồng này đối với môi trường và sức khỏe con người vẫn đang tồn tại.
Do đó, tại Hội nghị lần này, các nhà quản lý, các nhà khoa học và các chuyên gia cho rằng việc ứng dụng những thành tựu khoa học này vừa là cơ hội và cũng là thách thức không nhỏ đối với các quốc gia, đặc biệt là nước đang phát triển như Việt Nam. Để ứng dụng rộng rãi công nghệ cây trồng biến đổi gen vào thực tế, Việt Nam cần thiết lập được hệ thống đánh giá và quản lý rủi ro chặt chẽ.

Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học