Hội nghị Thương mại – Sinh học quốc tế lần thứ 7

Từ ngày 25-26 tháng 3 năm 2024, Hội nghị lần thứ 7 về Thương mại Sinh học đã được tổ chức tại trụ sở của Liên Hợp quốc, Geneva, Thuỵ sỹ.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các chuyên gia và các đại diện tổ chức quốc tế chủ trì các phiên thảo luận về các Tiêu chuẩn và Tiêu chí Thương mại- Sinh học; Tương lai của Thương mại- Sinh học

Chủ đề của Hội nghị lần này là “Quản trị toàn cầu về Thương mại và Đa dạng sinh học” với mục tiêu đề xuất các khuyến nghị chính sách và các hành động từ các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự về việc làm thế nào để thương mại và chính sách thương mại có thể thúc đẩy thực hiện Khung toàn cầu về đa dạng sinh học (GBF). Hội nghị cũng tạo diễn đàn trao đổi các trường hợp điển hình về tác động của các hoạt động thương mại, các sản phẩm dựa vào đa dạng sinh học tới kinh tế- xã hội và đa dạng sinh học, bao gồm sáng kiến Thương mại-Sinh học.

Hội nghị do Tổ chức Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) phối hợp với các cơ quan, đối tác tổ chức với sự tham gia của đại diện các cơ quan chính phủ và các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực thương mại, môi trường, đa dạng sinh học và phát triển; đại diện các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan phát triển và tổ chức quốc tế khác hoạt động về đa dạng sinh học, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và các dự dự án Thương mại-Sinh học; các doanh nghiệp xã hội và hiệp hội doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý bảo tồn đa dạng sinh học từ Việt Nam, có TS.Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham dự hội nghị.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự Hội nghị

Đa dạng sinh học là nguồn tài sản tự nhiên vô cùng quan trọng mà trái đất cung cấp cho nhân loại. Hơn một nửa dân số thế giới (trên 4 tỷ người) phụ thuộc vào đa dạng sinh học để kiếm sống, với 70% người nghèo và dễ bị tổn thương trên thế giới sống ở khu vực nông thôn phụ thuộc trực tiếp vào đa dạng sinh học. Có tới 40% đất đai trên thế giới bị suy thoái, một triệu loài thực vật và động vật có nguy cơ bị tuyệt chủng và mất đa dạng sinh học được dự đoán sẽ tăng nhanh đến năm 2050.

Hành động toàn cầu nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đã được phản ánh trong các mục tiêu và chỉ tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal (GBF), cũng như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Thương mại là một thành phần không thể thiếu của nền kinh tế quốc gia liên quan đến doanh nghiệp, xã hội và đa dạng sinh học. Hơn một nửa (55%) tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, tương đương khoảng 58 nghìn tỷ USD, phụ thuộc vừa phải hoặc nhiều vào thiên nhiên. Tuy nhiên, trong khi hầu hết 500 công ty hàng đầu thế giới đều có mục tiêu về khí hậu thì chỉ có 5% có mục tiêu về đa dạng sinh học.

Khi thương mại được thực hiện một cách bền vững, có thể truy xuất nguồn gốc và hợp pháp, nó có thể là động lực tích cực cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, đồng thời thúc đẩy chia sẻ lợi ích giữa tất cả các tác nhân trong chuỗi cung ứng.

Hội nghị đã tập trung trao đổi về các nội dung: Lồng ghép đa dạng sinh học vào các cuộc thảo luận và quy trình thương mại; Thương mại, GBF và các Chiến lược và Kế hoạch hành động về Đa dạng sinh học quốc gia; Thương mại và đa dạng sinh học; Lợi ích của nền kinh tế xanh – chuỗi giá trị rong biển; Tương lai của Thương mại- Sinh học.

Tại Hội nghị, TS.Hoàng Thị Thanh Nhàn đã chia sẻ, trao đổi về các chính sách của Việt Nam trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen; hành lang pháp lý cho việc phát triển bền vững các sản phẩm và dịch vụ dựa vào đa dạng sinh học; cơ hội cho việc tăng cường mở rộng hợp tác và thúc đẩy ứng dụng Thương mại- Sinh học trong thời gian tới.

Bên lề Hội nghị, TS.Hoàng Thị Thanh Nhàn đã có các cuộc tiếp xúc trao đổi với UNCTAD và đại diện của Quỹ Môi trường Pháp. Các đối tác khẳng định sự quan tâm tới các nỗ lực bảo tồn ở Việt Nam và mong muốn sẽ có các chương trình, dự án hợp tác với Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học trong thời gian tới./.

NBCA