Ngày 28 tháng 4 năm 2014 tại phòng họp Khách sạn Crown Plaza, Hà Nội, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã tổ chức Hội thảo góp ý Hướng dẫn đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học.
Tham dự Hội thảo có các nhà quản lý thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Bảo vệ thực vật, các nhà khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, trường đại học: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Viện Công nghệ sinh học, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp, Viện Môi trường nông nghiệp… đại diện các tổ chức quốc tế và các công ty sở hữu hạt giống.
Đến tham dự và phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng Hướng dẫn đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen. Hướng dẫn được ban hành sẽ là tài liệu hướng dẫn các tổ chức, cá nhân lập Báo cáo đánh giá rủi ro, cũng như giúp các nhà quản lý, các chuyên gia là thành viên Hội đồng an toàn sinh học và Tổ chuyên gia kỹ thuật có cơ sở trong việc thẩm định, đánh giá hồ sơ cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học.
Trong chương trình Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 2 bài trình bày:
1. Tổng hợp các hướng dẫn đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen trên thế giới, do bà Tạ Thị Kiều Anh, Chuyên viên phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học, Cục Bảo tồn đa dạng sinh học trình bày.
2. Dự thảo Hướng dẫn đánh giá rủi ro cây trồng biến đổi gen, do PGS.TS. Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trình bày.
Sau khi nghe các báo cáo viên trình bày, dưới sự chủ trì của Phó Cục trưởng Hoàng Thị Thanh Nhàn và PGS.TS. Phạm Văn Toản, các đại biểu đã sôi nổi thảo luận, góp ý cho Hướng dẫn đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen. Các nội dung chính được trao đổi tại Hội thảo:
– Về vị trí, mục tiêu của Hướng dẫn: dự kiến, Hướng dẫn không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là hướng dẫn kỹ thuật các nội dung đã được quy định trong các văn bản hiện hành (Luật Đa dạng sinh học, Nghị định 69/2010/NĐ-CP, Thông tư 08/2013). Mục tiêu của hướng dẫn tập trung vào hướng dẫn việc lập và thẩm định báo cáo đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen đối với môi trường và đa dạng sinh học.
– Về cấu trúc của Hướng dẫn: các đại biểu thảo luận về mức độ chi tiết của hướng dẫn, có xây dựng hướng dẫn cụ thể cho từng đối tượng cây trồng biến đổi gen hay không. Sau khi thảo luận, cuộc họp thống nhất xây dựng Hướng dẫn chi tiết nhưng áp dụng chung cho cây trồng biến đổi gen, trong đó xác định một số nội dung cụ thể cho ngô, bông, đậu tương. Dự thảo hướng dẫn sẽ mở để có thể áp dụng cho một số trường hợp trong tương lai.
– Việc xây dựng Hướng dẫn trên tinh thần tiếp thu, kế thừa các hướng dẫn quốc tế như Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
– Cần xây dựng các tiêu chí để lượng hóa quá trình đánh giá rủi ro làm cơ sở cho Tổ chuyên gia nhận định về mức độ rủi ro trong quá trình thẩm định hồ sơ.
– Rà soát, chuẩn hóa các từ ngữ, thuật ngữ chuyên môn.
– Đối với đánh giá sinh vật không chủ đích, các đại biểu thống nhất chia đối tượng không chủ đích của cây trồng biến đổi gen thành các nhóm chức năng khác nhau.
– Bổ sung nội dung về ước lượng rủi ro và đề xuất quản lý rủi ro đối với cây trồng biến đổi gen.
Các ý kiến góp ý nêu trên của các đại biểu sẽ là cơ sở quan trọng để Cục Bảo tồn đa dạng sinh học hoàn thiện Hướng dẫn đánh giá rủi ro của cây trồng biến đổi gen.
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học