26 tháng 8 năm 2014, Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Indonesia đã tổ chức Hội thảo khu vực châu Á chuẩn bị các nội dung cho Cuộc họp lần thứ 7 các Bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (MOP7) tại Bogor, Indonesia.
Tham dự Hội thảo có 45 đại biểu đến từ các quốc gia: Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Phillipines, Căm pu chia, Ấn Độ, Trung Quốc. Đoàn Việt Nam tham gia gồm 2 đại biểu của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổng cục Môi trường.
Tham gia trao đổi tại Hội thảo, ngoài các đại biểu đến từ các quốc gia nêu trên còn có các chuyên gia đến từ Đại học Ghent, Bỉ (GS. Piet van der Meer), Bộ Môi trường Ấn Độ (TS. Ranjini Warrier), Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (TS. David Heron và TS. Fan Li Chou), Hội đồng an toàn sinh học Indonesia (TS. Agus Pakpahan) và Giám đốc Quỹ STRIVE (TS. Leonardo Gonzales),Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp(TS. Randy Haute).
Hội thảo được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận giữa các quốc gia trong khu vực về các nội dung dự kiến trong chương trình của Cuộc họp lần thứ 7 các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học sẽ được tổ chức tại Hàn Quốc vào cuối tháng 9 năm 2014.
Hội thảo đã được nghe các bài giới thiệu tổng quan về:
– Tình hình ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại tại Indonesia.
– Sự hình thành, các nội dung chính và tình trạng áp dụng Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
– Lịch sử, quy trình, trình tự Cuộc họp các bên tham gia Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.
Sau đó các đại biểu tham gia Hội thảo đã thảo luận các thông tin có liên quan đến việc thực hiện các nội dung quy định của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học trong thời gian qua:
– Việc thực hiện Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (Nội dung 9 MOP7).
– Đánh giá hiệu quả của Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học (Nội dung 15 MOP7).
– Đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro (Nội dung 12 MOP7): Nguyên tắc chung và phương pháp đánh giá, kết quả Hội nghị trực tuyến và việc hướng dẫn và thực hành của AHTEG.
– Đánh giá các tác động về kinh tế – xã hội (Nội dung 13 MOP7): kết quả Hội nghị trực tuyến và việc hướng dẫn và thực hành của AHTEG.
-Vấn đề vận chuyển xuyên biên giới không chủ đích và các biện pháp ứng phó khẩn cấp (Nội dung 16 MOP7).
– Nghị định thư bổ sung Nagoya – Kuala Lumpur về nghĩa vụ pháp lý và bồi thường (Nội dung 11 MOP7).
-Vấn đề xử lý, vận chuyển, đóng gói và xác định sinh vật biến đổi gen (Nội dung 10 MOP7).
Theo Phòng Quản lý nguồn gen và An toàn sinh học,
Cục Bảo tồn đa dạng sinh học